Ca bệnh điển hình về nhiễm khuẩn huyết ở người đái tháo đường
Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận ca bệnh trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, da niêm mạc nhợt, đại tiện phân đen... Ngay khi tiếp nhận người bệnh, tiên lượng được tình trạng rất nặng, các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Điều trị tích cực đã nhanh chóng hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
Khám lâm sàng kết hợp với các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa trên nền bệnh đái tháo đường type 2 kèm tăng huyết áp và đợt suy cấp của suy thận mạn. Tình trạng nhiễm khuẩn huyết nghi ngờ từ tổn thương ở bàn chân do biến chứng bàn chân đái tháo đường.
ThS.BS.Nguyễn Đăng Quân, Phó khoa Điều trị tích cực, Bệnh Viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Bệnh nhân nhanh chóng được bù dịch, đánh giá đáp ứng dịch liên tục; sử dụng kháng sinh phổ rộng. Do mắc khá nhiều bệnh lý nền, nên phải dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp ổn định; kiểm soát đường máu, mỡ máu và hỗ trợ điều trị triệu chứng.
Rất may, sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã biến chuyển tốt; tình trạng tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định. Sau đó bệnh nhân cũng bắt đầu ăn trở lại qua đường miệng, không còn đại tiện phân đen.
Sốc nhiễm khuẩn huyết có nguy cơ tử vong cao
Sốc nhiễm khuẩn hay còn gọi là sốc nhiễm trùng là giai đoạn nặng nhất của quá trình liên tục bắt đầu từ đáp ứng viêm hệ thống do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Khi chuyển sang giai đoạn sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân đã bị nhiễm khuẩn huyết kèm theo tụt huyết áp và rối loạn chức năng tim mạch. Ở giai đoạn này, tiên lượng bệnh đã khá nặng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 40 - 60%.
ThS.BS Nguyễn Đăng Quân, Phó khoa Điều trị tích cực - Bệnh Viện Nội Tiết Trung ương cho biết: "Các triệu chứng và dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết có thể khó phát hiện và thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý cấp cứu khác như: Sốc tim, sốc giảm thể tích, thuyên tắc phổi... Đặc biệt là ở người bệnh đái tháo đường các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, khó phát hiện nếu không thăm khám một cách kỹ càng và có hệ thống.
Với nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân thường có biểu hiện của hội chứng đáp ứng viêm hệ thống bao gồm: Sốt cao trên 38oC hoặc có thể hạ thân nhiệt dưới 36 đọ C; thở nhanh nhịp thở trên 20 lần/phút; nhịp tim nhanh, mạch trên 90 lần/phút, tuy nhiên huyết áp vẫn duy trì bình thường.
Các dấu hiệu khác của nguyên nhân nhiễm trùng có thể có mặt như: Khó thở, ho khạc đờm, đờm vàng/xanh nếu nhiễm trùng hô hấp hay tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra mủ nếu nhiễm trùng hệ tiết niệu…
Khi nhiễm khuẩn huyết nặng hơn hoặc có sốc nhiễm khuẩn, dấu hiệu sớm được ghi nhận là tụt huyết áp, kèm theo suy giảm tri giác. Ban đầu mặc dù huyết áp giảm, nhưng da vẫn ấm. Sau đó, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, các chi bắt đầu trở nên lạnh và nhợt nhạt, nổi vân tím ngoại biên.
Tình trạng suy đa tạng tiến triển sẽ nhanh chóng khiến người bệnh tử vong. Với sự nguy hiểm của sốc nhiễm khuẩn nói riêng và nhiễm khuẩn huyết nói chung, ngay khi có các triệu chứng nói trên, người bệnh (đặc biệt là người bệnh đái tháo đường) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp hỗ trợ kịp thời.
Biện pháp ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Khi bị nhiễm khuẩn việc điều trị cũng lâu khỏi hơn và nguy cơ biến chứng nhiễm trùng cũng cao hơn ở người bình thường. Để ngăn ngừa nhiễm khuẩn huyết, đầu tiên cần phải ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Để làm được việc này, bệnh nhân cần chú ý:
- Kiểm soát đường huyết tốt. Nếu có mắc các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh thận... cần phải điều trị kiểm soát tốt bằng sử dụng thuốc đúng phác đồ. Ngoài ra, cần thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng lành mạnh cùng luyện tập thể lực phù hợp.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách, dùng các loại bàn chải mềm và tránh gây ra các tổn thương trong khoang miệng.
- Luôn vệ sinh da sạch sẽ, không tắm nước nóng vì người đái tháo đường có rối loạn cảm giác nhận biết nên sẽ không phân biệt được độ nóng. Nếu không sử dụng biện pháp khác để kiểm tra độ nóng của nước trước khi dùng, nếu nước quá nóng sẽ có nguy cơ bỏng cao và gây nhiễm trùng. Sử dụng xà phòng giữ ẩm nhẹ.
- Luôn dưỡng da ẩm, lưu ý giữ da khô ráo ở những vùng hay cọ xát vào nhau như nách, bẹn, kẽ các ngón chân. Không để da bị tổn thương. Nếu xuất hiện vết xước da, cần chú ý vệ sinh chăm sóc, rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc cồn ngay khi vết xước mới xuất hiện. Tránh để vết thương tiếp xúc với bụi bẩn.
- Cắt móng chân, móng tay thường xuyên, nhưng không được cắt sâu quá làm tổn thương đến da.
Phòng biến chứng nhiễm trùng bàn chân bằng cách:
- Kiểm tra bàn chân hằng ngày. Ở vị trí khó quan sát thì sử dụng gương hoặc nhờ người giúp đỡ.
- Rửa chân mỗi ngày bằng nước ấm, không dùng nước nóng hoặc lạnh. Không ngâm chân trong nước quá lâu, lau khô các kẽ chân sau khi rửa.
- Giữ da chân mềm mại, giữ gót chân không bị chai
- Luôn mang giày, tất mềm dành riêng cho người đái tháo đường. Thay tất mỗi ngày, vệ sinh giày thường xuyên.
- Không đi chân trần trong nhà hoặc ngoài trời, tránh giẫm phải những vật có thể làm tổn thương bàn chân.
- Không sử dụng băng dính trên chân, không cắt những vết chai chân.
- Thường xuyên cử động cẳng chân, bàn chân hay nhón gót tại chỗ giúp tăng co bóp các cơ vùng cẳng chân làm cho máu lưu thông tốt hơn.
- Tập thể dục mỗi ngày 30 – 60 phút nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội...
- Tránh các hoạt động gắng sức hoặc các hoạt động làm tăng áp lực lên bàn chân như chạy, nhảy. Nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện các hoạt động dồn trọng lượng cho bàn chân.
Mời độc giả xem thêm video:
Đái tháo đường: Nhận biết bệnh sớm qua những dấu hiệu nào? I SKĐS