Nhện cũng là một vị thuốc chữa bệnh

SKĐS - Khác với lầm tưởng của nhiều người, không phải loài nhện nào cũng nguy hiểm. Từ lâu đời, một số loài nhện đã được ứng dụng trong Y học cổ truyền để điều trị nhiều bệnh lý thường gặp.

Nhện là một trong những sinh vật tiền sử lâu đời nhất còn tồn tại trên trái đất.

Tại Việt Nam, có hai loại nhện thường được dùng làm thuốc với đặc tính Y học cổ truyền tương đối khác biệt là nhện ôm trứng (có thể sử dụng một trong các loài Tegenaria domestica, Uroctea compactilis hoặc Torania gloriosa) hoặc một số loài nhện khác trong bộ nhện.

1. Bài thuốc chữa bệnh từ nhện ôm trứng

Y học cổ truyền sử dụng toàn thân con nhện ôm trứng (tên gọi chung cho những loài nhện thường sống trên vách nhà, ôm bọc trứng màu trắng có hình như đồng tiền), còn có tên gọi khác là bích tiền, bích hỷ, bích kính, bích trùng…

Bích tiền có vị mặn, tính bình, không độc, có tác dụng kháng viêm, tiêu thũng, giải độc. Ngoài ra, bọc trứng nhện (bích tiền khỏa mạc) cũng được sử dụng.

Một số bài thuốc:

- Trị viêm họng, viêm loét miệng lưỡi: Nhện ôm trứng 1 con, thanh đại 1,5g, băng phiến 1,5g, tất cả sấy khô, tán bộ, thổi vào vùng tổn thương.

- Trẻ em cứng hàm không bú được: Nhện 2 con, bỏ chân, sao cháy, nghiền nhỏ, hòa với sữa cho uống.

Mụn nhọt: Lấy nhện sống giã nát đắp vào vùng tổn thương.

- Áp xe vú: Bao trứng nhện 3 cái sao tồn tính, bạch phàn 3g, hai thứ tán bột uống.

photo-1700456714751

Nhện ôm trứng.

2. Bài thuốc chữa bệnh từ nhện trong bộ Nhện

Nhện (thường dùng loài Aranea ventricose) còn có các tên gọi theo Y học cổ truyền là tri thù, võng công, võng trùng, nguyên thù. Nhện có vị đắng, tính lạnh, có độc, có công dụng giải độc tiêu thũng, chỉ thống khu phong, dùng cho các trường hợp mụn nhọt có mủ, thường mọc và có mủ rồi vỡ nhanh, đái dầm, với một số bài thuốc dân gian như sau:

- Mụn nhọt có mủ: Nhện lượng thích hợp giã nát, hòa với giấm, đắp vào vùng tổn thương.

- Trẻ con hay đái dầm: ăn nhện nướng thật chín lượng vừa đủ.

Ngoài ra, màng tơ nhện (tri thù võng) cũng được dùng bằng cách sao vàng, tán bột uống, hoặc dùng ngoài đắp vào vết thương để chữa các vết thương chảy máu không cầm.

Mặc dù được sử dụng lâu đời trong dân gian, nghiên cứu về các tác dụng dược lý của những loài nhện kể trên vẫn còn hạn chế, ngoại trừ một nghiên cứu năm 2012 cho thấy màng tơ của nhện ôm trứng có tác dụng kháng khuẩn với các chủng E. coli B. subtilis mà không thể hiện độc tính trên tế bào người.

photo-1700456543284

Nhện còn có tên gọi khác là tri thù, võng công…

3. Lưu ý cần biết khi sử dụng nhện làm thuốc

Hiện nay, nghiên cứu về ứng dụng nhện trong y học hầu như chỉ tập trung vào nọc độc của nhện, chưa có nghiên cứu về tác dụng dược lý và thành phần hóa học của toàn con nhện.

Một điều thú vị là các nghiên cứu dược lý và in vitro đã cho thấy nọc độc của nhện có chứa các thành phần như phospholipase-D, enzyme hyaluronidase, lycosin-L… có tác dụng ức chế khối u thông qua nhiều cơ chế: gây tán huyết, ly giải màng tế bào, ức chế sự tăng trưởng của khối u, tăng cường sự hấp thu của một số loại thuốc kháng ung thư khác...

Từ các thông tin đã có, nhện đã được sử dụng từ lâu đời trong điều trị các vết thương chảy máu, mụn nhọt, viêm họng… Tuy nhiên, các kinh nghiệm sử dụng này còn nằm trong phạm vi dân gian, bằng chứng khoa học về dược lý của nhện vẫn còn khá hạn chế.

Một điều cần lưu ý là các bài thuốc thường sử dụng nhện ở dạng dùng ngoài đắp trực tiếp vào vị trí tổn thương, nguy cơ bội nhiễm rất cao.

Ngoài ra, nhiều loài nhện có ngoại hình giống những loài dùng làm thuốc, nhưng sở hữu độc tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người dân không nên tự ý sử dụng nhện trong chăm sóc sức khỏe, mà phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền.

Mời bạn xem tiếp video:

Cắt khối u xơ tử cung ẩn trong người phụ nữ 10 năm - SKĐS



BS. Dương Phan Nguyên Đức
Bộ môn Dược học cổ truyền - Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TPHCM
Ý kiến của bạn