Hà Nội

Nhiễm nấm khi dùng kháng sinh, vì sao?

17-07-2020 15:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi bị mụn trứng cá, đi khám bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh uống tetracyclin kết hợp với thuốc bôi. Uống được 7 ngày tôi thấy ngứa âm đạo (giống như bị nhiễm nấm mà tôi đã từng bị trước đây). Vậy có phải tình trạng của tôi gặp phải là do thuốc không? Tại sao uống thuốc kháng sinh lại gây nấm âm đạo? Tôi có nên ngừng thuốc?

Bùi Thị Lan Anh (Hưng Yên)

Tetracyclin là một trong những kháng sinh được dùng trong điều trị bệnh trứng cá, có thể được kết hợp với các loại thuốc bôi để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, bên cạnh các bất lợi thường gặp như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy hay tăng phát triển vi khuẩn kháng kháng sinh và nguy cơ phát triển vi khuẩn đường ruột kháng kháng sinh... thì tetracyclin nói riêng và các kháng sinh nói chung có thể làm đảo lộn sự cân bằng vi khuẩn có trong âm đạo của phụ nữ, gây phát triển quá mức các vi sinh vật không nhạy cảm, kể cả nấm (đặc biệt là khi sử dụng dài ngày). Đó là lý do tại sao một trong những bất lợi của thuốc được đề cập tới là gây nhiễm nấm âm đạo.

Do kháng sinh làm thay đổi cấu trúc vi khuẩn trong cơ thể, chúng có thể khiến chúng ta dễ bị nhiễm trùng nấm men và các loại nấm phát triển khác. Những nhiễm trùng này còn có thể xảy ra trong miệng (được gọi là bệnh tưa miệng), trên da, hoặc dưới móng tay hoặc móng chân.

Ngoài ra, một số trường hợp còn xuất hiện tình trạng lưỡi lông đen khi uống thuốc kháng sinh, trong đó có các tetracyclines; có thể làm cho các vết sưng nhỏ trên bề mặt lưỡi (được gọi là papillae) phát triển lâu hơn và “bẫy” nhiều vi khuẩn, thuốc lá, thực phẩm... gây ra sự đổi màu và xuất hiện lông. May mắn thay, tình trạng này thường biến mất ngay sau khi ngừng thuốc.

Như vậy, rất có thể bạn bị viêm âm đạo, nhiễm nấm do rối loạn hệ vi khuẩn thường trú do uống thuốc kháng sinh. Có thể dùng thuốc chống nấm trong khi bạn đang dùng thuốc kháng sinh (giúp ngăn ngừa tác dụng phụ này), nhưng cần xin ý kiến của bác sĩ trước khi muốn dùng thêm bất cứ loại thuốc nào khác.


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn