Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STI) là gì?

18-09-2014 08:42 | Giới tính
google news

Chỉ có một cách duy nhất giúp bạn tránh khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục là quan hệ tình dục an toàn

Các nhiễm lây truyền qua đường tình dục có thể lây từ người này sang người khác thông qua quan hệ tình dục “không bảo vệ” bằng đường âm đạo, hậu môn và miệng. Nếu bạn có quan hệ tình dục, chỉ có một cách duy nhất giúp bạn tránh khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục là quan hệ tình dục an toàn – nghĩa là quan hệ tình dục sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục. Nếu bạn không sử dụng bao cao su bạn sẽ có nguy cơ lây nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

Không phải chỉ người có nhiều bạn tình mới bị mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục không phân biệt tuổi tác, giới tính, hay tình trạng hôn nhân (có gia đình/chưa có gia đình). Việc có quan hệ tình dục làm bạn có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền. Tuy nhiên, rất nhiều các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục khi đã mắc phải không biểu hiện triệu chứng rằng bạn đã bị nhiễm bệnh.

Biểu hiện của một số nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục chỉ đơn giản là bạn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, một số thì làm bạn tăng nguy cơ bị ung thư và vô sinh, và một số bệnh lây truyền khác như hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), sẽ cướp đi sinh mạng của bạn. 

Làm thế nào để tránh các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục?

  • Không nên quan hệ tình dục với người không dùng bao cao su mà lại có tiêm chích hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Chỉ sử dụng các chất bôi trơn dạng gel hay dầu như dầu K-Y. Các loại chất bôi trơn khác có thể làm rách bao cao su.
  • Không nên quan hệ tình dục với nhiều người. Bạn càng có nhiều bạn tình thì khả năng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục càng cao
  • Chắc chắn rằng bao cao su chùm kín hết toàn bộ dương vật. Nếu bao cao su không chùm kín hết dương vật thì nó sẽ không bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
  • Hàng năm, bạn hãy đến trung tâm Marie Stopes International để xét nghiệm tế bào phát hiện sớm ung thư cổ tử cung và kiểm tra các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (hoặc có thể đến thường xuyên hơn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ). Việc điều trị sớm có thể giúp bạn chữa khỏi các nhiễm lây truyền qua đường tình dục và làm giảm lây nhiễm cho những người khác.

Các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi được không?

Hầu hết các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi được và tốt nhất nếu như bạn bị mắc loại bệnh này thì nên chữa trị càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đối với một số loại lây nhiễm như HIV/AIDS và hec-pet sinh dục, thì cho đến nay, tuy chưa có thuốc chữa khỏi được hoàn toàn, nhưng có thuốc làm giảm triệu chứng và giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển. Nếu không được chữa trị kịp thời, một số nhiễm khuẩn có thể gây ra đau đớn hoặc khó chịu cho người mắc phải, thậm chí chúng có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe, gây vô sinh và có thể làm lây lan sang người khác.

Làm sao để biết được mình bị nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục?

Không phải tất cả những người bị mắc nhiễm khuẩnlây truyền qua đường tình dục đều có biểu hiện hay triệu chứng. Đôi khi dấu hiệu không xuất hiện trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, và đôi khi hoàn toàn không có dấu hiệu gì cả, nhưng bạn vẫn bị nhiễm bệnh và có thể làm lây lan sang bạn tình. Nếu bạn có một trong số các biểu hiện sau đây bạn cần đi khám ngay:

  • Âm đạo ra nhiều khí hư bất thường
  • Dương vật chảy mủ
  • Bị đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Bị ngứa, mẩn đỏ, nổi cục hay phồng giộp xung quanh cơ quan sinh dục hoặc hậu môn
  • Bị đau hoặc ra máu trong khi quan hệ tình dục
  • Bị ra máu bất thường ngoài kỳ kinh nguyệt (kể cả những phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai bằng hóc-môn)
  • Bị ra máu sau khi quan hệ tình dục
  • Bị đau ở tinh hoàn hay ở bụng dưới

Thậm chí nếu bạn không thấy có dấu hiệu hay triệu chứng gì, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn hay kiểm tra, nếu:

  • Bạn có quan hệ tình dục không bảo vệ với bạn tình mới
  • Bạn hoặc bạn tình của bạn có quan hệ tình dục với người khác mà không sử dụng bao cao su
  • Bạn tình của bạn có triệu chứng bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Bạn có kế hoạch sinh con và có nguy cơ đã bị nhiễm bệnh

Tôi sẽ được xét nghiệm các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục như thế nào?

Xét nghiệm cho cả phụ nữ và nam giới đều được tiến hành như sau:

  • Kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, miệng, hậu môn, trực tràng và da của bạn để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm bệnh
  • Thử nước tiểu
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm tế bào niệu đạo (là ống mà qua đó nước tiểu đi ra ngoài) và kiểm tra xem có bất kỳ sự đau đớn hay phồng giộp nào không
  • Xét nghiệm tế bào trong họng và trực tràng. Điều này ít xảy ra

Đối với phụ nữ thì có thể xét nghiệm thêm:

  • Xét nghiệm tế bào âm đạo và cổ tử cung
  • Khám cơ quan sinh sản

Theo Mariestopes.org.vn


Ý kiến của bạn