Nhiễm lao và bệnh lao

24-05-2019 09:55 | Y học 360
google news

SKĐS - Năm 1882, nhà bác học Robert Koch (1843-1910), người Đức tìm ra vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao. Đó là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Vi trùng lao bị lan truyền qua không khí khi người mắc bệnh lao ho ra, hắt hơi, hát hoặc nói, bắn ra những tia li ti vào không khí. Những người khác có thể hít phải các tia này và nhiễm bệnh.

Khi vi khuẩn lao lần đầu xâm nhập được vào phổi của một người bình thường, diễn biến sự việc sẽ như sau: vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở, rồi theo đường mạch máu và bạch huyết phát tán đi khắp nơi trong cơ thể. Hệ thống phòng ngự có sẵn của cơ thể tại phổi sẽ chống lại vi khuẩn lao và sự phát triển của nó. Cuộc chiến này kéo dài khoảng 6-8 tuần thì kết thúc. 3 kết cục có thể xảy ra:

Vi khuẩn lao quá mạnh, cơ thể quá suy yếu không thể chống cự, vi khuẩn lao phát triển mạnh gây bệnh ngay. Trường hợp này ít xảy ra, thường gặp trong trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng nặng hoặc người có suy giảm miễn dịch nghiêm trọng như nhiễm HIV không điều trị, hoặc do có bệnh khác.

Cơ thể có miễn dịch quá mạnh, giết chết toàn bộ vi khuẩn lao trong cơ thể. Trường hợp này cũng ít xảy ra vì cơ thể mới gặp vi khuẩn lao lần đầu.

Đa số vi khuẩn lao bị tiêu diệt, nhưng một số vẫn sống sót và bị hệ thống miễn dịch giam hãm tại một nơi bất kỳ nào đó trong cơ thể. Vi khuẩn lao có sức trường tồn mạnh, chịu đựng trong các nhà tù đó rất lâu dài, có khi nhiều năm. Đến một thời gian nào đó, cơ thể vì lý do nào đó suy yếu đi, vi khuẩn lao vùng dậy, phá vỡ nơi giam giữ mình, phát triển và gây bệnh. Lúc đó thành bệnh lao.

Nhiễm lao và bệnh laoVi khuẩn lao xâm nhập cơ thể.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ở người bình thường, 90% trường hợp vẫn sẽ có sức khỏe bình thường suốt đời không mắc bệnh lao. Trường hợp này gọi là nhiễm lao tiềm tàng. Khi xét nghiệm phản ứng lao tố trên da hoặc thử máu sẽ có phản ứng dương tính. Người nhiễm lao không phải là người mắc bệnh lao, trong đờm không có vi khuẩn, không lây cho người khác. Họ là người bình thường, nhưng về sau có thể chuyển thành bệnh lao. Chỉ có 10% số người bị nhiễm vi khuẩn lao xâm nhập trước kia sẽ thành bệnh lao mà thôi. Biến cố này có thể xảy ra sau khi vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể nhiều tháng hoặc nhiều năm, đa số là trong vòng 2 năm đầu tiên.

Khác với lúc vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể thì âm thầm không triệu chứng, lúc thành bệnh lao thì có triệu chứng toàn thân như sốt, ra mồ hôi đêm, ăn kém, sụt cân và triệu chứng tại bộ phận cơ thể bị lao. Lao phổi là dễ xảy ra nhất. Nhưng lao có thể có ở bất kỳ cơ quan nào vi khuẩn lao đã đến ẩn nấp: lao hạch, lao da, lao xương, lao thận, lao màng não, lao ruột, lao vú, lao mắt,... Lao chỗ nào thì có thêm triệu chứng của cơ quan đó. Lao phổi thì ho, ho đờm, ho ra máu, tức ngực, khó thở. Lao hạch thì hạch to lên. Lao màng não thì thay đổi tri giác, có dấu hiệu ở thần kinh trung ương,... và có sự hiện diện của vi khuẩn lao trong bệnh phẩm lấy từ cơ quan bị lao, như đờm, nước tiểu, hạch... Người mắc bệnh lao phổi có thể lây cho người ở gần mình. Những bệnh lao khác như lao hạch, lao xương, lao màng não, lao màng bụng,... không lây nhiễm.

Người mắc bệnh lao cần điều trị tích cực tại cơ sở chuyên khoa lao, thực hiện điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và có thể điều trị khỏi hẳn bệnh. Điều trị lao cần phối hợp nhiều thuốc, ít nhất là 4 thuốc và kéo dài ít nhất 6 tháng. Các loại thuốc dùng trong chữa bệnh lao phổi bao gồm: isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), streptomycin (S), ethambutol (E). Bệnh nhân lao phải dùng thuốc đúng cách đó là: Phối hợp thuốc chống lao, đúng liều, đều hàng ngày và đủ thời gian. Phải xét nghiệm lại đờm 3 lần vào các thời điểm: sau tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của giai đoạn điều trị tấn công, sau tháng thứ 5 và thứ 8 của giai đoạn điều trị duy trì.

Sau khi điều trị thuốc chống lao được vài tuần, dấu hiệu bệnh thuyên giảm, bệnh nhân thấy người khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn và có thể tăng cân, đó là biểu hiện tốt, nhưng bệnh chưa khỏi, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị cho đủ 8 tháng. Nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị (ngừng dùng thuốc trước 8 tháng) bệnh không khỏi, nhanh tái phát trở lại và đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lao trở nên kháng lại các thuốc chống lao và việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Người nhiễm lao có thể phát triển thành bệnh lao về sau nên có thể điều trị dự phòng. Dự phòng lao chỉ cần uống 1 thứ thuốc. Đối tượng nhiễm lao ưu tiên điều trị dự phòng lao là: trẻ em dưới 5 tuổi sống chung với người bệnh lao, người nhiễm HIV chưa có bệnh lao và một số đối tượng khác có nguy cơ dễ thành bệnh Lao. Khi trong nhà có người bị lao, nhất là lao phổi, cần tầm soát lao cho người sống chung.

Khi mọi người thấy có các dấu hiệu như: Ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần; Ho ra máu; Sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm; Đau tức ngực; Gầy sút cân; Chán ăn, mệt mỏi, cơ thể xanh xao... thì cần đến ngay các cơ sở y tế (trung tâm y tế dự phòng hoặc bệnh viện quận, huyện) để khám bệnh, xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.


BS. Xuân Đồng
Ý kiến của bạn