Hà Nội

Nhau cài răng lược, nỗi ám ảnh khi mang thai

23-12-2024 06:02 | Phòng mạch online

SKĐS - Nhau cài răng lược là tình trạng bánh rau xâm lấn vào thành tử cung và không thể tách rời khỏi thành tử cung sau khi sinh. Đây là tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sinh mà còn đe dọa tính mạng người mẹ và thai nhi.

Có 3 thể nhau cài răng lược: Nhau bám vào cơ tử cung (accreta): nhau tiếp xúc với lớp cơ (75%); Nhau cài vào lớp cơ tử cung (increta): nhau xâm lấn vào lớp cơ (18%); Nhau cài xuyên cơ tử cung (percreta): nhau xuyên qua cơ đến thanh mạc (7%).

Đối tượng nào có nguy cơ bị nhau cài răng lược?

  • Người mẹ có vết mổ cũ trên thân tử cung do mổ lấy thai, mổ bóc tách u xơ tử cung...
  • Người mẹ từng có phẫu thuật hoặc nạo hút trong buồng tử cung: Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp đến tử cung gây vết sẹo, làm yếu tử cung.
  • Người mẹ bị nhau tiền đạo: khoảng 1-5% trường hợp mẹ bầu bị nhau tiền đạo không kèm vết mổ cũ trên thân tử cung có nguy cơ tiến triển thành nhau cài răng lược.
Nhau cài răng lược, nỗi ám ảnh khi mang thai- Ảnh 1.

Điểu nguy hiểm là nhau cài răng lược không gây ra bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu rõ rệt nào.

Triệu chứng của nhau cài răng lược

Điểu nguy hiểm là nhau cài răng lược không gây ra bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu rõ rệt nào, chỉ khi bước vào những tháng cuối thai kỳ người mẹ có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường, khi đó mới phát hiện ra.

Hiện nay với hệ thống máy siêu âm hiện đại đã có thể giúp phát hiện sớm tình trạng này, vì thế, các bà mẹ cần tuân thủ lịch khám thai đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi thai kỳ chặt chẽ, phát hiện sớm và can thiệp hiệu quả trong tình huống có nhau thai cài răng lược.

Nhau cài răng lược nguy hiểm thế nào?

Mặc dù đây là tình trạng hiếm gặp nhưng nhau thai cài răng lược rất nguy hiểm. Sau khi sinh, bánh nhau không thể tự động tách ra khỏi thành tử cung, gây chảy máu và không thể cầm. Điều này dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như băng huyết sau sinh phải truyền máu, đe dọa tính mạng người mẹ và thai nhi.

Ngoài ra, tình trạng sót nhau có thể gây nhiễm trùng sau sinh. Nhiều trường hợp buộc phải sinh non do mẹ bầu xuất huyết nhiều trong khi thai nhi còn non tháng, làm sức khỏe trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng: trẻ suy hô hấp, nhiễm trùng, vàng da, khó nuôi,… thậm chí có thể gây tử vong do quá non tháng.

Ngoài ra, người mẹ còn có nguy cơ phải cắt tử cung. Trường hợp nếu nhau cài đến bàng quang hay trực tràng nhiều khi phải cắt bỏ 1 phần bàng quang hay trực tràng mới cầm máu được gây hậu quả nặng nề như dò bang quang, âm đạo, trực tràng,…

Những mốc siêu âm thai nhi quan trọng mẹ cần lưu ý

Mẹ bầu nên đến các cơ sở y tế thường xuyên để được thăm khám và phát hiện những bất thường.

Làm thế nào để chẩn đoán nhau cài răng lược?

Hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại với hệ thống máy móc tối tân, nhau cài răng lược đã có thể được phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác ngay trong thai kỳ. Các phương pháp chẩn đoán: Siêu âm: giúp phát hiện sớm tình trạng này cũng như mức độ tiến triển nguy hiểm; Chụp cộng hưởng từ (MRI): Trong nhiều trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định chụp MRI để cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phải đợi kết thúc cuộc sinh nở, không thấy bánh nhau bong tự nhiên mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng nhau cài răng lược.

Lời khuyên bác sĩ

Nhau cài răng lược rất nguy hiểm nên để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, các mẹ đến các cơ sở y tế thường xuyên để được thăm khám và phát hiện những bất thường giúp xử trí tốt các tình huống có thể xảy ra kịp thời. Ngoài ra, người mẹ cần lên kế hoạch phòng ngừa tình trạng này bằng cách:

Cần hạn chế việc nạo phá thai hoặc phẫu thuật trên tử cung; Nên có kế hoạch sinh con phù hợp, khoảng cách giữa các lần mang thai phù hợp, hạn chế tối đa việc sinh mổ; Khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Nhau cài răng lược là một bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm đe dọa đến tính mang của thai phụ và trẻ sơ sinh. Nhau cài răng lược đã được ghi nhận chiếm 7% trong các nguyên nhân tử vong trong và sau mổ liên quan đến tình trạng mất máu. Và đây cũng là nguyên nhân cần phải truyền máu, gây nhiễm trùng hậu phẫu và những lỗ dò sau mổ. Tình trạng này càng nguy hiểm hơn vì là bệnh khó chẩn đoán được trước mổ nên mọi xử trí rất bị động. Lời khuyên là các bà mẹ đang mang thai cần khám thai định kỳ thường xuyên để được tư vấn và phát hiện sớm những biến cố có thể xảy ra.

Nhau cài răng lược: Một nan đề đang đi tìm lời giảiNhau cài răng lược: Một nan đề đang đi tìm lời giải

SKĐS - Nếu nhau tiền đạo là kẻ thù hết sức nguy hiểm, cần đề phòng trong quá trình mang thai, thì nhau cài răng lược (NCRL) được xem là “sát thủ giấu mặt” nguy hiểm hàng đầu. Dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh sản của thai phụ, thậm chí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.

BS Nguyễn Anh Vũ
Ý kiến của bạn