Hà Nội

Nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thay khớp háng: Xử lý thế nào?

18-12-2017 09:13 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hiện nay, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến. Tại Việt Nam, hàng năm có hàng ngàn bệnh nhân (BN) có bệnh lý khớp háng có thể quay trở lại hoạt động bình thường nhờ phẫu thuật thay khớp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều BN gặp phải các tai biến, biến chứng sau thay khớp như: sai khớp, gãy xương, mòn khớp, lỏng khớp, nhiễm khuẩn... trong đó biến chứng nhiễm khuẩn khớp sau thay khớp háng nhân tạo là biến chứng nặng nề nhất đối với bệnh nhân và cho cả thầy thuốc.

Phân loại nhiễm khuẩn sau thay khớp

Giai đoạn I (nhiễm khuẩn cấp): bao gồm nhiễm khuẩn cấp sau mổ, khối máu tụ nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn nông tiến triển thành nhiễm khuẩn sâu. Giai đoạn này có thể thấy dịch mủ, dịch tiết chảy ra từ ổ mổ, quanh vết mổ đỏ, nề, người bệnh có thể sốt cao.

Giai đoạn II (nhiễm khuẩn sâu): BN thấy đau tại khớp háng, trong khi vết thương đã liền tốt. Tuy nhiên, có nhiều BN để lâu, không điều trị có thể dẫn đến viêm rò ổ mổ. Chụp Xquang: có thể thấy dấu hiệu lỏng khớp ở ổ cối hoặc xương đùi hoặc cả hai vị trí. Xét nghiệm máu: máu lắng, CRP, bạch cầu có thể tăng cao. Chọc dò khớp háng quan sát dịch khớp, đếm số lượng bạch cầu, cấy khuẩn có thể giúp tìm vi sinh vật gây bệnh. Phương pháp đánh dấu đồng vị phóng xạ có giá trị chẩn đoán cao nhưng ít cơ sở y tế có thể triển khai, giá xét nghiệm đắt.

Nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thay khớp hángNhiễm khuẩn sau phẫu thuật thay khớp hángHình ảnh lỗ viêm rò tại ổ mổ và hình ảnh tiêu xương, phản ứng dày xương tại quanh ổ cối và chuôi khớp nhân tạo.

Giai đoạn III (nhiễm khuẩn muộn từ máu): sau mổ BN không đau khớp một thời gian, sau đó BN than phiền vì đau tại khớp háng cấp tính, kết quả xét nghiệm các chỉ sổ bạch cầu, máu lắng và CRP tăng.

Cách gì chẩn đoán?

Giai đoạn I: việc chẩn đoán rất dễ dàng, chỉ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng đã mô tả ở trên.

Giai đoạn II, III: việc chẩn đoán tương đối dễ dàng nếu đã xuất hiện viêm rò tại vết mổ.

Tuy nhiên, với những trường hợp không có viêm rò, vết mổ liền sẹo tốt, việc chẩn đoán không dễ dàng. Với những trường hợp này, để chẩn đoán nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thay khớp háng cần dựa vào các triệu chứng sau:

Đau tại khớp háng: đây là triệu chứng quan trọng nhất, vị trí đau có thể tại nếp bẹn hoặc dọc đùi, cảm giác đau sâu, đau trong xương, đau liên tục, âm ỉ cả khi nghỉ ngơi, đau tăng về đêm, khi đi lại, điều trị thuốc kháng viêm giảm đau không đỡ hoặc đỡ ít.

Các triệu chứng kèm theo: có thể có sốt nhẹ hoặc cảm giác gai rét.

Chọc dò dịch khớp háng để cấy khuẩn có thể phát hiện vi khuẩn gây bệnh, ngoài ra đếm số lượng bạch cầu đa nhân trong dịch khớp háng, nếu số lượng trên 400/mm khối có thể nghĩ đến nhiễm khuẩn khớp.

Xquang: có thể thấy hình ảnh đường thấu quang quanh khớp nhân tạo, các ổ tiêu xương, phản ứng dày màng xương...

Ngoài ra, có thể dùng chất đồng vị phóng xạ để đánh dấu, phương pháp này có giá trị chẩn đoán cao, tuy nhiên khá tốn kém.

Giải pháp điều trị

Tùy theo giai đoạn bệnh, áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau:

Nếu nhiễm khuẩn nông ổ mổ, dùng kháng sinh điều trị, tốt nhất theo kháng sinh đồ. Cắt chỉ ổ mổ, cắt lọc vết thương, điều trị hút áp lực âm (VAC), khâu da kỳ II.

Nhiễm khuẩn sâu: tùy theo thời gian và mức độ tổn thương, có thể áp dụng các phương pháp:

Cắt lọc và tưới rửa khớp.

Phương pháp này ít được áp dụng, thông thường chỉ định cho những trường hợp có khối máu tụ có khả năng gây nhiễm khuẩn.

Thay khớp lại một thì

Phương pháp này thường sử dụng cho những trường hợp nhiễm khuẩn giai đoạn cấp, bán cấp, tỉ lệ thành công khoảng 75-80%. Phương pháp tiến hành: sau khi tháo khớp nhân tạo, cắt lọc, tưới rửa sạch ổ mổ, rửa sạch, tiệt trùng khớp vừa tháo, thay lại khớp luôn trong một cuộc mổ hoặc có thể thay thế bằng khớp nhân tạo mới trong cùng một cuộc mổ.

Thay khớp lại hai thì

Phương pháp này được áp dụng phổ biến nhất hiện nay.

Thì 1: tháo khớp, trám xi măng kháng sinh.

Sau khi được chẩn đoán xác định nhiễm khuẩn khớp háng nhân tạo, các bác sĩ sẽ tháo khớp, cắt lọc sạch ổ mổ 1 - vài lần, trám xi măng kháng sinh thay thế tạm thời khớp nhân tạo, cố định tạm thời khớp bằng nẹp chỉnh hình, điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch trong 4-6 tuần.

Thì 2: thay lại khớp.

Bệnh nhân được hẹn khám định kỳ 3-6 tháng, nếu vết mổ liền tốt, xét nghiệm bạch cầu, máu lắng, CRP trong giới hạn bình thường sẽ được xem xét phẫu thuật thay lại khớp háng.

Tháo khớp (cắt đoạn khớp)

Trong một số trường hợp bệnh nhân thể trạng yếu, không thể  phẫu thuật thay khớp, sau khi tháo khớp nhân tạo, làm liền ổ mổ bằng phương pháp điều trị áp lực âm (VAC) hoặc trám vạt cơ vào ổ cối, sau đó tùy vào từng bệnh nhân có thể xem xét thay lại hoặc không  phẫu thuật thay lại khớp háng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Như vậy, nhiễm khuẩn khớp háng sau thay khớp nhân tạo là biến chứng rất nặng nề, việc điều trị không đơn giản. Do đó, với mỗi bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật viên cần giải thích cho bệnh nhân đầy đủ, rõ ràng các biến chứng có thể xảy ra, trong đó có biến chứng nhiễm khuẩn, giúp bệnh nhân nhận biết được các triệu chứng bất thường sau thay khớp, đặc biệt là triệu chứng đau. Với mỗi người bệnh sau thay khớp háng, luôn nhớ khám lại định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, lắng nghe, thấu hiểu những nội dung phẫu thuật viên trao đổi, ngoài ra bệnh nhân có thể tự tìm hiểu tài liệu phổ thông qua các phương tiện như internet, sách báo, trao đổi với những bệnh nhân khác để kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường, giúp thầy thuốc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, giảm thiểu những hậu quả do nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thay khớp háng gây ra.


ThS.BSCKII. Phùng Văn Tuấn
Ý kiến của bạn