1. Lợi ích của tập thể dục với người bị nhiễm giun tóc
Giun tóc là một loại giun tròn thường ký sinh ở hệ tiêu hóa của con người. Người bị nhiễm giun với số lượng ít có thể không có triệu chứng đáng kể. Thế nhưng, khi số lượng giun ký sinh trong cơ thể nhiều, người bệnh có các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, đi ngoài nhiều lần trong ngày, suy nhược...
Nhiễm giun tóc mức độ nặng mà không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, sa trực tràng...
Tập thể dục đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe tiêu hóa, nhưng nếu bạn đang trải qua các triệu chứng cấp tính do nhiễm giun tóc như đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần... tốt nhất nên nghỉ ngơi cho đến khi sức khỏe hồi phục. Điều này là do tập thể dục làm tăng nhu động ruột. Thông thường, sự gia tăng nhu động này là tốt, nhưng khi bị nhiễm giun, tăng nhu động ruột sẽ khiến các triệu chứng nặng hơn.
Khi sức khỏe hồi phục, người bệnh nên hình thành thói quen tập thể dục đều đặn, nhằm:
- Điều hòa nhu động ruột: Tập thể dục tăng cường cơ bắp ở đường tiêu hóa, giúp cải thiện các cơn co thắt ruột, điều hòa nhu động ruột bình thường.
- Cải thiện tình trạng tiêu hóa bất thường: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể cải thiện các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, táo bón...
- Tăng cường hệ thống miễn dịch: Có tới 70% hệ thống miễn dịch nằm ở ruột. Sức khỏe đường ruột kém sẽ khiến bạn dễ mắc phải nhiều tình trạng tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe nói chung.
- Tăng cường trao đổi chất: Tập thể dục làm tăng sự trao đổi chất, ngăn ngừa béo phì và kiểm soát cân nặng khỏe mạnh.
2. Một số bài tập đơn giản giúp tăng cường sức khỏe
Đối với người vừa phục hồi sau khi bị nhiễm giun, nên tập các bài tập thể dục với cường độ vừa phải, ví dụ như:
- Đi bộ, aerobic với nhịp điệu vừa phải, bơi lội và đạp xe thư giãn... Duy trì tập luyện ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
- Yoga với các bài tập thở đơn giản, tư thế kéo giãn, uốn dẻo nhẹ nhàng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Người mới bắt đầu có thể tập các động tác cây cầu (Setu Bandha Sarvangasana), chuỗi chào mặt trời (Surya Namaskar) 7 động tác…
- Các bài tập khí công, thái cực quyền có sự kết hợp thân – tâm với các động tác chậm, nhẹ nhàng, tập trung hơi thở sẽ giúp cơ thể hồi phục sau khi ốm.
- Thiền nuôi dưỡng chánh niệm và sự bình tĩnh tinh thần. Điều này cho phép các cá nhân hiểu rõ hơn về các tín hiệu của cơ thể và hệ tiêu hóa.
3. Lưu ý khi tập luyện
- Sau khi điều trị nhiễm giun tóc, điều quan trọng nhất là hãy duy trì một lối sống lành mạnh và một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ăn chín uống sôi, không nên ăn rau sống khi chưa được rửa sạch. Tạo cho bản thân thói quen rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Trong quá trình tập luyện, hãy lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy mệt, sức khỏe không ổn... nên ngừng tập.
- Người bệnh nên thực hiện tập luyện từ từ với các hoạt động mới, sau đó tăng cường độ dần dần.
- Nên mặc quần áo thoải mái, những bộ đồ bó sát có thể gây khó chịu hoặc hạn chế đối với những người bị đầy hơi hoặc đau bụng; đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.