Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A gây ra bệnh gì?

14-01-2023 06:55 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mùa xuân là mùa vi khuẩn liên cầu nhóm A phát triển mạnh nhất. Làm cách nào để tránh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A?

Thuốc trị viêm họng do liên cầu khuẩn Thuốc trị viêm họng do liên cầu khuẩn

SKĐS - Viêm họng do liên cầu khuẩn là tình trạng viêm nhiễm ở họng và amidan do vi khuẩn gây ra. Nếu không được điều trị, viêm họng do liên cầu khuẩn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Cần rửa tay thường xuyên tránh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A

Liên cầu khuẩn nhóm A (Group A Streptococcal: GAS) là vi khuẩn Gram dương, thường được tìm thấy ở cổ họng và trên da. Mọi người có thể mang liên cầu khuẩn nhóm A trong cổ họng hoặc trên da và không bị bệnh. Tuy nhiên, liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau. Những bệnh nhiễm trùng này bao gồm từ nhẹ cho đến những bệnh rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong.

Theo một số nghiên cứu được công bố bởi CDC, tại Hoa Kỳ ước tính có khoảng 11.000 đến 24.000 trường hợp mắc bệnh và có khoảng 1.200 đến 1.900 trường hợp tử vong do bệnh liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn mỗi năm.

Trên thế giới ước tính có khoảng 111 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển bị chốc lở; 470.000 trường hợp mắc mới thấp khớp và 282.000 trường hợp mắc mới thấp tim xảy ra mỗi năm. Tuy nhiên, việc phòng bệnh có hiệu quả là cần vệ sinh tốt, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên có thể tránh nhiễm trùng liên cầu nhóm A.

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A gây ra bệnh gì? - Ảnh 2.

Mùa xuân là mùa vi khuẩn liên cầu nhóm A phát triển mạnh nhất.

Liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây bệnh gì?

Nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus nhóm A. Thường gặp nhất là viêm họng và viêm da. Bệnh do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra thường được chia ra 2 nhóm: Không xâm lấn và xâm lấn.

- Nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A không xâm lấn bao gồm các bệnh như: Viêm họng, sốt tinh hồng nhiệt, chốc lở, viêm tai giữa, viêm phổi...

- Nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn bao gồm: Nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp, viêm cầu thận cấp, thấp tim, hội chứng sốc độc tố liên cầu khuẩn (STSS)…

Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ hầu họng người bệnh hoặc tiếp xúc với vết thương từ da của người bị nhiễm khuẩn da do liên cầu khuẩn nhóm A.

Khi mà các nhiễm khuẩn tại chỗ ban đầu không được điều trị và chăm sóc tốt, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào nhiều cơ quan trong cơ thể gây bệnh trầm trọng. Kết hợp với hàng rào miễn dịch tại chỗ suy giảm. Hoặc do nhiễm các chủng sản sinh độc tố nguy hiểm của liên cầu khuẩn nhóm A.

Biểu hiện nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A

- Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A: Là biểu hiện thường gặp nhất của nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A, thường gặp vào mùa đông và mùa xuân. Thông thường độ tuổi thường gặp từ 5 - 15 tuổi, hiếm khi gặp trẻ dưới 3 tuổi. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 đến 5 ngày. Khi mắc trẻ thường có biểu hiện sốt cao, đau họng, Amidan có mủ, nổi hạch cổ, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, phát ban đỏ toàn thân …

- Bệnh chốc lở do liên cầu khuẩn nhóm A: Thường gặp ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Thời gian ủ bệnh khoảng 7 - 10 ngày khi xuất hiện ở vùng da bị tổn thương do chấn thương, côn trùng cắn, thủy đậu… Trẻ mắc bệnh chốc lở do liên cầu khuẩn nhóm A có biểu hiện nốt phỏng nước nhỏ, xung quanh đỏ, nước chuyển màu vàng, vỡ bỏng nước gây bong vảy, da trợt đỏ. Tổn thương da rải rác toàn thân, có thể kèm sốt. Sau đó có thể diễn tiến nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời.

- Bệnh thấp tim do liên cầu khuẩn nhóm A: Thường gặp ở trẻ trong độ tuổi 5 - 15 tuổi. Bệnh thường xảy ra khi trẻ mắc viêm họng do liên cầu khoảng 2 - 3 tuần. Khi mắc thường có biểu hiện bằng một hội chứng bao gồm: Viêm tim, viêm đa khớp, múa giật Syndenham, ban vòng, nốt dưới da… Trong các tổn thương do bệnh gây nên, tổn thương ở tim là nặng nhất vì có thể gây tử vong trong đợt cấp hoặc để lại di chứng vĩnh viễn ở van tim.

- Bệnh viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu: Thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 5 -12 tuổi, thường xảy ra sau viêm họng do liên cầu khoảng 1 - 2 tuần hoặc nhiễm trùng da do liên cầu khoảng 3 - 6 tuần. Khi đó trẻ thường có biểu hiện của một hội chứng lâm sàng với những đặc trưng bao gồm: Tiểu ra máu, tiểu đạm, phù, tăng huyết áp và tăng Creatinin máu. Biến chứng của bệnh bao gồm: Suy tim, phù phổi, bệnh não do tăng huyết áp.

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A gây ra bệnh gì? - Ảnh 4.

Viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A là biểu hiện thường gặp nhất của nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.

Lời khuyên thầy thuốc

Việc điều trị các nhiễm trùng do liên cầu khuẩn nhóm A tùy thuộc vào từng cá nhân, thể bệnh, mức độ nặng hay nhẹ. Thông thường hầu hết bệnh có thể sẽ được chỉ định bằng kháng sinh thông thường.

Các bệnh viêm họng và viêm da do liên cầu khuẩn nếu được điều trị sớm và đúng có tác dụng ngăn ngừa hậu quả trên các cơ quan khác như: Thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận cấp, viêm cơ, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc độc tố...

Để phòng ngừa lây nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A quan trọng nhất là vệ sinh tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi ho, hắt hơi. Luôn luôn che mũi, che miệng khi ho và hắt hơi để tránh phát tán vi khuẩn xung quanh.

Cần chủ động vệ sinh răng miệng, tay chân sạch sẽ hàng ngày, nếu mắc các bệnh viêm nhiễm họng, hay có vết thương nhiễm trùng cần được điều trị đúng và triệt để. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Mời độc giả xem thêm video:

Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.



BS Nguyễn Hữu Nghĩa
Ý kiến của bạn