Con tôi 11 tuổi nhưng so với bạn cùng tuổi thì cháu nhỏ bé, gầy yếu, da xanh xao nhợt nhạt. Khám ở trạm y tế xã cháu bị thiếu máu, nghi do giun móc. Bác sĩ vui lòng cho biết bệnh thiếu máu do giun móc có nguy hiểm không? Làm gì để phòng tránh bệnh?
Nguyễn Ngọc Lan (Nghệ An)
Người bị bệnh giun móc là nguồn làm lây lan bệnh chủ yếu theo quy trình như sau: trứng giun theo phân ra ngoài, trong đất nở thành ấu trùng, sống nhiều tuần. Ấu trùng xâm nhập cơ thể qua da, gây ra những nốt mẩn đỏ và ngứa khoảng 3-4 ngày. Vào cơ thể ấu trùng theo máu và hệ bạch huyết lên phổi, chui vào phế nang, di chuyển lên phế quản và họng rồi được nuốt vào đường tiêu hóa đến ruột non. Trong ruột ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành sống ở tá tràng, ruột non. Một phút một con giun móc có thể gây ra 4 vết hút máu trong thành ruột. Nguy hiểm nhất là các vết hút máu này tiếp tục chảy máu rỉ rả do miệng giun móc đã tiết ra chất chống đông máu, dẫn đến bệnh nhân bị mất nhiều máu, lâu ngày thành bệnh thiếu máu. Mặt khác giun móc còn tiết ra độc tố ức chế cơ quan tạo máu, gây thiếu máu kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu máu nhược sắc. Bệnh nhân có những biểu hiện: đau bụng, buồn nôn, da xanh, niêm mạc nhợt, chóng mặt, khó thở... Điều trị cần diệt giun kết hợp với chữa thiếu máu. Bạn nên chữa bệnh cho cháu theo chỉ dẫn của bác sĩ. Để phòng bệnh, cần thực hiện: xử dụng hố xí hai ngăn hợp vệ sinh; không bón phân tươi ra ruộng; diệt ấu trùng bằng cách rắc vôi bột ở ruộng, vườn; không cho các cháu chơi lê la trên đất; tránh ấu trùng nhiễm vào da bằng cách mang giày, dép, đeo xà cạp, đeo găng tay cao su khi phải tiếp xúc với đất.
BS. Trần Thanh Tâm