Nhiễm độc thạch tín từ thói quen sinh hoạt không ngờ

01-03-2024 09:43 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có dấu hiệu của nhiễm độc asen mạn tính, rất có thể nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng nước giếng khoan và uống thuốc không rõ nguồn gốc trong nhiều năm.

Ngày 1/3, BSCKII. Nguyễn Minh Thu – Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khoa vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.Đ.T (64 tuổi) nhập viện với chẩn đoán ung thư tế bào gai – vảy nến – theo dõi nhiễm độc thạch tín (asen) mạn tính.

Trước đó, bệnh nhân T. có thói quen sử dụng nước giếng khoan thường xuyên trong sinh hoạt và có dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Theo bệnh nhân mô tả, loại thuốc bệnh nhân sử dụng nhiều năm là loại thuốc đông y dạng viên, đựng trong gói nilon, không có nhãn hiệu và được quảng cáo có tác dụng trị hoàn toàn dứt điểm bệnh vảy nến.

Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có các dấu hiệu của nhiễm độc asen mạn tính, rất có thể nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng nước giếng khoan và uống thuốc không rõ nguồn gốc trong nhiều năm.

Biểu hiện nhiễm độc thạch tín

Theo BSCKII. Nguyễn Minh Thu, asen là một kim loại độc hại với sức khỏe con người, không màu, không mùi và không vị. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa bệnh asen (Arsenicosis) là tình trạng sức khỏe mạn tính xuất hiện khi nuốt phải asen với nồng độ trên mức an toàn trong thời gian dài (trên 6 tháng), thường biểu hiện bằng các tổn thương da đặc trưng.

Nhiễm độc asen mạn tính có thể tích tụ ở răng, móng, tóc, da nhiều năm mà người dân không hề hay biết. Tiếp xúc lâu dài với asen có thể gây ung thư da và các tổn thương da.

Biểu hiện thường gặp trên da của nhiễm độc asen mạn tính bao gồm: thay đổi sắc tố da, dày sừng từng điểm lòng bàn tay bàn chân, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều tổn thương ung thư tế bào gai.

Nhiễm độc thạch tín từ thói quen sinh hoạt không ngờ- Ảnh 1.

Tổn thương dày sừng từng điểm lòng bàn tay, bàn chân ở bệnh nhân nhiễm độc asen. Ảnh: BSCC

Nhiễm độc thạch tín từ thói quen sinh hoạt không ngờ- Ảnh 2.

Dấu hiệu "hạt mưa trên cát" được mô tả là những chấm giảm sắc tố nhỏ trên nền tăng sắc tố (hay gặp ở vùng lưng). Ảnh: BSCC

BS. Nguyễn Thị Ngọc Anh – Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, asen có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc hấp thụ qua da thông qua sử dụng nguồn nước ngầm có nhiễm asen, một số loại dược phẩm và sản xuất công nghiệp. Trong tự nhiên, nồng độ asen trong nước ngầm, nước giếng khoan người dân hay dùng cao hơn nhiều so với nguồn nước đến từ sông hồ.

Các bác sĩ lưu ý, nếu mắc các bệnh lý mạn tính như: vảy nến, hen phế quản, pemphigus… người dân tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể trong thuốc đó có chứa trộn asen vào.

Vảy nến là bệnh mạn tính và chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn, vì thế không có thuốc nào là "trị hoàn toàn dứt điểm bệnh vảy nến" như quảng cáo khiến bệnh nhân tin theo. Tuy nhiên bệnh vảy nến có thể kiểm soát được, mục tiêu của điều trị là kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.

Ngoài ra, asen có thể là thành phần trong các sản phẩm trang điểm như phấn mắt, bút kẻ lông mày hoặc son môi... Vì vậy khi lựa chọn các sản phẩm làm đẹp, người dân cần chú ý kỹ tới nguồn gốc và nơi sản xuất.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng như nốt sần ở lòng bàn tay bàn chân, da thô ráp, thay đổi sắc tố da... kèm theo thói quen sử dụng nước giếng khoan, uống thuốc không rõ nguồn gốc nhiều năm, người dân cần gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất để tránh tiến triển thành ung thư da.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Sai lầm hay gặp khi chữa vảy nến khiến bệnh nặng thêmSai lầm hay gặp khi chữa vảy nến khiến bệnh nặng thêm

SKĐS - Bác sĩ nội trú Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu Trung ương chỉ rõ những sai lầm mà bệnh nhân vảy nến hay gặp phải khi điều trị khiến bệnh rất khó kiểm soát, thậm chí bùng phát nặng thêm.


Dương Hải
Ý kiến của bạn