Nhiễm khuẩn đường tiết niệu trẻ nhỏ - Những dấu hiệu không nên bỏ qua

26-03-2023 14:43 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, khoảng 8% trẻ gái và trên 2% trẻ trai ở lứa tuổi lên 5.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu trẻ nhỏ - Những dấu hiệu không nên bỏ qua - Ảnh 1.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTIs – Urinary Tract Infections) là bệnh lý thường gặp ở trẻ em

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể xảy ra bất kỳ phần nào của đường tiết niệu từ thận, niệu quản, bàng quang đến niệu đạo nơi cuối cùng của đường tiết niệu bài tiết nước tiểu ra ngoài.

Bình thường nước tiểu thải ra ngoài có nước, muối và một số sản phẩm chuyển hóa và không chứa vi sinh như vi khuẩn, virus, nấm.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra khi vi sinh vật xâm nhập qua niệu đạo, đi ngược lên đường tiết niệu phát triển và gây bệnh. Hầu hết các vi sinh vật gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu là vi khuẩn từ đường tiêu hóa và vi khuẩn gram âm Escherichia coli (E. coli) là phổ biến, sống ở đại tràng.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu trẻ em hay gặp ở trẻ em gái do niệu đạo ngắn. Đối với trẻ em trai gặp nhiều hơn ở trẻ có da qui đầu dài, hoặc bị dính.

Nguy cơ từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu trẻ em

Viêm đường tiết niệu ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm thận kẽ, viêm quanh thận, trào ngược bàng quang niệu quản gây suy thận. Áp – xe thận; thận bị ứ nước, ứ mủ …Đôi khi phải cắt bỏ thận do thận hỏng, mất chức năng. Do vậy bệnh cần được nhận biết sớm để có thái độ chăm sóc điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường tiết niệu trẻ em

Đối với trẻ sơ sinh:

Sốt
Nước tiểu có mùi hôi
Quấy khóc
Nôn mửa
Bú kém
Tiêu chảy

Đối với trẻ lớn hơn:

Bất thình lình đi tiểu
Đi tiểu không tự chủ,
Đi tiểu thường xuyên, tiểu đêm.
Đau khi đi tiểu, tiểu rát, nhiều khi sợ không dám đi tiểu.
Đau phía trên xương mu
Máu trong nước tiểu hoặc nước tiểu đục
Nước tiểu có mùi hôi
Buồn nôn và nôn
Sốt
Ớn lạnh
Đau ở lưng, cạnh cột sống phía sau
Mệt mỏi, ăn kém.

Chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu trẻ em

Xét nghiệm nước tiểu: Còn gọi là phân tích nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra tìm hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn, protein. Nếu nước tiểu của trẻ bình thường sẽ không có những thành phần này. Nước tiểu cũng sẽ được gửi để nuôi cấy xác định vi sinh gây bệnh và làm kháng sinh đồ, giúp cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả.

Siêu âm thận: Đánh giá tình trạng thận cũng như đường tiết niệu cho đến tận bàng quang.

Chụp X quang bàng quang– niệu đạo khi đi tiểu (Voiding cystourethrogram (VCUG): Bình thường nước tiểu chỉ chảy một chiều từ thận xuống bàng quang theo một chiều. Nếu nước tiểu từ bàng quang chảy ngược lên thận thì được gọi là trào ngược bàng quang – niệu quản. Khi xảy ra tình trạng này, vi trùng có thể xâm nhập vào thận và gây nhiễm trùng đường tiết niệu (còn gọi là nhiễm trùng đường tiểu). Nếu hiện tượng trào ngược không được chẩn đoán một thời gian dài sẽ dẫn đến nhiễm trùng và suy thận. Với trẻ em bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu có khoảng một phần ba là có trào ngược bàng quang niệu quản.

Một liệu pháp khác được gọi là chụp bàng quang niệu đạo phóng xạ (radionuclide cystogram – RNC) đôi khi được sử dụng đối với những bé bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Đây là một thăm dò rất tốt đánh giá tổn thương ở thận. Liệu pháp này thường được sử dụng đối với các bé được chuẩn đoán là mắc bệnh trào ngược bàng quan – niệu quản.

Xử lý điều trị

Khi chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu trẻ, cần điều trị sớm bằng kháng sinh, giảm đau, cho trẻ uống nhiều nước. Cần theo dõi thường xuyên tiến triển bệnh để bác sĩ điều chỉnh thuốc và chế độ điều trị phù hợp.

Để ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu trẻ em cần:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ: Đối với trẻ nhỏ, hãy giúp trẻ thường xuyên rửa sạch tay trước khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh và trước khi ăn uống. Quần áo, tã lót, khăn tắm phải được giặt sạch thường xuyên.

Thay bỉm, tã lót thường xuyên: Khi sử dụng bỉm, tã lót cho trẻ nhỏ, người lớn nên đổi bỉm, tã thường xuyên cho trẻ để tránh nhiễm khuẩn tiết niệu. Người lớn cần thường xuyên quan sát kỹ màu sắc bỉm có bất thường không, có đọng cặn trắng hay dịch nhiễm khuẩn không. Nên sử dụng đồ thoáng mát, màu sáng để dễ quan sát.

Tập thói quen đi tiểu khoa học cho trẻ: Trẻ cần đi tiểu đầy đủ và không nên nhịn tiểu, giữ nước tiểu quá lâu trong cơ thể. Đi tiểu đầy đủ giúp loại bỏ vi khuẩn trong đường tiết niệu.

Uống đủ nước: Trẻ cần uống đủ nước để giữ cho niệu quản và bàng quang luôn được rửa sạch. Cần tập thói quen cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, đa dạng các loại nước canh, nước súp, nước hoa quả bên cạnh nước lọc, giúp tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn.

Tập cho trẻ thói quen vệ sinh sau khi đi vệ sinh: Trẻ cần tập cho mình thói quen vệ sinh đúng cách sau khi đi vệ sinh để loại bỏ vi khuẩn, tránh tình trạng nhiễm khuẩn.

Đi khám định kỳ: Nên đưa trẻ đến khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh liên quan đến đường tiết niệu. Thông báo cho bác sĩ các dấu hiệu bất thường để có lời khuyên cũng như xử lý kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video dưới đây:

4 cách đơn giản giúp bạn phòng tránh bệnh ung thư


PGS. TS. Nguyễn Đức Chính
Bệnh viện Việt Đức
Ý kiến của bạn