Hà Nội

Nhiễm khuẩn bệnh viện - sát thủ ngay trong nhà thương

24-10-2019 14:24 | Y học 360
google news

SKĐS - Người đàn ông 45 tuổi khỏe mạnh, ban đầu vào viện chỉ đơn giản vì chữa đau lưng. Tuy nhiên, vi khuẩn kháng thuốc tại bệnh viện đã tấn công khiến ông này qua đời.

Câu chuyện của TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị triển khai Thông tư số 16/2018/TT - Bộ Y tế quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh diễn ra tại Hà Nội như là một minh chứng về chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bệnh nhẹ thành nặng

TS. Kidong Park kể khi gặp lại người đàn ông đó, ông rất đau lòng bởi lúc mới vào viện, ông ấy khỏe mạnh bình thường, chỉ đau lưng nhưng vì nhiễm khuẩn bệnh viện, chỉ 3 tháng sau bệnh nhân bị liệt và các BS cũng không thể làm gì; không lâu sau bệnh nhân đã tử vong. Câu chuyện thứ hai làm TS. Park đau đáu là cậu bé 12 tuổi đến viện điều trị ung thư máu, bị vi khuẩn kháng thuốc tại bệnh viện tấn công.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, nhiễm khuẩn bệnh viện có thể đến bất cứ khi nào, do tiếp xúc hàng ngày, do nguồn nước không sạch, đôi khi, chỉ từ những hành vi rất đơn giản như rửa tay không đúng quy trình, dụng cụ đưa vào cơ thể không được khử khuẩn đúng cách...

PGS.TS. Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TP.HCM cũng khẳng định, nhiễm khuẩn bệnh viện là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân bệnh nặng hơn. “Trong các trường hợp nhiễm khuẩn vết mổ, có khoảng nửa trường hợp không được sử dụng kháng sinh dự phòng (30 - 60 phút trước phẫu thuật) mà lẽ ra phải dùng”.

Nhiễm khuẩn bệnh việnĐoàn Bộ Y tế thăm một phòng bệnh nặng tại một bệnh viện ở Đồng Nai

Tháng 8/2019, WHO cũng đã cập nhật tình hình tai biến y khoa, trong đó đề cập đến một số vấn đề mang tính cấp thiết có liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn như có khoảng 10% người bệnh ở các nước đang phát triển bị nhiễm khuẩn bệnh viện, trong đó có tỷ lệ không nhỏ là nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Khi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện tốt, người bệnh sẽ được chăm sóc hiệu quả hơn và các nguy cơ được giảm thiểu đáng kể.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn bệnh viện, TS.BS.Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TP.HCM đánh giá, mặc dù sử dụng kháng sinh dự phòng đóng vai trò quan trọng trong giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ. Những yếu tố khác cũng cần được chú trọng trong chiến lược kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản như kinh nghiệm của phẫu thuật viên, các kỹ thuật, thời gian phẫu thuật, vệ sinh môi trường bệnh viện và phòng mổ, tiệt khuẩn dụng cụ, chuẩn bị da phẫu thuật (vệ sinh tay phẫu thuật, sát khuẩn da và cạo lông, tóc) và điều kiện sử dụng thuốc của bệnh nhân; tất cả có tác động đến tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ.

Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác liên quan đến người bệnh. Cụ thể, việc vệ sinh da trước phẫu thuật chỉ cạo lông, tóc khi có ảnh hưởng tới cuộc mổ, tốt nhất là dùng kéo hoặc dao cạo điện. Giáo dục và hỗ trợ bệnh nhân tắm vào đêm trước khi phẫu thuật; tắm với xà bông có tính sát khuẩn. Sát khuẩn vùng da mổ và cả nơi dẫn lưu…

Về dụng cụ phẫu thuật nội soi, các dụng cụ cần phải được tháo rời toàn bộ các bộ phận; rửa sạch toàn bộ dụng cụ bằng nước; ngâm khử nhiễm trong Enzymatic, tráng qua lại bằng nước và ngâm khử khuẩn (tính kiềm); tráng qua lại bằng nước khử khoáng, sau đó tra dầu bôi trơn bảo quản dụng cụ; lắp lại các dụng cụ, sắp xếp, đóng gói và mang đi hấp tiệt trùng bằng hơi nước, nhiệt độ 1340C theo đúng thời gian quy định.

Bên cạnh đó, để hạn chế nhiễm khuẩn, cần đảm bảo đúng nguyên tắc vô khuẩn, đúng quy trình, đủ thời gian rửa tay, tránh tái ô nhiễm. Nhân viên y tế cũng phải mặc quần áo khu phẫu thuật, tháo bỏ đồ trang sức trên tay, đội mũ, mang khẩu trang trước khi rửa tay.

Khẳng định kiểm soát nhiễm khuẩn là hoạt động quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, đặc biệt trong bối cảnh nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ, vi khuẩn đề kháng kháng sinh đang là vấn đề thách thức của y tế toàn cầu, TS. Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV. Bình Dân (TP.HCM), nhận định, thực hành tốt kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn người bệnh.

Nhiễm khuẩn bệnh việnTuân thủ vệ sinh tay

Chống nhiễm khuẩn phải là nhiệm vụ hàng đầu

Đầu tháng 9, trong buổi làm việc tại tỉnh Đồng Nai, sau khi đến phòng lưu bệnh nặng của bệnh viện tỉnh và chứng kiến cảnh các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm được nằm cùng phòng với bệnh nhân sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng vấn đề này cần phải chấn chỉnh vì hậu quả sẽ khó lường bởi bệnh nhân có thể lây bệnh cho nhau.

Trước đó, tại hội nghị câu lạc bộ giám đốc bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu giám đốc các bệnh viện phải thật lưu ý vấn đề nhà vệ sinh và đảm bảo an toàn người bệnh thông qua kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm nguy cơ đi chữa bệnh lại bị nhiễm bệnh.

Phát biểu trước đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở các nước phát triển khác nhau dao động trong khoảng 3,5% - 12%. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch châu Âu (ECDC) báo cáo tỷ lệ hiện nhiễm ở các nước châu Âu trung bình là 7,1%. Số liệu về nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia chậm và đang phát triển thường không đầy đủ và không có sẵn. Tuy nhiên, phân tích gần đây của WHO cho thấy các ca nhiễm khuẩn bệnh viện ở các nước đang phát triển thường xảy ra với tần suất cao hơn do hạn chế nguồn lực so với các nước phát triển. Tổn thất tài chính hàng năm do nhiễm khuẩn bệnh viện cũng rất lớn, ước tính khoảng 7 tỷ Euro ở châu Âu, khoảng 6,5 tỷ USD ở Mỹ.

Tại Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch…

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Thông tư số 16/2018/TT-BYT Quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thay thế Thông tư số 18/2009/TT-BYT đã góp phần tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Theo quy định, các cơ sở khám chữa bệnh có từ 150 giường bệnh trở lên phải có đầy đủ hội đồng, khoa/bộ phận và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; các cơ sở khám chữa bệnh có dưới 150 giường bệnh tối thiểu phải có bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn thuộc phòng kế hoạch tổng hợp, có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn và có người phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn làm việc toàn thời gian...

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của đơn vị. Người làm giám sát chuyên trách, khử khuẩn, tiệt khuẩn phải có chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc văn bằng về kiểm soát nhiễm khuẩn (thời gian đào tạo tối thiểu 3 tháng theo chuyên đề).

Bộ Y tế khẳng định, khi ngành y tế ngày càng phát triển, tăng cường ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị như phát triển nội soi, phẫu thuật tim mạch, ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc… đòi hỏi vô khuẩn càng cao, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phải được tăng cường,  nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Thông tư kiểm soát nhiễm khuẩn là một bước tiến quan trọng trong việc định hướng kiểm soát nhiễm khuẩn vào những nhiệm vụ trọng tâm đó là thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm giảm thiểu nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.


KIẾN TƯỜNG
Ý kiến của bạn