Hà Nội

Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh

24-01-2018 08:32 | Đời sống
google news

SKĐS - Nhiễm khuẩn huyết là một bệnh cấp tính do vi khuẩn lưu hành trong máu gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, làm suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn với tỉ lệ tử vong khá cao chiếm khoảng 20 - 50% các trường hợp. trong đó, sốc nhiễm khuẩn là biểu hiện tình trạng nặng của nhiễm khuẩn huyết.

Trong rất nhiều các yếu tố nguy cơ gây nên, yếu tố trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh đẻ non bị nhiễm khuẩn huyết thường gặp trên lâm sàng cần được lưu ý để phát hiện, chẩn đoán, xử trí điều trị kịp thời, hiệu quả để hạn chế tỉ lệ tử vong. Bệnh nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh có thể gặp ở các cơ sở y tế từ tuyến dưới đến tuyến trên, vì vậy tùy theo từng trường hợp của từng tuyến để can thiệp biện pháp phù hợp.

Ở tuyến xã, phường, thị trấn

Việc phát hiện, chẩn đoán các trường hợp nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh phải căn cứ vào bệnh sử và triệu chứng lâm sàng cần thiết gồm: hỏi tiền sử của người mẹ, phát hiện những yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn cho con như viêm màng ối, người mẹ có bị sốt từ 380C trở lên trước khi sinh con, trẻ sinh non dưới 37 tuần tuổi thai, vỡ ối hoặc rỉ ối từ 18 giờ trở lên, người mẹ có tiền sử nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu. Xác định các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết như suy thai hay những biểu hiện bất ổn lúc sinh có thể là dấu hiệu sớm của nhiễm khuẩn sơ sinh với nhịp tim thai nhanh, nước ối nhuốm màu phân su; điểm Apgar thấp từ 6 trở xuống, đây là chỉ số giúp bác sĩ và người mẹ đánh giá được tình trạng chung của trẻ lúc mới sinh; rối loạn thân nhiệt; biểu hiện thần kinh với dấu hiệu li bì hay kích thích, co giật, run rẩy, có thể hôn mê, rối loạn trương lực cơ, thóp phồng...; triệu chứng hô hấp với dấu hiệu tím tái, thở rên, thở nhanh, co kéo lồng ngực nặng, có cơn ngừng thở; triệu chứng tuần hoàn với dấu hiệu da xanh, tím, nổi vân tím, da lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, loạn nhịp; triệu chứng ngoài da với biểu hiện vàng da sớm, da xanh tím, nổi ban, xuất huyết, có nốt phỏng mủ, phù cứng bì; gan và lách to; triệu chứng tiêu hóa với biểu hiện bú kém, nôn, tiêu chảy, bụng chướng, kém tiêu hóa. Phân loại nhiễm khuẩn sơ sinh thường căn cứ vào thời điểm khởi phát triệu chứng, khởi phát sớm là khởi phát triệu chứng nhiễm khuẩn trước 72 giờ, khởi phát muộn là khởi phát triệu chứng nhiễm khuẩn sau 72 giờ. Việc xử trí can thiệp ở tuyến y tế xã, phường, thị trấn là phải theo dõi chặt chẽ để phát hiện dấu hiệu bệnh lý, nếu có một hay nhiều triệu chứng lâm sàng như đã nêu ở trên thì phải chỉ định cho trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn huyết chuyển lên tuyến trên ngay; trước khi chuyển lên tuyến trên, cần sử dụng thuốc kháng sinh loại ampicillin phối hợp với gentamycin bằng một liều tiêm đường bắp thịt; lưu ý chuyển trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn huyết lên tuyến trên phải bảo đảm an toàn, có nhân viên y tế đi kèm đúng theo quy định.

Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinhCần thực hiện thêm các xét nghiệm cơ bản

Ở tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố

Việc phát hiện, chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết sơ sinh cũng căn cứ vào bệnh sử, triệu chứng lâm sàng giống như tuyến xã, phường, thị trấn nhưng cần thực hiện thêm các xét nghiệm cơ bản như công thức máu với công thức bạch cầu, chụp phim X-quang phổi, soi cấy vi khuẩn... Ở tuyến này, phải xử trí cấp cứu nếu có tình trạng nguy kịch xảy ra như rối loạn thân nhiệt, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn, co giật... Đồng thời điều trị ngay bằng kháng sinh phổ rộng, có thể phối hợp 2 - 3 loại kháng sinh tùy theo bệnh cảnh lâm sàng. Nếu nhiễm khuẩn sớm, dùng thuốc kháng sinh ampicillin phối hợp với gentamycin. Nếu nhiễm khuẩn muộn, dùng thuốc kháng sinh ampicillin phối hợp với gentamycin khi trẻ mới nhập viện hoặc vancomycin phối hợp với gentamycin khi trẻ đã nằm viện liên tục từ khi sinh hay có nghi ngờ nhiễm khuẩn liên quan đến ống catheter; có thể phối hợp thêm cephalosporine thế hệ 3 nếu nghi ngờ viêm màng não. Nếu sau 48 giờ không cải thiện về lâm sàng và cận lâm sàng cần hội chẩn tại bệnh viện nơi trẻ đang điều trị để có chỉ định điều trị thích hợp hoặc hội chẩn với tuyến trên để chuyển tuyến.

Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinhTrước khi chuyển lên tuyến trên, cần sử dụng thuốc kháng sinh loại  ampicillin phối hợp với gentamycin bằng một liều tiêm đường bắp thịt

Ở tuyến tỉnh, thành phố thuộc trung ương

Thực hiện các nội dung giống như tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố; việc phát hiện, chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh cũng căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán nguyên nhân. Trường hợp nhiễm khuẩn sớm, cần thực hiện công thức máu với công thức bạch cầu, cấy máu, chụp phim X-quang phổi, cấy dịch nội khí quản nếu trẻ có đặt ống nội khí quản, lưu ý xem xét chọc dịch não tủy để xét nghiệm nếu cần; đồng thời thực hiện một số xét nghiệm về các dấu hiệu nhiễm khuẩn nếu có thể làm được như CRP (C-reactive protein), procalcitonin. Trường hợp nhiễm khuẩn muộn, ngoài những xét nghiệm đã nêu trên cần thực hiện thêm xét nghiệm cấy mước tiểu, cấy dịch nhiễm khuẩn khác như cấy dịch mủ mắt, cấy dịch nốt mủ... Tiến hành xử trí cấp cứu nếu có như rối loạn thân nhiệt, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn, co giật... Sử dụng phối hợp kháng sinh phổ rộng trước khi có kết quả xét nghiệm, nếu sau 48 giờ mà bệnh cảnh lâm sàng không được cải thiện thì nên tổ chức hội chẩn để thay đổi kháng sinh và điều chỉnh kháng sinh thích hợp theo kết quả xét nghiệm của kháng sinh đồ. Chú ý phát hiện để điều trị ngay các biến chứng và những rối loạn đi kèm theo như: đông máu nội mạch lan tỏa, rối loạn đông máu, viêm màng não mủ, co giật, rối loạn hô hấp-tuần hoàn, rối loạn nước và chất điện giải, thăng bằng kiềm toan, rối loạn chuyển hóa... Việc dinh dưỡng và chăm sóc hỗ trợ cũng cần được lưu ý. Phải theo dõi phát hiện sớm các di chứng để xử trí nếu có.


BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn