Nhiễm khuẩn bệnh viện: Việc không chỉ của bác sĩ

10-10-2016 14:09 | Tin nóng y tế

SKĐS - Trong nhiễm khuẩn bệnh viện, các vi khuẩn có sức đề kháng tương đối cao. Chúng có khả năng kháng lại kháng sinh.

Trong nhiễm khuẩn bệnh viện, các vi khuẩn có sức đề kháng tương đối cao. Chúng có khả năng kháng lại kháng sinh. Vì thế mà diễn biến của nhiễm khuẩn bệnh viện là tương đối nặng và khó trị. Tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn xảy ra, kể cả ở những nhà giàu và những nước phát triển. Theo các con số thống kê gần đây nhất cho thấy, ngay cả ở những nước có nền y học hiện đại nhất, nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn diễn ra ở mức 10%. Ví như ở Mỹ trung bình là 1,7 triệu người mỗi năm; Ở Pháp, tỷ lệ này được công bố là 7,4. Ở Việt Nam, theo những thống kê vùng cũng cho thấy, nhiễm khuẩn bệnh viện dao động trong con số 8-10%, xuất hiện ở mọi bệnh viện, kể cả tuyến Trung ương.

Cẩn thận nhưng vẫn còn

Nhiễm khuẩn bệnh viện là sự nhiễm các mầm bệnh từ môi trường bệnh viện vào chính bệnh nhân. Có khi người bệnh vào nhập viện không phải là bệnh nhiễm khuẩn nhưng do hậu quả của sự bất cẩn, người bệnh bị nhiễm khuẩn thứ phát. Cũng có khi người bệnh nhập viện với hiện trạng của một bệnh nhiễm khuẩn nhưng lại đồng nhiễm thêm một nhiễm khuẩn khác làm gia tăng bệnh lý. Đây là những tình huống hoàn toàn có thể xảy ra khi chất lượng điều trị và việc tuân thủ các quy định vệ sinh thiếu chặt chẽ.

Trong nhiễm khuẩn bệnh viện, các vi khuẩn gần như là đã được tiếp xúc với kháng sinh nên có sức đề kháng tương đối cao. Chúng có khả năng kháng thuốc, kháng lại kháng sinh, thải loại thuốc trong chuyển hoá, vì vậy, diễn biến của nhiễm khuẩn bệnh viện là tương đối nặng và khó kiểm soát.

Đứng về góc độ mầm bệnh thì nhiễm khuẩn bệnh viện có thể gặp ở mọi vi khuẩn nhưng tuỳ vào đặc điểm bệnh lý sẵn có, phương pháp điều trị, thủ thuật can thiệp mà mầm bệnh này có sự khác nhau. Các bệnh như bỏng, các phẫu thuật như phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật bụng, ghép tạng là những tình huống dễ bị nhiễm khuẩn bệnh viện nhất.

nhiem khuan benh vienVi khuẩn enterobacter hay gây nhiễm khuẩn bv

Các mầm bệnh có thể gặp là tụ cầu vàng, E. coli, Klebsiella, Enterobacter, Proteus, Pseudomonas, thậm chí là lao phổi, đặ c biệ t gia tăng khi người bệnh mắc các bệnh lý thần kinh, liệt nửa người, bệnh hô hấp, thở máy, đặt thông tiểu, can thiệp đưa catheter vào lòng mạch. Theo thống kê cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn ổ bụng do nhiễm khuẩn bệnh viện là 35%, nhiễm khuẩn hô hấp dạng viêm phổi là 25% và nhiễm khuẩn đường niệu là 5%.

Cách phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện

Môi trường bệnh viện vốn sẵn những mầm bệnh vì chúng từ người bệnh thải ra. Nhưng không phải là chúng có thể vô tư tự do xâm nhập, không phải cứ vào viện là nhiễm mà chúng cần những yếu tố, những điều kiện thuận lợi hỗ trợ.

Các nguyên nhân như vệ sinh kém, sử dụng kháng sinh bừa bãi, không tuân thủ các biện pháp cách ly, không nghiêm chỉnh chấp hành quy định tiếp xúc với người bệnh là những nguyên nhân thường gặp nhất. Một số yếu tố khác làm nặng thêm tình trạng này, trong đó, thể trạng và bệnh lý sẵn có như HIV, ức chế miễn dịch; Trẻ em và ngườ i cao tuổ i là những lứa tuổi nhạy cảm nhất.

Những biện pháp như rửa tay kỹ trước khi thực hiện điều trị, cho dù đó không phải là phẫu thuật lớn mà chỉ là những thủ thuật nhỏ, vô khuẩn tất cả những dụng cụ được sử dụng, làm đúng quy định khử trùng, vệ sinh là những biện pháp tưởng nhỏ nhưng đem lại hiệu quả cực kỳ cao. Thực hiện đúng cách ly người lành và người bệnh, tuyệt đối đảm bảo vệ sinh khu hậu phẫu là những quy định nghiêm ngặt không thể xem thường.

Tuy nhiên, chính người bệnh cũng có thể tự bảo vệ mình tránh được những nguy cơ lớn của tình trạng này.

Thứ nhất, vệ sinh da sạch sẽ trước khi phẫu thuật. Cần làm đúng, đủ theo hướng dẫn của thầy thuốc. Các biện pháp đơn giản như tắm rửa sạch sẽ, gội đầu, cắt móng tay cho dù vùng phẫu thuật chẳng hề liên quan đến chúng. Điều này làm giảm tải những mầm bệnh cư trú sẵn trên da, những mầm bệnh có thể gây bệnh.

Thứ hai, nghiêm chỉnh chấp hành công tác cách ly an toàn. Không sử dụng chung đồ đạc sinh hoạt trong bệnh viện là một việc khuyên làm, đặc biệt là ở những khoa lây vì rất có thể chúng là vật trung gian truyền bệnh. Không đi lại tự do giữa các khoa điều trị, tránh tiếp xúc với người mang các mầm bệnh truyền nhiễm, nhất là các đối tượng phải phẫu thuật, đối tượng đang được điều trị ức chế miễn dịch.

Thứ 3, chấp hành đúng công tác vệ sinh sau phẫu thuật. Cần tránh tâm lý càng nhiều người vào thăm bệnh nhân sau phẫu thuật mới là càng quan tâm và cần thiết. Vì ngay sau thời điểm phẫu thuật, cơ thể dễ bị tấn công bởi các mầm bệnh nhất. Cần hạn chế vào thăm ở những khu hậu phẫu, khi vào thăm thì cần mang mũ để tránh lan truyền vi khuẩ n từ cơ thể người lành sang người bệnh. Đặc biệt, những người đang bị nhiễm khuẩ n thì không nên tiếp xúc với bệnh nhân trong thời điểm này.


BS. Phúc Hưng
Ý kiến của bạn