Nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn là thách thức và gánh nặng xã hội

19-04-2017 06:21 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỷ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và tăng gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế.

Gánh nặng của nhiễm khuẩn bệnh viện

Một nghiên cứu gần đây tại bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy NKBV làm kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày, với viện phí ước tính phát sinh do NKBV là vào khoảng 2,880,000 VNĐ/1 ca bệnh. Đây là một con số không nhỏ đối với một nước có mức thu nhập GDP/người còn thấp như Việt Nam

Theo các nghiên cứu , nhiễm khuẩn hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất. Báo  cáo  của BV ĐK tỉnh Khánh Hoà năm 2016, nhiễm khuẩn này là 40%, tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 27,5%, nhiễm khuẩn tiết niệu là 20%, nhiễm khuẩn da, mô mềm chiếm 10%, nhiễm khuẩn tiêu hóa 2,5%. Nhiễm khuẩn hô hấp luôn có tỷ lệ cao nhất tại nhiều bệnh viện trong cả nước.

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn. Một báo cáo của BV ĐK Thống Nhất Đồng Nai (2015-2016) cho thấy một ví dụ  về  tình trạng NKBV đã tác động tới tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn gram âm Acinetobacter Baumannii (A. Baumannii ) như thế nào.Đây là một trong những tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV). Chúng gây những bệnh lý khác nhau với mức độ khác nhau, từ viêm phổi, nhiễm khuẩn máu đến nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn niệu… Nghiên cứu cho thấy, cứ 3 bệnh nhân điều trị Acinetobacter thì có 1 bệnh nhân là nhiễm vi khuẩn này tại BV. Điều này cho ta thấy nguy cơ bùng phát Acinetobacter baumannii tại một bệnh viện là rất lớn. Đa số các mẫu phân lập được là đa kháng, gây khó khăn trong điều trị. Việc nhiễm khuẩn bệnh viện do A. Baumannii và việc sử dụng kháng sinh hợp lý ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của bệnh nhân.Tại một số khoa tại BV ĐK Thống Nhất Đồng Nai việc mắc và điều trị A. Baumannii đang là vấn đề nan giải và gây rất nhiều khó khăn trong chăm sóc điều trị cũng như làm tăng thêm gánh nặng về kinh tế cho gia đình bệnh nhân.

Nhiễm khuẩn bệnh viện khiến thời gian nằm viện điều trị tăng, cũng uy hiếp đến sự an toàn của người bệnh

Thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện còn rất thấp

Giám sát NKBV là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện tình hình NKBV. Thế nhưng đến nay, cho dù 72,06%  bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện hằng năm nhưng việc thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện rất thấp. Đó là thông tin được Cục Quản lý khám chữa bệnh đưa ra tại Hội thảo khoa học về giám sát nhiễm khuẩn trong các  cơ sở khám, chữa bệnh diễn ra ngày 18/4 tại Hà Nội.

Theo đó, chỉ có 37,39% bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) hiện mắc trong toàn bệnh viện và chỉ có 23,84% thực hiện giám sát NKBV mắc mới tại các khoa trọng điểm.

Tỉ lệ BV thực hiện giám sát các nhiễm khuẩn với các bệnh trọng điểm như  giám sát viêm phổi thở máy; giám sát nhiễm khuẩn huyết; giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu có tăng so với năm 2015, song vẫn chiếm tỷ lệ thấp: 25,42% bệnh viện thực hiện giám sát vết mổ; 16,46% thực hiện giám sát nhiễm khuẩn thở máy; 12,61% bệnh viện giám sát nhiễm khuẩn huyết và 14,29%  bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu.

Đa số các bệnh viện thực hiện giám sát cắt ngang (thực hiện vào những thời điểm nhất định trong năm  hay tại 1 thời điểm xác định tùy theo nhu cầu giám sát). Rất ít BV thực hiện giám sát dọc là nghiên cứu có một kế hoạch và thiết kế có chủ định, trên những nhóm đối tượng, loại bệnh, thời gian và địa điểm xác định.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nhân lực trong kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát NKBV là yếu tố quan trọng. Không ít người vẫn cho rằng kiểm soát nhiễm khuẩn là việc dọn vệ sinh, lau rửa… nên thực tế là nhân lực cho công tác này chiếm số lượng lớn nhất là lao động phổ thông ((34,65%), tiếp theo là trình độ trung học (30,80%), đại học, sau đại học (20,81%), cao đẳng (5,57%) và sơ học (8,17%). Phân bố nghề nghiệp nhân lực chủ yếu của bộ phận giám sát nhiễm khuẩn, 70,68% điều dưỡng/hộ sinh, chỉ có 10,49% là bác sỹ và dược sỹ. Ngoài ra, chỉ có 35,29% BV có bộ phận giám sát NKBV chuyên trách.

Xây dựng hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia

Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh: Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một thách thức, mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn cầu, nhất là ở các nước chậm phát triển, đang phát triển. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh và chi phí điều trị cho người bệnh. Vì thế thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn chuyên môn về giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tiếp tục chỉ đạo, giám sát hỗ trợ các Sở Y tế, Y tế các ngành, các bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tăng cường thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định tại Thông tư 18/2009/TT-BYT, Kế hoạch hành động quốc gia về KSNK giai đoạn 2016-2020 và Hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước trong việc xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia.


Minh Thuý
Ý kiến của bạn