Nhiễm liên cầu khuẩn dễ chẩn đoán nhầm

30-08-2012 13:14 | Tin nóng y tế
google news

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương những ngày gần đây liên tục tiếp nhận bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Tính đến tháng 5/2012 chỉ có 14 ca mắc, 3 tháng lại đây (đến ngày 27/8/2012) có 45 ca mắc bệnh liên cầu lợn

(SKDS) - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương những ngày gần đây liên tục tiếp nhận bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Tính đến tháng 5/2012 chỉ có 14 ca mắc, 3 tháng lại đây (đến ngày 27/8/2012) có 45 ca mắc bệnh liên cầu lợn (trường hợp mới nhất được nhập viện ngày 27/8) ở các tỉnh như: Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên…

Nhập viện muộn – Nguy hiểm đến tính mạng

Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh có diễn biến đột ngột nhanh chóng, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

ThS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: hầu hết bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nhập viện trong giai đoạn muộn. Điển hình bệnh nhân nam ở Phú Thọ nhập viện ngày 17/8/2012 trong tình trạng rất nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy gan thận, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, điều trị tích cực. Sau 24 giờ, tình trạng bệnh tiến triển xấu thêm nên gia đình xin đưa bệnh nhân về. Trường hợp bệnh nhân N.V.L. ở Nghệ An: ngày 15/8/2012, sau khi uống rượu và ăn tiết canh lợn khoảng 12 giờ, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, rét run.
 
 Điều trị bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân tự mua thuốc về điều trị nhưng không đỡ. Ngày 18/8/2012, L. được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Nghệ An và được chuyển thẳng ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn nặng, rối loạn đông máu và suy tạng cấp… Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu và hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Trường hợp cụ L.T.L., 90 tuổi, ở Lưu Nông, Bình Minh (Nam Trực - Nam Định) là một trường hợp cực kỳ may mắn được cứu sống. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện 1 ngày, cụ có biểu hiện đau đầu, sốt nóng, người gai rét. Trên cẳng tay phải xuất hiện ít ban hoại tử da. Ngày 4/8/2012, cụ L.T.L được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định và sau đó được chuyển ngay lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Khi nhập BV Bệnh nhiệt đới, cụ L. trong tình trạng sốt, lơ mơ, rối loạn ý thức, xuất hiện hoại tử thành đám ở đùi, tay, vai…, xuất hiện hội chứng màng não (đau đầu, nôn, cứng gáy...). Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm máu cho kết quả bạch cầu tăng, giảm tiểu cầu và chọc dịch não tủy có màu vàng lờ đục. Điều này cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng. Bác sĩ nghĩ đến tình huống bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Trong khi chờ kết quả cấy máu, dịch não tủy, bác sĩ đã chỉ định dùng kháng sinh đặc hiệu. 3 ngày sau có kết quả chọc dịch não tủy 414 tế bào/1mm3 dịch (bình thường chỉ có 0-3 tế bào/mm3 dịch), 98% bạch cầu đa nhân trung tính, hình ảnh cầu khuẩn bắt gram ( ), kết quả cấy máu thấy vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis (S.cuis).

Sau 20 ngày điều trị tích cực, sức khỏe cụ L. đã ổn định và xuất viện ngày 27/8.

 Streptococcus suis, tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

Bệnh dễ chẩn đoán nhầm

Theo Th.BS. Nguyễn Hồng Hà: Bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm bởi có diễn biến nhanh, chỉ trong vòng 12-20 giờ đã có thể rất nguy hiểm, bệnh nhân rơi vào sốc do nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Hơn nữa, ban đầu, bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn tụ cầu, viêm màng não do não mô cầu... Điều đáng lưu ý là một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Còn những người bị nhiễm khuẩn huyết phải điều trị tới 2 tháng với chi phí vô cùng tốn kém.

 Tổn thương ban hoại tử da do liên cầu lợn.

Hãy cảnh giác với lợn bệnh

Th.BS. Nguyễn Hồng Hà cho biết: Liên cầu S. suis là một tác nhân gây bệnh nguy hiểm ở lợn. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác..., xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Trường hợp nặng, người bệnh bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng..., hôn mê và tử vong.

Vì vậy, phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn tốt nhất bằng cách: Không tiếp xúc với lợn bệnh, khi giết mổ phải có các thiết bị phòng hộ như đeo găng tay, khẩu trang; Tuyệt đối không ăn tiết canh, không ăn thịt lợn chưa nấu chín, không hợp vệ sinh vì vi khuẩn có thể tồn tại trong thịt lợn chế biến tái và đặc biệt là món tiết canh lợn; Thịt cần được nấu chín kỹ. Nếu thấy thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề thì tuyệt đối không dùng.

Khánh Mai


Ý kiến của bạn