Anh tôi bị bỏng nặng do nước sôi đổ vào người. Điều dưỡng nói phải đề phòng nhiễm khuẩn vết bỏng. Vì sao lại bị nhiễm khuẩn vết bỏng và cách phát hiện như thế nào thưa bác sĩ?
Nguyễn Thị Diệu(Quảng Ninh)
Khi bị bỏng, da của bệnh nhân bị phỏng hoặc trầy, loét mất hàng rào bảo vệ cơ thể nên vi khuẩn trên da bệnh nhân và môi trường bệnh viện dễ dàng thâm nhập vào người bệnh qua vết bỏng. Tổn thương bỏng thường có mô hoại tử và nhanh chóng bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn gây nhiễm khuẩn hay gặp là Streptococcus và Staphylococcus, P. aeruginosa, Pseudomonas, nấm Candida albicans, Aspergillus, virus Herpes simplex... Dấu hiệu của nhiễm khuẩn vết bỏng gồm: sự thay đổi độ dày, từ một vết bỏng dày từng phần sang thành dày toàn bộ; thay đổi màu sắc như vết bỏng màu nâu tối hay chuyển màu đen, tại mô bình thường ở bờ vết thương xuất hiện màu đỏ mới hoặc phù nề, mô hoại tử bị tách ra khỏi mô dưới da và thoái hoá vết thương với sự xuất hiện một mô hoại tử mới; xuất hiện màu xanh tại vết thương; biến đổi thân nhiệt, giảm huyết áp, tim đập nhanh, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và suy thận... Nắm vững các triệu chứng trên là bạn có thể phát hiện sớm nhiễm khuẩn vết bỏng.
BS. Nguyễn Bằng Việt