Những ngày đầu của đại dịch vào những năm 1980, HIV từng được coi như một bản án tử hình đáng sợ, đến nay HIV đã chuyển thành một tình trạng mạn tính và có thể kiểm soát được, nhờ những tiến bộ trong y học.
Những người sống chung với HIV giờ đây có thể tận hưởng cuộc sống có chất lượng tương đương với những người không mắc bệnh, nhờ vào liệu pháp kháng virus (ART) hiệu quả. Mặc dù tiến trình này rất đáng khích lệ, nhưng chúng ta không chủ quan, vì mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ HIV/AIDS.
Trên toàn cầu, khoảng 39 triệu người (0,7% dân số) đang sống chung với HIV, với tỷ lệ mắc cao hơn ở các nhóm chính như gái mại dâm, nam giới đồng tính và song tính, người tiêm chích ma túy, người chuyển giới và tù nhân.
Để loại trừ HIV, cần đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Phòng ngừa thông qua nhận thức và thực hành an toàn
Phần lớn các ca nhiễm HIV mới hiện nay xảy ra thông qua đường tình dục. Thúc đẩy các biện pháp tình dục an toàn và đảm bảo tiếp cận rộng rãi với bao cao su là rất quan trọng.
Đối với nhóm tiêm chích ma túy, các chiến lược giảm tác hại, chẳng hạn như các chương trình trao đổi kim tiêm và tiếp cận cai nghiện ma túy, là điều cần thiết để giảm lây truyền HIV trong nhóm dân số này.
Xét nghiệm và phát hiện sớm cũng rất quan trọng, vì việc bắt đầu điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển và giảm lây truyền.
Tiến bộ khoa học đã cách mạng hóa việc chăm sóc HIV
Những tiến bộ y khoa đã cách mạng hóa việc chăm sóc HIV. Các liệu pháp dựa trên chất ức chế Integrase, hiện là tiêu chuẩn điều trị trên toàn cầu, có hiệu lực cao, ức chế virus nhanh chóng và phục hồi miễn dịch tốt hơn. Những loại thuốc này đã cải thiện đáng kể tiên lượng cho những người nhiễm HIV.
Một phát triển đầy hứa hẹn khác là dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), một biện pháp phòng ngừa cho những cá nhân có nguy cơ cao mắc HIV. Các loại thuốc đầy hứa hẹn như lenacapavir, đã cho thấy hiệu quả đặc biệt trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng khi được sử dụng như PrEP.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận PrEP vẫn còn hạn chế ở những khu vực cần nhất, chẳng hạn như ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Giải quyết những bất bình đẳng này là rất quan trọng để đạt được mục tiêu loại trừ HIV trên toàn cầu.
Giảm kỳ thị, thúc đẩy sự chấp nhận
Mặc dù có những tiến bộ trong điều trị và phòng ngừa, nhưng sự kỳ thị liên quan đến HIV vẫn còn. Tuy đã giảm so với trước đây, nhưng những quan niệm sai lầm và phân biệt đối xử vẫn ngăn cản nhiều người tìm kiếm xét nghiệm hoặc điều trị. Các chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân và sự tham gia của cộng đồng là điều cần thiết để xóa bỏ sự kỳ thị này và thúc đẩy một môi trường hòa nhập hơn cho những người sống chung với HIV.
Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS là minh chứng cho sức mạnh của khoa học, hành động tập thể và khả năng phục hồi của con người. Với nỗ lực bền bỉ, chúng ta có thể tiến xa hơn nữa tới mục tiêu cuối cùng là: Một thế giới không còn HIV/AIDS.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên | SKĐS