Thuốc chống viêm, giảm đau và tác dụng phụ
Các loại thuốc có thể gây độc trực tiếp trên thận bằng cách gây viêm hoặc phá huỷ các cấu trúc giải phẫu của thận hoặc gây độc gián tiếp bằng cách làm thay đổi lưu lượng máu đến thận hoặc tạo ra các chất độc nội sinh đối với thận.
Nhiễm độc thận do thuốc xảy ra rất phổ biến trên lâm sàng, đây là nguyên nhân của gần 20% các trường hợp suy thận cấp phải nhập viện theo một nghiên cứu gần đây. Rất nhiều loại thuốc khác nhau được biết có thể gây độc cho thận, thường gặp nhất là các loại kháng sinh, thuốc đông dược, thuốc cản quang, thuốc ức chế men chuyển và đặc biệt là các nhóm thuốc có tác dụng chống viêm giảm đau.
Các thuốc có tác dụng chống viêm giảm đau là một trong những nhóm thuốc được tiêu thụ với số lượng lớn nhất trên thế giới, bao gồm cả những loại kê đơn và những loại bán không cần đơn và thuộc 3 nhóm chính: aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (như indomethacin, meloxicam, diclofenac…); nhóm ức chế chọn lọc men cyclooxygenase-2 (COX-2) như celecoxib, rofecoxib, nimesulid…; paracetamol và các thuốc giảm đau không gây nghiện khác. Nhiễm độc thận do các thuốc này có thể xảy ra cấp tính ngay sau khi dùng thuốc hoặc mạn tính sau một quá trình dùng thuốc kéo dài hoặc lạm dụng thuốc. Đa số các thuốc có tác dụng chống viêm giảm đau, đặc biệt là các thuốc chống viêm giảm đau không steroid, đều có liên quan với một dải rộng các tác dụng phụ trên thận như gây suy thận cấp, hội chứng thận hư, tăng huyết áp, tăng kali máu, viêm thận kẽ hoặc bệnh thận mạn tính.
![]() Thuốc chống viêm, giảm đau có thể gây suy thận mạn tính. |
Suy thận cấp
Có liên quan rõ rệt nhất với các thuốc chống viêm giảm đau không steroid như ibuprofen, aspirin… và thường có khả năng hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc. Mặc dù loại tai biến này có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh nhưng nó thường gặp hơn ở những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người bị thiếu dịch, bị mắc các bệnh tim, bệnh thận, hoặc khi điều trị phối hợp với thuốc lợi tiểu và các thuốc có nguy cơ gây độc cho thận như cyclosporine, gentamycin... Về cơ chế, các thuốc chống viêm giảm đau không steroid và thuốc ức chế chọn lọc men COX-2 đều ức chế quá trình sản xuất prostaglandin ở thận, dẫn đến co mạch máu ở thận và giảm lượng máu đến thận, hậu quả gây suy giảm chức năng thận (suy trước thận). Suy thận cấp do paracetamol hiếm gặp hơn so với các thuốc chống viêm giảm đau khác do nó ít có tác dụng ức chế sản xuất prostaglandin, hầu hết xảy ra trong các trường hợp ngộ độc paracetamol dẫn đến hoại tử ống thận cấp và thường có khả năng hồi phục hoàn toàn. Theo một nghiên cứu gần đây, suy thận cấp gặp ở khoảng 2% các trường hợp ngộ độc paracetamol và 10% các trường hợp ngộ độc nặng do thuốc này.
Bệnh thận mạn tính do thuốc chống viêm giảm đau