Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococus suis gây nên. Nhiều người dân chủ quan cho rằng, chỉ khi ăn tiết canh mới bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thực tế người tiếp xúc với thịt lợn nhiễm bệnh khi tay có vết thương cũng có thể bị nhiễm bệnh. Thời gian qua, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận một số trường hợp dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn mà không do ăn tiết canh.
Nguy cơ từ những cơ sở giết mổ tự phát
Khảo sát của phóng viên tại một số chợ đầu mối, các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tình trạng các chủ cơ sở buôn bán thịt lợn nhỏ lẻ giết mổ tại chỗ mà không có các phương tiện bảo hộ. Tại lò giết mổ Thịnh Liệt, Mai Động, không ít hộ gia đình mổ chui mà không cần mang đồ bảo hộ như găng tay, ủng, khẩu trang..., tay trần làm trực tiếp trên thịt sống. Đây là tác nhân chính để cho bệnh liên cầu lợn lây truyền cho người vì không được trang bị các điều kiện lao động tối thiểu như: găng tay, khẩu trang và nguồn nước sạch. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã cấm giết mổ và kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn tự phát mà phải đưa vào các lò mổ tập trung.
Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, cảnh mua bán và tiếp xúc tay trần với thịt lợn sống vẫn diễn ra phổ biến. Trong khi đó, các quán nhậu, món tiết canh và lòng lợn vẫn được bày la liệt ngay gần đó, mời gọi khách. Món ăn bình dân này có mặt ở khắp các phố nhưng nơi được người Hà Nội chuộng nhất là các quán ở khu tập thể Nghĩa Tân, đầu phố Lê Duẩn, giữa phố Thụy Khuê, cuối phố Trần Huy Liệu, phố Nguyễn Khang, chợ Bưởi, chợ Châu Long... Đây cũng là nguồn lây bệnh rất khó kiểm soát.
Theo ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận một trường hợp là ông Nguyễn Văn B., quê Thạch Thất, Hà Nội. Ông B. vào miền Nam chơi với con cái trùng vào dịp bùng phát dịch tai xanh, gia đình có nuôi 3 con lợn đều bị chết do dịch, sau khi cho tiêu hủy 2 con, vì tiếc nên ông B. đã trực tiếp làm thịt con còn lại. Sau đó, quay về Hà Nội, ông B. có biểu hiện sốt cao, tụt huyết áp, suy đa phủ tạng, sau 40 ngày điều trị, chi phí lên đến 80 triệu đồng.
Phát hiện càng sớm càng tốt
Theo ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, vi khuẩn gây bệnh khu trú trong đường hô hấp, đường tiêu hóa... của lợn. Vì thế, ngoài việc không ăn tiết canh, không nên sử dụng các sản phẩm khác có liên quan đến lợn mà không biết rõ nguồn gốc; không được giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì bắt buộc phải có các phương tiện phòng hộ.
Lợn ốm chết không được tiêu hủy mà vẫn đem giết mổ để tiêu thụ có thể là nguồn lây bệnh liên cầu lợn .
ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn gây bệnh ở người gồm 2 thể: nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng. Với thể viêm màng não: biểu hiện ban đầu là sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, nặng hơn là lơ mơ và hôn mê. Nếu không được chẩn đoán kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê sâu và tử vong. Tuy nhiên, vẫn có thể cấp cứu và điều trị tích cực, với thời gian từ 2 - 3 tuần, tỷ lệ cứu sống được khoảng 30%, nhưng vẫn để lại di chứng điếc tai; điều trị phục hồi thính lực có trường hợp được, có trường hợp không. Còn đối với thể nhiễm khuẩn huyết: thường xuất hiện nếu chậm thì từ sau 3 - 7 ngày, nhanh thì chỉ ít giờ sau sốc. Biểu hiện ban đầu là sốt cao, tiêu chảy, trên da xuất hiện nhiều nốt hoại tử, tắc mạch hoại tử đầu ngón tay, chân dẫn đến tử vong nhanh chóng do sốc. Đối với trường hợp này, bệnh nhân biến chứng bị suy đa phủ tạng, nguy cơ tử vong cao, trung bình là hơn 40%. Nếu cứu được cũng để lại di chứng nặng nề như điếc tai, viêm mủ nội nhãn, hoại tử chân, tay...
Thông thường, một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất từ 2 - 3 tuần. Còn những người bị nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Vì thế, khi có dấu hiệu bất thường như đã nêu trên, cần sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.
Bài, ảnh: Trần Trọng