Nhiễm độc chì mạn tính đối với sức khỏe tâm thần

15-07-2012 08:10 | Tin nóng y tế
google news

Gần đây, mỗi tuần có khoảng từ 5-10 trẻ được giới thiệu đến phòng khám chuyên khoa Tâm thần của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để khám và đánh giá ảnh hưởng của nhiễm độc chì mạn tính đến sự phát triển tâm thần.

(SKDS) -  Gần đây, mỗi tuần có khoảng từ 5-10 trẻ được giới thiệu đến phòng khám chuyên khoa Tâm thần của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để khám và đánh giá ảnh hưởng của nhiễm độc chì mạn tính đến sự phát triển tâm thần. Số trẻ này đã được chẩn đoán và điều trị giải độc chì tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Lứa tuổi phổ biến của trẻ đến khám là từ 2-3 tuổi. Nguyên nhân của tình trạng ngộ độc chì mạn tính này là do trẻ được bố mẹ cho dùng một loại thuốc cam để chữa các bệnh viêm nhiễm ở lưỡi, miệng hoặc do biếng ăn. Thuốc được mua của những ông lang, bà mế và được sử dụng bôi ngoài da hoặc đường uống theo sự mách bảo mà không đến bệnh viện khám. Trong số những trẻ đến khám này có cả những trẻ bị ngộ độc chì không do sử dụng thuốc mà do gia đình sản xuất bột chì để pha chế vào thuốc cam và gây ngộ độc cho con em mình. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị ngộ độc chì mạn tính do chơi những đồ chơi có chứa chì, do môi trường xung quanh có nồng độ chì cao, do bị nhiễm từ sơn có pha chì...

Ngộ độc chì mạn tính gây  ảnh hưởng lớn đến sức khỏe về thể chất và sự phát triển về tâm thần, có thể biểu hiện ở mức độ nhẹ (chưa có biểu hiện trên lâm sàng) hoặc mức độ nặng (thể hiện trên lâm sàng).

Ngộ độc chì ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương là một biểu hiện phổ biến nhất thể hiện ở sự phát triển trí tuệ của trẻ bị giảm đi, được đánh giá bằng test về chỉ số thông minh. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ rất khó đánh giá mà chỉ có thể đánh giá trí tuệ của trẻ khi trẻ từ 5 tuổi trở lên, vì vậy với những trẻ ngộ độc chì mạn tính, cần phải có sự theo dõi quá trình phát triển để phát hiện và xử lý kịp thời.

Một trường hợp trẻ bị nhiễm độc chì nặng được điều trị tại Trung tâm Chống độc ,Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N. Hồng

Biểu hiện nhiễm độc chì mạn tính

Trẻ bị ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, với biểu hiện giảm đi sự thành thạo trong phát âm và giao tiếp, chậm nói hơn so với những trẻ khác.

Trẻ có thể hay quên hơn và có những vấn đề khác về ghi nhớ như ghi nhận vấn đề kém, dẫn đến học hành kém hơn.

Trẻ gặp phải những vấn đề về tập trung chú ý, giảm tập trung vào học bài, vào công việc thường ngày.

Kỹ năng thực hiện những động tác tinh tế, cầm nắm tinh xảo bị giảm đi rõ hơn so với trẻ cùng lứa tuổi.

Trẻ gặp khó khăn trong việc đưa ra kế hoạch thực hiện một công việc được giao hoặc không thể tổ chức làm công việc của mình.

Trẻ khó khăn trong việc đưa ra các khái niệm trừu tượng và trẻ không có khả năng đưa ra cách khác để giải quyết vấn đề khi đã bị thất bại.

Việc đánh giá sự bất thường về phát triển trí tuệ chỉ thực hiện được khi trẻ ở tuổi từ 5 - 6 vì chỉ khi đến tuổi này, nhiều biểu hiện triệu chứng mới xuất hiện đầy đủ. Nhưng điều mà cha mẹ trẻ hay phàn nàn là trẻ có biểu hiện chậm nói, tăng hoạt động, không thể ngồi yên khi học hoặc lắng nghe các thầy cô khi ở trường.

Biểu hiện nặng của ngộ độc chì là những ảnh hưởng về cơ thể với những triệu chứng đau đầu, đau bụng, ăn không ngon miệng, táo bón, mất ngủ, giảm hoạt động, nôn, buồn nôn, gây ra các bệnh lý mạn tính của thận, bệnh lý thần kinh ngoại biên.

BS.Trịnh Thị Bích Huyền


Ý kiến của bạn