Nhiễm độc thức ăn và những biểu hiện thường gặp

02-11-2022 15:11 | Y học 360

SKĐS - Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường tiêu hóa. Phần lớn người bệnh do chủ quan, tự điều trị, dùng sai thuốc… dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây nhiễm độc thức ăn

Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng. Có nhiều loại vi khuẩn gây nên tình trạng này như độc tố có tụ cầu vàng, E.coli, phẩy khuẩn tả, E.coli 0157 – H7, salmonela, rotavirus… Trong đó nguyên nhân thường xuyên và hay gặp nhất là do salmonela và độc tố của tụ cầu vàng.

Nguyên nhân gây bệnh có nhiều, đó là :

  • Do kém vệ sinh, thiếu nước sạch.
  • Nguổn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Ăn phải thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn.
  • Sử dụng đồ ăn tái, sống.
  • Thời tiết chuyển mùa.
Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn là bệnh truyền nhiễm cáp tính lây qua đường tiêu hóa.

Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường tiêu hóa.


Biểu hiện khi bị nhiễm khuẩn thức ăn

Thông thường các biểu hiện thường xuất hiện sau mỗi bữa khoảng 6 - 12 giờ, các biểu hiện bất thường bắt đầu xuất hiện một cách đột ngột:

  • Đầy bụng, đau quặn bụng, buồn nôn.
  • Sốt, toàn thân đau mỏi.
  • Đi ngoài nhiều.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm tùy theo nguyên nhân như sau:

Ngộ độc do salmonela: đây là nguyên nhân hay gặp nhất trong các nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn. Salmonela là loại trực khuẩn gram âm, thường có trong thịt, sữa, trứng

Khi nhiễm vi khuẩn, sau 12 – 36 giờ sẽ xuất hiện các biểu hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan tỏa khắp bụng; buồn nôn và nôn nhiều lần, ỉa chảy nhiều lần trong ngày, phân thối, nhiều nước, không mót rặn, trong phân có thể có lẫn thức ăn chưa tiêu; kèm theo có sốt cao 38 – 40 độ, có rét run, nhức đầu mệt mỏi, khát nước, môi khô, mắt trũng… không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiểu niệu, vô niệu và tử vong do rối loạn nước và điện giải.

Ngộ độc do độc tố của tụ cầu: người bệnh ăn phải thức ăn đã nhiễm ngoại độc tố của tụ cầu vàng. Sau khi nhiễm từ 30 phút – 6 giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị nhiều hơn vùng rốn, đau quặn từng cơn; buồn nôn và nôn nhiều lần trước khi đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước. thường không có sốt hoặc sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, có thể rối loạn nước và điện giải dẫn đến trụy tim mạch. Thường chỉ gây tử vong ở trẻ nhỏ hoặc người già suy kiệt.

Nếu nhiễm độc thức ăn không được điều trị kịp thời sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm đó là: rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch, nhịp tim, rối loạn chức năng tiêu hóa, mất nước thậm chí nặng hơn gây tử vong.

Thông thường các biểu hiện thường xuất hiện sau mỗi bữa khoảng 6 - 12 giờ, các biểu hiện bất thường bắt đầu xuất hiện một cách đột ngột. Ảnh minh họa

Thông thường các biểu hiện thường xuất hiện sau mỗi bữa khoảng 6 - 12 giờ, các biểu hiện bất thường bắt đầu xuất hiện một cách đột ngột. Ảnh minh họa

Điều trị và khắc phục nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn

  • Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng số 1, đặc biệt đối với người già và trẻ em vì mất nước sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải. Bù nước bằng dung dịch osezole hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Ngoài ra có thể uống sữa, nước ép trái cây, nước gạo rang…
  • Đảm bảo nguồn thực phẩm và người chế biến thực phẩm luôn phài sạch sẽ, đúng quy chuẩn.
  • Không uống thuốc làm giảm nhu động ruột. Điều này sẽ làm chậm quá trình đào thải chất độc ra khỏi cơ thể và do đó càng làm cho tình trạng nhiễm độc nặng hơn.
  • Khi gặp ngộ độc thức ăn nên gây nôn để các thức ăn trong dạ dày được tống ra ngoài.
  • Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng co giật, mệt lả, sốt cao phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Xem thêm video được quan tâm

Làm việc căng thẳng thời gian dài tăng nguy cơ trầm cảm


Bs Nguyễn Anh Tuấn – BV Bạch Mai
Ý kiến của bạn