Hà Nội

Nhiễm độc cấp dễ dẫn đến tử vong

12-05-2016 17:32 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta có thể tiếp nhận nhiều loại chất độc xâm nhập vào cơ thể bằng những con đường khác nhau. Trong đó, có một số trường hợp có khả năng bị nhiễm độc cấp tính dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không được xử trí can thiệp kịp thời.

Đặc điểm tình trạng nhiễm độc

Theo các nhà khoa học, chất độc là chất có thể đặc, thể lỏng hoặc thể hơi; khi xâm nhập vào cơ thể con người với một liều lượng nhất định sẽ có khả năng gây nhiễm độc, làm tổn hại đến sức khỏe và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hóa chất thuốc trừ sâu, diệt côn trùng, diệt cỏ dại; các hóa chất có thể gây nguy hiểm dùng trong đời sống, thuốc chữa bệnh loại có tác dụng mạnh đặc biệt là thuốc điều trị các bệnh thần kinh và tâm thần; chất gây độc có trong rượu, thuốc lá, ma túy... đã làm cho tình trạng ngộ độc xảy ra ngày càng khá phổ biến trong cộng đồng.

Chất độc hại thường xâm nhập vào cơ thể theo 4 con đường như: qua đường hô hấp do hít phải hơi độc, khói độc; qua đường tiêu hóa do ăn uống, nuốt phải chất độc; qua đường da và qua đường mắt do tiếp xúc trực tiếp với độc chất. Đối với đường hô hấp, hay gặp nhất là nhiễm độc khí CO (carbon dioxide) xuất phát từ các đám cháy, ống khói, ống xả của các động cơ nổ; các khí độc như hydro sulfua, oxít nitơ, axít cyanhydric hoặc cyanua gây tử vong rất nhanh; trong nông nghiệp thường ghi nhận các tai nạn do nhiễm khí độc bốc hơi từ loại phospho hữu cơ dùng làm thuốc trừ sâu. Đối với đường tiêu hóa, các chất độc theo thức ăn và thức uống gây rối loạn tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng...; các chất có tính axít mạnh và kiềm mạnh có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa như viêm loét môi, lưỡi, miệng, họng, thực quản, dạ dày, ruột; đồng thời gây đau dữ dội, có khi làm thủng thực quản, dạ dày; chất độc khi đã ngấm vào máu có thể làm ảnh hưởng đến các chức năng sống. Khi uống nhiều rượu vượt quá liều và các loại thuốc giảm đau, gây ngủ cũng có thể gây nhiễm độc. Trên thực tế, khó xác định được ranh giới giữa liều điều trị và liều nhiễm độc do dùng quá liều ở một số loại thuốc như aminophylline, barbiturate; vì vậy bệnh nhân cần phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Đồng thời các dấu hiệu nhiễm độc thần kinh cũng thường gặp như mê sảng do ngộ độc cà độc dược, hôn mê do ngộ độc thuốc ngủ, co giật do ngộ độc mã tiền, điếc do ngộ độc thuốc streptomycine. Thuốc aminazine, meprobamate có thể gây hạ huyết áp ngay cả với liều điều trị. Lưu ý hầu hết các trường hợp nhiễm độc nặng đều gây hạ huyết áp. Một số chất độc có thể gây viêm thận cấp như mật cá trắm, cá chép, cá trôi Ấn Độ, các dẫn xuất của chất chì...; một số thuốc kháng sinh như sulfamide, colimycine, streptomycine... cũng có thể gây viêm thận. Thuốc tetracycline tiêm tĩnh mạch gây viêm ống thận ở phụ nữ có thai, nếu dùng thuốc quá hạn sẽ gây viêm thận ở trẻ em. Trường hợp uống nhiều cam thảo có thể gây tiểu ít, phù, hạ kali máu, tăng huyết áp. Thuốc chloramphenicol, diphenylhydantoine dùng lâu ngày có thể gây thiếu máu nặng do suy tủy; vì vậy người bệnh cần theo đúng chỉ định của bác sĩ và tuân thủ thời hạn dùng mỗi loại thuốc. Chú ý các trường hợp ngộ độc cấp tính nặng thường có ảnh hưởng đến hệ hô hấp, ngộ độc phenobarbital nặng làm ức chế trung tâm hô hấp gây ngừng thở, hôn mê sâu, làm tụt lưỡi dẫn đến ngừng thở; ngộ độc thốc trừ sâu loại phospho hữu cơ, meprobamate, morphine, heroine liều cao có thể gây phù phổi cấp. Ngoài ra, rắn độc, rết, bò cặp cắn; ong đốt cũng dễ gây ra các tổn thương da tại chỗ hoặc toàn thân; ong đốt gây ra phản ứng dị ứng hoặc sốc phản vệ rất nguy kịch. Người nghiện ma túy có thể chết do tiêm quá liều heroine hoặc morphine qua da vào tĩnh mạch hay dưới da. Trong thực tế đã có trường hợp nhầm lẫn warfarine với phấn rôm làm tử vong nhiều cháu nhỏ do bị chảy máu não và màng não. Mắt cũng có thể bị loét kết mạc do nhỏ nhầm thuốc hoặc do bỏng lửa, chất axít.

Nhiễm độc cấp do ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra hàng loạt khá phổ biến

Xử trí nhiễm độc cấp tính

Việc xử trí nhiễm độc cấp tính cần phải căn cứ vào một số nguyên tắc cơ bản như: tìm mọi cách loại trừ sớm nhất chất độc bị nhiễm ra khỏi cơ thể càng nhiều càng tốt, thời gian và công tác sơ cấp cứu xử trí ban đầu rất quan trọng vì chúng quyết định sự sống còn của nạn nhân; khi thấy xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, phải hồi sức cấp cứu ngay, nghĩa là phải thực hiện mọi điều kiện để giảm nhẹ kịp thời các triệu chứng nhiễm độc xảy ra; đặc biệt lưu ý việc bảo đảm sự thông khí đường hô hấp tốt và sự tuần hoàn máu ổn định. Trước hết phải lấy chất độc ra ngoài cơ thể ở các bộ phận bị chất độc tác động ảnh hưởng trực tiếp như: da, tóc và mắt; dạ dày và ruột, đường hô hấp...

Đối với da, tóc và mắt: phải rửa da bị tiếp xúc chất độc ngay bằng nước sạch càng sớm càng tốt ở tại nơi xảy ra tai nạn, nếu chất độc là axít hay bazơ mạnh thì phải rửa bằng nước sạch từ 10 - 15 phút. Khi hóa chất độc bắn vào mắt, phải vạch mi mắt ra và rửa bằng nước sạch từ 3 - 5 phút. Sử dụng dung dịch muối đẳng trương để rửa sạch chất độc càng có hiệu quả tốt. Nên gội đầu trong khoảng 20 phút nếu chất độc vướng dính vào tóc.

Đối với dạ dày và ruột: phải pha loãng ngay chất độc bằng cách cho uống nhiều nước khoảng từ 0,5 - 1 lít nước ở người lớn và từ 100 - 200ml nước ở trẻ em. Nếu có điều kiện tại chỗ có thể cho uống bột gạo, bột đậu xanh hoặc lòng trắng trứng; lưu ý không nên dùng sữa vì sữa có khả năng hòa tan một số độc chất như phospho hữu cơ, tuy nhiên có thể dùng sữa trong trường hợp ngộ độc chất axít hoặc nước javel. Sau đó tìm cách rút chất độc ra khỏi đường tiêu hóa, phương pháp nhanh nhất và đơn giản nhất là gây nôn nếu nạn nhân còn tỉnh bằng cách dùng cán thìa hay lông gà ngoáy họng kích thích để nạn nhân nôn. Nếu ở bệnh viện, cho uống bột cây ipeca hay tiêm apomorphine; khi nghi ngờ nạn nhân nôn chưa hết thì cho uống tiếp và gây nôn cho đến khi nước nôn ra trở nên trong; đây là phương pháp đơn giản có thể thực hiện tại chỗ. Khi ở trạm y tế, bệnh xá, bệnh viện; có thể rửa dạ dày bằng một ống thông luồn vào dạ dày và nên thực hiện trong khoàng thời gian từ 2 đến 4 giờ đầu sau khi bị nhiễm độc. Trường hợp bị nhiễm độc các loại thuốc ngủ và nha phiến thường làm liệt ruột, do đó có thể rửa dạ dày muộn hơn. Thực hiện việc gây nôn và rửa dạ dày xong, cho uống natri sulfat 5g cho trẻ em và 15 đến 30g cho người lớn. Riêng việc nhiễm độc axít và bazơ mạnh, không nên rửa dạ dày vì có thể gây thủng thực quản và dạ dày. Ngoài ra, than hoạt tính hiện nay là chất có hiệu quả để trung hòa đa số các chất độc; có thể uống ngay 20g than hoạt tính trước khi rửa dạ dày hoặc gây nôn, sau đó cứ mỗi 2 giờ uống thêm 20g cho đến khi được 120g; sau đó cho uống 5 đến 10g natri sulfat.

Đối với đường hô hấp: phải đặt nạn nhân ở chỗ thoáng khí, nới lỏng áo nếu quá chật. Khi phát hiện thấy nạn nhân thở khò khè hoặc thở rít là dấu hiệu có thể bị phù thanh môn, phải chống ngạt thở ngay bằng cách chườm ấm cổ, cho thở khí dung hydrocortisone, đặt ống xông qua màng nhẫn giáp và mở khí quản nếu gặp trường hợp cần thiết.

Điều cần quan tâm

Với tình trạng nhiễm độc do nhiều nguyên nhân khác nhau đang có chiều hướng gia tăng hiện nay ở một số địa phương, đặc biệt là các trường hợp nhiễm độc cấp tính làm ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng của người dân. Do đó các biện pháp phòng ngừa nhiễm độc cấp tính cần được đưa vào nội dung của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu như chương trình chống nhiễm khuẩn. Thực tế nếu thực hiện được các biện pháp tích cực và cụ thể mới có thể làm giảm được tỉ lệ nhiễm độc cấp tính, góp phần giảm bớt chi phí y tế. Những biện pháp phòng ngừa nhiễm độc cấp tính đòi hỏi phải có sự phối hợp thực hiện của nhiều ngành có liên quan, đặc biệt là ngành công nghiệp, nông nghiệp và y tế vì sức khỏe của người dân trong xã hội chúng ta đang sống phụ thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn và nhiễm độc của môi trường ở chung quanh. Hiện nay thực trạng nhiễm độc thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, ngộ độc các loại thực phẩm và thuốc điều trị... xảy ra khá phổ biến ở một số nơi; đo đó việc quan tâm vấn đề này là rất cần thiết để chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa.
Nông dân cần sử dụng các loại hóa chất theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp


TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn