Hà Nội

Nhật trình ký phóng viên COVID-19: Những ngày không quên

19-06-2020 11:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nếu gọi bác sĩ là chiến sĩ tuyến đầu chống đại dịch COVID-19 thì phóng viên phụ trách mảng y tế cũng chẳng khác gì những người lính xông pha mọi chiến tuyến. Nơi nào có bệnh nhân, nơi đó có nhà báo. Nơi nào có họp hành chỉ đạo chống dịch, nơi đó họ có mặt. Cũng như các bác sĩ ngày đêm cứu chữa cho bệnh nhân, phóng viên đêm ngày hóng tin tức để cung cấp những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến với mọi người. Còn có cả những “chiến sĩ” ở hậu trường, xử lý thông tin của phóng viên nhanh nhất để cập nhật, chuyển tải đến độc giả.

Trong Hội nghị sơ kết về công tác truyền thông phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò của truyền thông và nhấn mạnh truyền thông góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19... Trong dòng chảy thông tin của mặt trận truyền thông về chống dịch, báo SK&ĐS đã trở thành một trong những cơ quan truyền thông tiêu biểu, hàng đầu cập nhật, chuyển tải đến bạn đọc những thông tin nóng hổi nhất, nhanh nhất và chính xác nhất về phòng chống dịch. Tập thể báo cũng tự hào là 1 trong 5 cơ quan báo chí vừa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 16/6/2020, tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban  Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao Bằng khen của Thủ tướng và tặng hoa chúc mừng tập thể báo Sức khỏe&Đời sống đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Quang Hiếu

Ngày 16/6/2020, tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban  Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao Bằng khen của Thủ tướng và tặng hoa chúc mừng tập thể báo Sức khỏe&Đời sống đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Quang Hiếu

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cũng là lúc cuộc chiến chống dịch COVID-19 chuyển sang trạng thái bình thường mới. Chúng tôi - những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của báo SK&ĐS xin gửi đến độc giả những dòng cảm xúc tác nghiệp trong mùa dịch COVID-19.

Phóng viên  báo Sức khỏe&đời sống và các đồng nghiệp tác nghiệp trong giai đoạn đầu chống dịch COVID-19. Ảnh: PV

Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống và các đồng nghiệp tác nghiệp trong giai đoạn đầu chống dịch COVID-19. Ảnh: PV

Phóng viên Thiên Chương:

Cuộc săn tin chiều 29 Tết

Chiều 23/1/2020 (chiều 29 Tết), tôi đang chuẩn bị hành lý để rời TP.HCM về quê đón Tết với gia đình thì điện thoại bỗng reo vang. “Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sẽ đến BV. Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TP. HCM”. Thông báo ngắn từ một bác sĩ khiến tôi và các đồng nghiệp theo dõi mảng y tế gọi điện cho nhau hoang mang bởi không ai biết chuyện gì sắp xảy ra.

30 phút sau, mọi người có mặt tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy. Nói mọi người nhưng chắc chỉ độ 4 - 5 phóng viên bởi thời điểm này báo giấy đã không còn sản xuất, các phóng viên đã được nghỉ Tết. Vừa đến bệnh viện đã thấy Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cùng vài bác sĩ trong trang phục bảo hộ trông như những phi hành gia đi vào khu cách ly. Bên ngoài, phóng viên ngơ ngác nhìn nhau không hiểu chuyện gì. Vài phút sau, Thứ trưởng công bố “Chúng ta đã có 2 ca bệnh nCoV (sau này gọi là COVID-19) đầu tiên. Đó là 2 bố con người Trung Quốc”.

Công bố của Thứ trưởng khiến cả phòng hành chính Khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy tối 29 Tết đang im phăng phắc bỗng xôn xao. Nhiều ánh mắt lo lắng nhìn nhau. “Có thật rồi sao? Bất ngờ quá”, ai đó nói to. Thứ trưởng sau đó thông tin chi tiết: “2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt. Xét nghiệm cho thấy cả 2 đều dương tính với nCoV”.

Hơn 15 năm phụ trách tin bài mảng y tế, lăn lộn với nhiều trận dịch bệnh, trong đó có dịch cúm A/H1N1 từng khiến phóng viên mất ăn mất ngủ, song đây có lẽ là lần đưa tin đáng nhớ nhất của tôi và các đồng nghiệp. Bởi lẽ nCoV là loại virus hoàn toàn mới. Thông tin lại đến quá bất ngờ trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Vội viết tin gửi về cho Ban Thư ký tòa soạn, rồi lên mạng tìm hiểu thông tin liên quan đến nCoV. Nhìn lại đồng hồ mới giật mình tá hỏa. Chuyến xe về quê với chiếc vé khó khăn lắm mới kiếm được của tôi đã trở thành dĩ vãng. Xe lăn bánh được hơn nửa giờ. Một bác sĩ biết tin vỗ vai: “Thôi từ từ tính sau vậy. Tình hình này năm nay bọn mình coi như không có Tết rồi”.

Công bố ca bệnh xong, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chúc Tết các bác sĩ BV Chợ Rẫy và trước khi rời sang kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới, ông bắt tay từng người động viên và căn dặn: “Tôi biết anh em rất vất vả. Mọi khó khăn đang còn trước mắt. Chúng ta phải cố gắng hết sức để cứu chữa và hơn hết, phải giúp bệnh nhân người nước ngoài không bị cảm giác cô đơn”. Buổi làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới TP. HCM sau đó kéo dài đến gần nửa đêm... TP. HCM bắt đầu những ngày chống dịch. Anh em phóng viên nhìn nhau căn dặn có thông tin gì mới nhất phải alo ngay, kể cả đêm 30 hay sáng mùng 1 Tết...

Nói là ăn Tết, thế nhưng từ lãnh đạo báo đến các trưởng ban, thư ký, phóng viên, biên tập viên đều gần như túc trực trên mạng bởi báo SK&ĐS - Cơ quan Ngôn luận của Bộ Y tế lúc bấy giờ trở thành kênh chính thống cung cấp, cập nhật thông tin liên quan đến COVID-19. Không khí làm việc trong ngày nghỉ vì thế rất sôi nổi.

Ngay sau khi có những ca bệnh đầu tiên, các nhóm làm việc đã được tòa soạn thiết lập như một tiểu ban chỉ đạo chống dịch. Bạn đọc chắc ít ai biết rằng để có những thông tin mới nhất, nhanh nhất, hơn 10 người chúng tôi gần như không ngủ. Thông tin dịch bệnh trong nước và thế giới được anh chị em cập nhật bất luận ngày đêm. Có khi nửa đêm về sáng, điện thoại vẫn cứ rung hoài.

Tết COVID-19 có lẽ là cái Tết đáng nhớ nhất của tôi bởi mẹ tôi không còn thấy tôi mang máy ảnh đi chụp choẹt như mọi năm. Về đến nhà đã muộn. Vừa đến nhà đã ôm điện thoại và dán mắt vào nó. Do văn phòng đại diện phía Nam neo người, lại toàn chị em phụ nữ có con nhỏ nên mình tôi “chinh chiến”. Có khi đang cầm điện thoại thì ngủ lịm đi, máy rơi luôn vào mặt. Tự nhủ: “Thôi. Âu cũng là một kỷ niệm trong đời làm báo. Anh em bác sĩ còn vất vả hơn mình rất nhiều”.

Những ngày Tết trôi qua rất nhanh. Rời quê, tôi lên đường trở lại Sài Gòn đi chống dịch. Tâm trạng vừa háo hức vừa lo lắng. Háo hức bởi sẽ được xông pha vào bệnh viện thay vì chỉ ngồi nhà lấy tin. Lo lắng vì nhiều thông tin cho hay “COVID-19 rất dễ lây lan từ người này sang người khác”. Về Sài Gòn không lâu, ngày 4/2, tôi và các đồng nghiệp nhận tin vui đầu năm của các bác sĩ BV Chợ Rẫy. 1 trong 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 khỏi bệnh. Với cánh phóng viên, đây là thông tin rất quan trọng nên hàng trăm người làm báo đã có mặt từ rất sớm. Khu hành lang và sảnh chờ Khoa Bệnh Nhiệt đới không còn chỗ chen chân với vô số ống kính, máy ảnh của báo giới chờ sẵn. Để có được tấm ảnh đẹp, ai cũng muốn tiến đến gần bệnh nhân. Tôi cũng vậy. Không chỉ ở Chợ Rẫy mà cả ở BV Nhiệt đới, rồi các khu cách ly... Và cuối cùng, vài khung hình tôi đứng gần bệnh nhân phát trên các báo đã bị hàng xóm phát hiện.

Chuyện xảy ra khi một hôm đi làm về, thấy đám trẻ trong xóm đang nô đùa, tôi gọi lại cho kẹo. Đang phát kẹo thì mẹ của một bé xông tới lôi thằng bé đi: “Ông ấy đứng gần người bệnh. Ai cho đứng gần”. Vừa quát con, chị ấy vừa vứt mấy viên kẹo và lôi thằng bé vào nhà. Hình như trong xóm đồn nhau. Kể từ hôm đó, mỗi lần thấy tôi là mọi người tránh sang một bên. Tôi vào quán phở trước nhà. Vừa thấy tôi, mọi người vội tránh sang bàn khác. Tôi thật sự bị xa lánh. Thế nhưng tình hình càng căng thẳng hơn khi vài tuần sau đó tôi bỗng sốt và ho. Lúc này, đến lượt tôi hoang mang... Tôi nhắn vội cho các anh em tại bệnh viện và kiểm soát bệnh tật để khai báo y tế và nhờ tư vấn. Thực hiện khai báo các thông tin dịch tễ xong, tôi được lệnh cách ly tại nhà 2 tuần để theo dõi. Đang là chân đi, nhà lại bao việc. Đọc tin thấy một đồng nghiệp dương tính. Lo lại càng lo. Vậy là trong căn nhà nhỏ, tôi ở phòng riêng, lập tức phải cách ly hẳn với 2 thành viên còn lại trong gia đình. Ơn trời, sau hơn 2 tuần giam mình không tiếp xúc với bất kỳ ai, tình trạng ho sốt của tôi may mắn đã giảm dần.

Thế mới thấy làm báo ở cái mảng phải tiếp xúc gần với bệnh tật luôn ẩn chứa những nguy hiểm khôn lường. Bất cứ nơi nào có bệnh nhân hoặc nơi nào có yếu tố liên quan đến bệnh tật thì nơi đó đều có chúng tôi.

Các phóng viên phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, những ngày ca bệnh COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại nước ta.

Các phóng viên phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, những ngày ca bệnh COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại nước ta.

Nhà báo Thái Bình

Phó trưởng Ban Thời sự - Chính trị:

“Ơ, phóng viên cũng vất vả như bác sĩ nhỉ, Tết cũng phải làm việc”

6 tháng qua, kể từ khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện tại Việt Nam và những thông tin về dịch còn khá mới mẻ, tôi đã gần như không ngày nào không “cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm” với “em Vy” (tên mọi người thường gọi của COVID-19) từ hơn 5h sáng cho đến khuya.

Ngay từ trước Tết Nguyên đán năm 2020 - sáng 27 Tết, tôi đã tham gia đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra thực tiễn công tác giám sát hành khách đến từ vùng dịch COVID-19 tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Lúc đó, dịch bệnh chưa xuất hiện tại nước ta, nhưng chúng tôi đã được lãnh đạo Báo “kích hoạt” để sẵn sàng tham gia các đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch và truyền thông về công tác phòng chống dịch.

Tối 28 Tết, tôi chuẩn bị ra ga về quê ngoại ở Quảng Bình đón Tết cùng gia đình thì nhận được điện thoại của Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo, BS Tô Quang Trung hỏi thăm và chúc Tết, cùng với đó là lời “nhắn nhủ”: “Em ra Hà Nội là bắt tay vào công việc chống dịch ngay nhé!”. Và tôi đã rút ngắn lịch trình ở nhà với gia đình, tối mùng 2 Tết lên đường trở lại Hà Nội.

Tối mùng 3 Tết, khi nhận được thông tin cháu bé người Trung Quốc đến du lịch tại Hạ Long, Quảng Ninh cùng gia đình, trên đường về đến Hải Dương thì bệnh nhi bị sốt, đã được cách ly do nghi nhiễm virus Corona và chuyển lên BV Nhi TW theo dõi điều trị, tôi đã liên lạc ngay với GS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi TW để hỏi thông tin. Câu đầu tiên mà anh Hải chia sẻ với tôi: “Ơ, phóng viên cũng vất vả như bác sĩ nhỉ, Tết cũng phải làm việc”. Và rồi, có lẽ vì thương phóng viên y tế chúng tôi nên anh Hải đã chia sẻ thông tin nhiệt tình, kết nối với các y bác sĩ điều trị trực tiếp để chúng tôi có tin, bài đăng báo.

Kể từ tối mùng 3 Tết đến khoảng giữa tháng 5, tôi gần như có rất ít thời gian dành cho gia đình (hậu phương đều nhờ chồng và người thân giúp, con cũng gửi về quê suốt 2 tháng liền và cũng từng đó thời gian không được gặp con lần nào) bởi sau đó là liên miên những chuyến đi công tác. Từ điểm đầu biên giới Hà Giang đến Lạng Sơn, tiếp sau đó, chùm ca bệnh xuất hiện tại Vĩnh Phúc, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Y tế, các vụ/cục đến Vĩnh Phúc rất nhiều lần. Thậm chí, nhiều lúc cũng tủi thân vì có lần từ Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà - Vĩnh Phúc trở về, có đồng nghiệp đã hỏi: “Em đã rửa tay, thay trang phục chưa mà đã đến chỗ đông người, nhỡ lây mọi người thì sao?”, rồi cả những lời dặn của bạn bè: “Đừng bảo đi Quang Hà hay Sơn Lôi về nhá, mọi người lại cách ly đấy”. Tôi từng có cảm giác hốt hoảng khi gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn về tình trạng đau người, sổ mũi, mệt... cũng như tâm trạng hồi hộp khi đi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Chỉ đến khi có kết quả âm tính, tôi mới thở phào! Những kỷ niệm đó, suốt đời chắc tôi không bao giờ quên...

Thế nhưng nhiệm vụ công việc và say nghề nên với cá nhân tôi trong những ngày làm tin/bài về phòng chống dịch là luôn bám sát các cuộc họp “kín, mở, xa, gần, sáng, chiều, tối”, không có khái niệm ngày nào, thứ mấy và giãn cách xã hội là gì... để chuyển tải đến bạn đọc những thông tin nóng hổi, cập nhật, chính xác và có cả độc quyền ở những cuộc họp về phòng chống dịch COVID-19 của Thường trực Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, của các tiểu ban điều trị (đặc biệt là thông tin hội chẩn về tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 - báo Sức khỏe&Đời sống luôn có nguồn tin sớm nhất), tiểu ban truyền thông, tiểu ban hậu cần; là những lúc mặc bộ quần áo chống dịch nghiêm ngặt để đi vào khu vực cách ly của BV Bệnh Nhiệt đới TW, của Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, khu cách ly của trạm y tế Thanh Thủy- Hà Giang, BVĐK Vĩnh Phúc...

Kể từ khi Ban chỉ đạo chuyển hình thức thông tin về tình hình dịch bệnh theo 2 bản tin 6 giờ sáng và 18 giờ mỗi ngày, cho đến nay, đã thành phản xạ, cứ 5h30 sáng là tôi tỉnh giấc, vội vàng bật máy tính để làm sao bản tin xong sớm nhất. Và nhà báo Toàn Thắng - Trưởng ban Thời sự - Chính trị cũng phải “kích hoạt” theo lịch trình này để xuất bản bản tin nhanh nhất. Chính sự phối hợp nhịp nhàng trong công việc đã góp phần làm cho bản tin dịch của suckhoedoisong.vn luôn xuất hiện rất sớm và view cao.

Trong những tháng ngày miệt mài làm truyền thông chống dịch, mặc dù có nhiều vất vả, nhưng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo báo. Đó là khi tôi báo cáo đồng chí Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo về việc sẽ đến Sơn Lôi để đưa tin vào nửa đêm tỉnh Vĩnh Phúc dỡ cách ly cho khu vực này, sếp động viên và bảo: “Thế 2h sáng mới về thì liệu 8h30 em có sức khỏe dự họp Ban Chỉ đạo không để anh cử bạn khác hỗ trợ?”. Không ngần ngại, tôi trả lời luôn: “Sếp yên tâm, em vẫn dự họp được ạ!”. Trở về từ cuộc họp, sếp lại động viên: “Cố gắng em nhé!”.

Nhiều đồng nghiệp khác trong tòa soạn, ngoài tòa soạn... đã dành cho tôi lời động viên, chia sẻ cố gắng vượt qua nỗi nhớ con... Và còn có cả những hộp khẩu trang, những chai nước rửa tay nhanh, những dòng tin nhắn của bạn bè, người thân trong gia đình gửi đến động viên phóng viên chống dịch kèm lời dặn: “Nhớ bảo vệ mình an toàn trong dịch bệnh nhé!”. Hay những “suất cơm chống dịch” được các anh chị ở Bộ Y tế mang đến cho tôi ăn vội vàng giữa 2 cuộc họp ở giai đoạn cao điểm chống dịch...

Với tôi, đó là sự tiếp sức, là động lực để tôi miệt mài suốt những ngày làm truyền thông chống dịch..., và cũng để tôi thêm yêu nghề, tiếp tục trau dồi, rèn luyện mình. 17 năm làm phóng viên y tế, đã tham gia truyền thông nhiều đợt dịch bệnh, nhưng 6 tháng gắn bó với “em Vy” có lẽ sẽ là dấu ấn khó quên trong nghề báo của tôi.

Nhà báo Hải Yến

Phó trưởng Ban Thời sự - Chính trị:

Ngày Tết cũng được kích hoạt ở chế độ sẵn sàng, khi có lệnh là lên đường

Cuối tháng 12, đầu tháng 1,  Trung Quốc bắt đầu công bố hàng chục ca nhiễm một loại bệnh viêm phổi lạ, có nhiều người trong tình trạng nguy kịch. Sau khi nhận được thông tin, tôi là người đã đưa thông tin đó tới độc giả ở chuyên mục quốc tế trên báo điện tử suckhoedoisong.vn với suy nghĩ đây chắc là căn bệnh lạ, bệnh hiếm chưa nhận diện được. Tuy nhiên, chỉ vài  ngày sau, nỗi lo lắng thực sự về dịch bệnh bao trùm tôi và nhiều người trên thế giới. Lúc này, các nhà khoa học đã xác định được căn bệnh do virus Corona gây ra, tuy nhiên, căn bệnh chưa được đặt cho một cái tên nhưng đã có những trường hợp tử vong đầu tiên, một số quốc gia bắt đầu công bố xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh tương tự.

Trước Tết 2 tháng, tôi có hứa với các con sẽ cho chúng đi du lịch Quy Nhơn, dự kiến chúng tôi sẽ lên đường vào ngày 29 Tết. Nhưng mọi việc đã không diễn ra như kế hoạch. Vào sáng sớm 28 Tết (22/1), tôi nhận được điện thoại của trưởng ban giao tham gia đoàn công tác đêm Giao thừa do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn đi thăm và chúc Tết một số bệnh viện, đồng thời kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19. Chẳng ai ngờ được lịch trình chuyến công tác đột xuất thay đổi từng phút theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và diễn biến dịch bệnh trên thế giới. Ngay trong chiều ngày 22/1, Phó Thủ tướng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của ngành y tế với sự tham gia của các bộ ngành và các địa phương chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn và ứng phó với dịch. Theo thay đổi của lịch trình, sáng 23/1 (29 Tết), anh em phóng viên chúng tôi cùng hướng về BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 theo chân Phó Thủ tướng đi kiểm tra công tác tiếp đón bệnh nhân. Sau này, BV Nhiệt đới cơ sở 2 là đơn vị chủ lực tiếp nhận điều trị, cách ly các ca bệnh COVID-19 ở phía Bắc. Sau ngày kiểm tra, phóng viên vừa nhanh chóng lên bài cho kịp gửi thông tin tới bạn đọc, mặt khác vẫn tiếp tục “ngóng” thông tin từ Bộ Y tế, nhất là sau khi BV Chợ Rẫy xác nhận 2 cha con người Trung Quốc là những bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Kế hoạch du lịch Tết cùng các con không được như ý, tôi buộc phải từ bỏ chuyến đi tham quan và hẹn con vào một dịp khác. Nhớ lại những ngày ấy, tôi nhận ra chưa cái Tết nào đặc biệt như Tết này, chúng tôi ăn Tết mà không hề có một sự chuẩn bị gì cho gia đình. Tranh thủ chiều 29 Tết, chỉ sau khi ôm theo chiếc điện thoại để cập nhật tin tức, tôi chạy ào ra chợ, sắm sửa vài ba món thực phẩm còn sót lại của buổi chiều muộn cuối năm, cũng đủ sơ sơ để đón một cái Tết vội.

Mọi người thường bảo, đi theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “không phải chuyện đùa”. Quả đúng là như vậy, có đi mới biết Phó Thủ tướng là người có sức làm việc phi thường. Đúng 8h00 sáng ngày cuối cùng của năm âm lịch, anh em phóng viên có mặt tại BV 103, tại đây, chúng tôi phải tác nghiệp thật nhanh, khẩn cấp bởi Phó Thủ tướng bước đi rất nhanh để tới nhiều nơi nhất có thể để kiểm tra, nắm tình hình tại bệnh viện. Dù vậy, ông vẫn đi từng giường, hỏi từng người về bệnh tình và việc chăm sóc có được chu đáo, hài lòng không. Ông cũng không quên tặng quà và gửi lời chúc năm mới tới các bệnh nhân đang điều trị. Vừa xong ở BV 103, chuyến xe của Phó Thủ tướng rẽ vào xóm chạy thận ở 121 Lê Thanh Nghị hỏi thăm bà con - những người phải xa quê ở lại thành phố ăn Tết.

Những tưởng chuyến đi đã kết thúc, Phó Thủ tướng thay đổi lịch trình trong phút chốc, ông quay trở lại Bộ Y tế họp khẩn giữa nhóm kỹ thuật phòng chống dịch và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cánh phóng viên  chúng tôi lại ngồi ngoài chờ tin. Đến gần giữa trưa, phóng viên được vào tham dự cuộc họp khẩn do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. 3 anh em chúng tôi là Trưởng ban Thời sự Toàn Thắng và tôi trực tiếp có mặt tại cuộc họp khẩn đúng trong ngày cuối cùng của năm với sự hỗ trợ của Phó ban Điện tử Phạm Hiệp ở nhà. Người theo dõi, người chỉ đạo, viết thông tin chuyển về nhà, người biên tập và gần như ngay lập tức mọi thông tin cuộc họp mà đa số người dân Việt Nam quan tâm lúc bấy giờ đã lên ngay mặt báo điện tử suckhoedoisong.vn.

Mấy ngày Tết, anh em chúng tôi mất ăn mất ngủ, dõi theo tình hình dịch bệnh, chúng tôi đã được kích hoạt ở chế độ “sẵn sàng” khi có “lệnh” là lên đường. Tôi còn nhớ như in ngày mồng 3 Tết, theo chỉ đạo của lãnh đạo ban, chúng tôi lập tức sản xuất bản tin tổng hợp theo sát tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế.  Thời điểm đó, diễn biến dịch bệnh trên thế giới cực kỳ “nóng”, đặc biệt tại Trung Quốc, mỗi ngày số ca mắc bệnh tăng nhanh. Bản tin đã ra, nhưng chúng tôi gặp khó khăn lớn về nhân lực và nguồn dữ liệu cập nhật nhanh và chính xác nhất. Lúc đó, tôi tìm ra cách để giải quyết vấn đề này, một mặt chúng tôi tìm đến các trang chính thống từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, mặt khác tìm ra trang truy vết ca bệnh qua các cơ quan báo chí và các cơ quan nhà nước chính thức trên toàn thế giới.

Trong khi thế giới vẫn sục sôi bởi dịch bệnh, số ca mắc và tử vong vẫn tăng phi mã, đến ngày 26/2, toàn bộ 16/16 bệnh nhân mắc COVID-19 của Việt Nam đã công bố khỏi bệnh, 18 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng. Đến tối ngày 6/3, tôi lại nhận được cuộc gọi vào lúc 22 giờ đêm của lãnh đạo báo. Tôi được cử tới một cuộc họp cực kỳ quan trọng của UBND TP. Hà Nội tổ chức giữa đêm. Ca bệnh thứ 17 của Việt Nam là cô gái du lịch từ Anh về. Chỉ kịp dặn con ở nhà ngủ trước, mẹ đi làm, tôi phóng xe lao vào bóng đêm. Đến trụ sở ủy ban, gặp vài đồng nghiệp của các báo, ai cũng vứt xe chạy như ma đuổi, lo lỡ cuộc họp quan trọng. Anh em chỉ kịp hỏi nhau dăm ba câu về ca bệnh rồi chạy thẳng vào phòng họp. Đến 23 giờ, buổi họp báo mới bắt đầu. Bệnh nhân số 17 là cột mốc đánh dấu giai đoạn 2 của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam nên được dư luận rất quan tâm. Tại họp báo, tôi liên tục gửi thông tin cập nhật về cho các phóng viên, biên tập viên ở nhà biên tập, đẩy tin bài.

Khoảng gần nửa đêm, cuộc họp báo kết thúc. Nhìn đồng hồ, tôi phóng xe thục mạng về nhà. Đường phố vắng hoe không một bóng người, cơn gió se lạnh còn sót lại phả vào mặt, nhưng vẫn khiến tôi vui vì đã hoàn thành công việc. Về đến nhà, đồng hồ chỉ 0h15 phút - đã sang ngày hôm sau, tôi không thể gọi được mấy bác trông xe, vì chắc đã chìm vào giấc ngủ say để gửi xe máy lên nhà. Loanh quanh một hồi, nghĩ bụng chỉ còn “phương án” cuối, tôi gọi điện cho con trai xuống tầng 1. May mắn cháu chưa ngủ, hai mẹ con cùng đẩy chiếc xe máy cũ lên nhà để qua đêm...

Nhà báo Phạm Hiệp - Phó trưởng Ban Điện tử:

Chưa bao giờ tôi đón một cái Tết “thấp thỏm” đặc biệt như thế!

Dịch COVID-19 đã làm đảo lộn nếp sinh hoạt của rất nhiều người, nhiều gia đình. Tôi còn nhớ như in những ngày giáp Tết Nguyên đán, trong khi nhà nhà đi sắm sửa đón Tết thì những phóng viên trực tin bài điện tử như chúng tôi lúc nào cũng ngồi một góc khư khư ôm máy tính. Lúc ấy trong đầu chỉ có một thứ duy nhất ám ảnh - đó là “Cô Vy, Cô Vy...” (nCoV - COVID). Mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái “nhường hết” lại cho chồng và gia đình nhà chồng. Chiều 30 Tết, tranh thủ xuống ăn bữa cơm tất niên cùng gia đình nhưng hễ thấy điện thoại báo có tin nhắn là lại lao vào chiếc máy tính để cập nhật những dòng tin tức nóng hổi. Số liệu nhảy múa liên tục khiến chúng tôi nhiều phen hoa mắt, đau đầu... Bữa cơm bỏ dở, không đi chúc Tết, khách đến nhà chỉ chào hỏi được một câu rồi vội vã lên phòng làm việc. Chưa bao giờ tôi đón một cái Tết “thấp thỏm” đặc biệt như thế! Cũng may, gia đình nhà chồng cũng công tác trong ngành y nên thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả của những phóng viên y tế như tôi và tạo điều kiện hết mình cho tôi làm việc.

Ngày 23/1 (đúng ngày 29 Tết âm lịch), số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác tăng lên rất nhanh, vượt con số chục nghìn, rồi trăm nghìn... Hàng ngày, hàng giờ cập nhật con số từ tâm dịch Vũ Hán tăng lên chóng mặt khiến chúng tôi đứng ngồi không yên, nhưng cũng chính vì thế mà càng ý thức được hơn nữa trách nhiệm của một người làm báo đưa tin nhanh chóng, chính xác nhất đến bạn đọc. Tết này, ngành y xuyên Tết chống dịch và những người làm báo cũng xuyên Tết chống dịch cùng ngành y.

Sau Tết, cuộc sống lẽ ra sẽ nhộn nhịp trở lại, khởi động một mùa lễ hội của “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhưng năm nay thì khác. Chúng tôi lên Hà Nội sớm hơn dự kiến, nhưng được 1 tuần, Hà Nội cho học sinh nghỉ học chống dịch. Không biết xoay xở ra sao vì công việc thì nhiều, con cái không ai trông, hai vợ chồng lại gửi con ngược về quê ngoại để chuyên tâm cho công việc. Tôi còn nhớ sáng sớm thứ 7 ấy, đang chuẩn bị về quê thăm con thì nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Báo, tôi vội vàng đến trụ sở Chính phủ để họp gấp về tình hình dịch bệnh. Một cuộc họp khác liên quan đến vấn đề truyền thông cũng được triệu tập để làm sao bản tin COVID-19 cập nhật mới nhất, nhanh nhất, đảm bảo thông tin đầu nguồn chính xác nhất cho các cơ quan báo chí. Những ngày tháng chống dịch quên ăn, quên ngủ, các phóng viên phải túc trực từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Guồng xoáy công việc bận rộn giúp tôi quên đi nỗi nhớ con, nhưng mỗi đêm về, nhìn thấy ảnh kỷ niệm facebook nhắc lại, tôi lại trào nước mắt. Chưa bao giờ tôi xa con đằng đẵng hơn 2 tháng trời, bao trùm nỗi nhớ nhung như thế. Nhiều lần lỡ hẹn về thăm con, tôi chỉ biết nói với con: “Hết cách ly mẹ sẽ nhanh về, con ở nhà nhớ nghe lời ông bà nhé”...

BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới TW là những điểm nóng chống dịch COVID-19. Nhà tôi lại ngay gần BV Bạch Mai, những ngày cách ly toàn bộ BV Bạch Mai khiến ai nấy đều ái ngại, thậm chí không muốn đi qua cổng BV. Chúng tôi vẫn tích cực thu thập các thông tin từ trong khu cách ly của BV bằng mọi kênh liên lạc để người dân thấy rõ được cuộc sống không hề tĩnh lặng trong khu cách ly. Các y bác sĩ vẫn đang căng mình cứu chữa cho các bệnh nhân. Tại BV tuyến đầu chống dịch là BV Bệnh Nhiệt đới TW, sự khẩn trương chiến đấu với dịch bệnh rõ nét hơn bao giờ hết. Sau rất nhiều nỗ lực, các bác sĩ cứu chữa thành công cho gần như tất cả các ca bệnh. Bệnh nhân nặng nhất miền Bắc là BN19 cũng đã vượt cửa tử để trở về cuộc sống đời thường mà trước đó không ai dám nghĩ đến. Để khắc họa rõ nét việc cứu chữa thành công BN19 với 3 lần ngừng tim, dọa tử vong, cứu chữa rất vất vả sau hơn 40 phút ép tim liên tục mới tái lập tuần hoàn cho người bệnh..., tôi đã vào điểm nóng BV Bệnh Nhiệt đới TW để tác nghiệp nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về những cống hiến hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng

Phó trưởng Ban Điện tử:

Tôi bật khóc khi trao đổi thông tin với cán bộ y tế Hà Giang

Tôi gửi con mỗi đứa về một quê để trực dịch, những ngày Tết khi về quê chồng ăn Tết cũng suốt ngày “cắm” mặt vào máy tính. Mới đầu mọi người cũng thông cảm, nhưng thấy làm nhiều quá, mọi người nghĩ là ham chát chít.

Khi mình nói là rất bận, phải trực dịch cập nhật thông tin thì cũng không ai tin vì cho rằng “Làm gì đến mức ấy, làm thì phải có lúc nghỉ ngơi chứ” nhưng sự thực thì nghĩ lại quãng thời gian ấy rất “sợ”. Tuy nhiên,  với tôi, đó lại là những kỷ niệm vui không phải ai cũng có được. Kỳ nghỉ Tết của tôi cũng vì đó mà rút ngắn lại. Bởi tôi dự định lên Hà Nội vào tối ngày mùng 5 Tết nhưng do thấy tình hình công việc rất nhiều nên tôi đã lên từ mùng 3 Tết để làm việc. Nhóm trực tin chúng tôi đều đặn dậy từ 5 giờ sáng và thường đi ngủ vào lúc 12 giờ đêm trong nhiều ngày liền. Đến nỗi nhiều đồng nghiệp mắt bị mỏi điều tiết, đau mỏi vai gáy vì cường độ ngồi máy nhiều. Có khi chỉ chạy ra ăn miếng cơm 5 phút mà vào thông tin đã thay đổi liên tục, tin tức cập nhật về ùn ùn.

Những ngày trực dịch, chúng tôi ôm máy tính, điện thoại nhiều hơn ôm con. Đêm nằm ngủ để chuông báo thức nhưng thỉnh thoảng giật mình thảng thốt vì sợ muộn giờ cập nhật tin tức... Các chat inbox với số lượng dày đặc “ting, ting” ngày đêm từ thông tin cập nhật của các đồng nghiệp, các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Báo hay là đồng nghiệp trao đổi với nhau làm cách nào hay nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất đến với bạn đọc...

Đối với cá nhân tôi, mùa COVID này, tôi ấn tượng và thấy may mắn nhất là được đi dọc biên giới Móng Cái, Quảng Ninh để viết về những người lính biên phòng căng mình chống dịch. Họ phải căng bạt cạnh suối, dầm mình dưới trời mưa, đốt củi để sưởi ấm giữa trời biên cương lạnh giá, ăn mì tôm thay cơm để “chốt chặt” đường mòn, lối mở tránh dịch xâm nhập nước ta.

Tôi cũng đã khóc thật sự khi được phỏng vấn và trao đổi thông tin với những cán bộ CDC Hà Giang ở Pín Tủng, Đồng Văn - nơi có bệnh nhân 268. Tôi không được trực tiếp đến, nhưng tôi được xem các video trực tiếp họ gửi về, được nghe họ trải lòng về công việc họ làm. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn và làm tốt hơn công việc của mình.

Nhà báo Anh Văn

Trưởng ban Bạn đọc - Y tế địa phương:

Chúng tôi không sợ COVID-19

Sau Tết ông Công, ông Táo (23/12 âm lịch), khi phố phường đã tấp nập người ra đường nô nức mua sắm chuẩn bị đón Tết Canh Tý là lúc thông tin của dịch bệnh bắt đầu xuất hiện với tần suất dày đặc hơn trên báo SK&ĐS và báo điện tử suckhoedoisong.vn. Ngay từ khi đó, tôi đã dự cảm một kỳ nghỉ Tết khó có thể trọn vẹn. Quả thật, thông tin từ các đồng nghiệp cập nhật chiều 30 Tết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế về phòng chống dịch, cho thấy tính cấp bách của phòng dịch và sự cảnh giác, tập trung cao độ của Chính phủ về đại dịch này khi nó vẫn ở ngoài biên giới nước ta.

Khi đó, tôi đã chuẩn bị tâm thế “đón dịch” cùng với Tết. Sáng mùng 2 Tết, tin nhắn chúc mừng năm mới từ Phó Tổng biên phụ trách Báo đến máy điện thoại, sau chúc sức khỏe là lời động viên chiều lên dự họp và đưa tin ngay về cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì tại phòng họp của Bộ Y tế. Kể từ ngày đó cho đến nay, khi chúng ta đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, các phóng viên, cộng tác viên Ban Bạn đọc - Y tế địa phương của chúng tôi luôn có mặt tại các điểm nóng, đưa tin kịp thời về công tác chống dịch tại địa phương. Thông tin trung thực, chính xác về dịch bệnh là điều chúng tôi luôn xác định và thật tự hào khi niềm tin của bạn đọc cả nước dành cho báo SK&ĐS trong nhiều năm qua và nhất là suốt mùa COVID -19.

Chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ đưa tin nhanh, kịp thời đến bạn đọc nếu thiếu đi sự đồng hành của các thầy thuốc - những cán bộ y tế cơ sở trên khắp mọi miền đất nước. Tôi vẫn còn nhớ lời nói chắc nịch của một cán bộ y tế cơ sở quận Đống Đa, Hà Nội khi tôi có mặt đưa tin về buổi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân xung quanh BV Bạch Mai. Từ đêm hôm trước, trời Hà Nội đã đổ mưa và rét, các anh, chị đã có một đêm thức trắng để chuẩn bị lều bạt, dụng cụ y tế cho sáng hôm sau bắt đầu lấy mẫu. 7h00 sáng ngày 31/3, tại một trường phổ thông trên địa bàn, công tác chuẩn bị đã xong, mưa vẫn nặng hạt, ai cũng âu lo nặng trĩu. Xóa đi bầu không khí nặng nề, tôi hỏi vội một câu với cán bộ y tế ngồi cạnh: Lấy mẫu xét nghiệm nhanh có nguy hiểm và sợ không anh? Quay sang tôi như nhìn một sinh vật lạ, người cán bộ y tế đến hôm nay tôi vẫn chưa biết tên trả lời: “Chúng tôi không sợ!”. Câu trả lời ngắn gọn của anh như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi - những người làm báo y tế!

Người dân phố Trúc Bạch, Hà Nội vui mừng dỡ hàng rào cách ly.

Người dân phố Trúc Bạch, Hà Nội vui mừng dỡ hàng rào cách ly.

Nhà báo Từ Thành

Phó ban Bạn đọc - Y tế địa phương:

Tự hào là phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống

Khi dịch COVID-19 xuất hiện là phóng viên thường trú của báo SK&ĐS thường trú tại khu vực Bắc Trung Bộ, bản thân tôi luôn bám sát, phản ánh kịp thời công tác chống dịch của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tinh thần khẩn trương “chống dịch như chống giặc”.

Tận mắt chứng kiến việc những chiến sĩ trên tuyến đầu không quản ngày đêm, gian khổ, hiểm nguy “gồng mình” chống “giặc COVID-19”, bản thân tôi đã trăn trở, suy nghĩ phải chuyển tải thông tin nhanh nhất ra tòa soạn về hoạt động chống dịch của địa phương.

Ngày đầu khi sát cánh cùng các thầy thuốc, bản thân tôi cũng hơi “run”, nhưng trực tiếp lăn lộn với chiến sĩ áo blouse trắng, chiến sĩ quân hàm xanh, quân hàm đỏ, tôi thấy vững tin hơn. Sau mỗi lần “đứa con tinh thần” của mình được đăng tải, bản thân thấy hạnh phúc vô cùng bởi vì đã góp được một phần sức lực bé nhỏ của mình cùng sẻ chia với những hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo blouse trắng trên mặt trận không tiếng súng.

Là Phó ban Bạn đọc - Y tế địa phương, trong thời điểm căng thẳng của dịch COVID-19, theo dõi sát từng bước chân của cán bộ y tế, bản thân đã được chứng kiến các cuộc hội thoại trực tiếp của người dân cũng như cán bộ y tế: Vào báo SK&ĐS xem diễn biến của dịch ngay đi! Truy cập ngay vào suckhoedoisong.vn xem có thông tin chỉ đạo mới từ Bộ Y tế không? Tình hình dịch của địa phương bạn ra sao? Số ca nhiễm mới thế nào? Tất cả những câu nói đó của người dân và cán bộ y tế địa phương khi nói về báo SK&ĐS giúp tôi thêm tự hào và điều đó khẳng định rằng: Báo Sức khỏe&Đời sống đã có vị trí vững chắc trong lòng bạn đọc.

Nhà báo Hà Văn Đạo

Phó ban Bạn đọc - Y tế địa phương, thường trú Khánh Hòa và Tây Nguyên:

Tập trung cao độ cho công việc

Ngay khi có tin tức đầu tiên về dịch COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán, lại hoạt động thường xuyên ở địa phương có hàng chục bãi tắm đẹp quanh Vịnh Nha Trang, hàng trăm tụ điểm vui chơi, giải trí, có Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), mỗi ngày đón hàng trăm khách Trung Quốc nên tôi luôn sẵn sàng với những tình huống bất ngờ khi dịch bệnh xảy ra.

Đến giờ này, tôi vẫn nhớ như in lời động viên và chia sẻ của BS. Tôn Thất Toàn - Phó GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa: Ở cuộc chiến chống COVID-19, báo Sức khỏe&Đời sống là cơ quan truyền thông luôn được chúng tôi tin tưởng tuyệt đối để chuyển tải thông tin chính xác nhất của hoạt động chống dịch đến nhân dân. Còn nhớ, ngày 1/2/2020, khi có thông tin từ ngành y tế địa phương thông báo có bệnh nhân đầu tiên dương tính đầu tiên, tôi đã có mặt ở đường Tôn Đản (TP. Nha Trang) - nơi lễ tân làm việc rồi nhiễm bệnh và Khu cách ly BV Nhiệt đới Khánh Hòa để ghi nhận không khí khẩn trương, cẩn trọng, quyết liệt chống dịch tại các địa điểm này.

Khi dịch bệnh có nguy cơ xảy ra ở nhiều địa phương, phóng viên nhanh chóng có mặt ở khu vực dễ phát sinh bệnh là vùng sâu Tây Nguyên để cập nhật kịp thời tình hình phòng chống dịch cũng như sự nhọc nhằn của các nhân viên y tế bám từng buôn để vận động sự thay đổi ý thức của mỗi người với bản thân và cộng đồng khi biết giữ vệ sinh chung, biết quan tâm đến sức khỏe, biết rửa tay và đeo khẩu trang đúng cách, biết chủ động đến các chốt đo thân nhiệt, biết tìm đến cơ sở y tế khai báo khi có triệu chứng nghi ngờ.

Tập trung cao độ trong công việc, đi lại liên tục các điểm cách ly, điều trị để lấy thông tin, những ngày sau đó, diễn biến của tình hình dịch bệnh trên địa bàn luôn được thông tin phản ánh kịp thời, trên báo điện tử suckhoedoisong.vn cho dù vẫn đang là ngày nghỉ Tết.

Những ngày dịch bệnh căng thẳng, nhiều lần tác nghiệp xong, chúng tôi rời khỏi các khu cách ly ra về khi đêm đã muộn, nhưng hình ảnh đọng lại sâu sắc nhất, cảm phục nhất là những “chiến sĩ” áo trắng vẫn trắng đêm kiểm tra, giám sát người nhiễm và nghi nhiễm. Bởi vậy, phóng viên cũng luôn trong trạng thái mong dịch bệnh sớm được dập tắt.

Lãnh đạo và phóng viên, biên tập viên Báo SK&ĐS thảo luận, triển khai bản tin COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: PV

Lãnh đạo và phóng viên, biên tập viên Báo SK&ĐS thảo luận, triển khai bản tin COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Ảnh: PV

Phóng viên Phạm Quỳnh

Ban Văn hóa văn nghệ

Lính văn hóa đánh trận kép

Là phóng viên theo dõi đời sống văn hóa văn nghệ, song trong đại dịch COVID-19, tôi đã được lãnh đạo báo tin tưởng giao nhiệm vụ cùng một số đồng nghiệp thực hiện đưa thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, Ban Biên tập đã tin tưởng điều động thực hiện nhiệm vụ đưa thông tin, bài viết, các hình ảnh chính thống từ cơ quan chức năng lên trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (tên miền https:// ncov.moh.gov.vn) của Bộ Y tế. Tại đây, tôi được lãnh đạo trang tin giao nhiệm vụ đưa tin tại các chuyên mục: Chỉ đạo điều hành, Khuyến cáo, Hỗ trợ trong ngành, Tin tức, cập nhật số liệu về ca mắc mới, ca bình phục và tử vong.

Ròng rã 6 tháng, đều đặn từ 5h30 sáng đến khuya, việc cập nhật số liệu các ca mắc mới, khỏi bệnh, tử vong do dịch COVID-19 trên trang tin được tôi thực hiện liên tục. Nhiều lúc mệt, tôi gục đầu thiếp đi bên cạnh chiếc laptop, rồi chợt giật mình tỉnh giấc và dán ngay mắt vào màn hình máy vi tính. Đặc biệt, đợt thực hiện giãn cách xã hội, dù làm ở nhà và ở cạnh con nhỏ mới 2 tuổi nhưng tôi cũng không thể dứt khỏi máy tính, điện thoại để chơi cùng con. Có lúc con đòi chơi, đòi bế nhưng cũng không thể buông việc, đành nựng lại con: “Làm xong bố kể chuyện Rùa và Thỏ cho nghe nhé, rồi bố cho đi mua đồ chơi”. Một thời gian dài vợ nấu cơm xong, dọn ra chờ sẵn nhưng lúc đó có thông tin mới, tôi cũng không thể ngồi ăn cùng. Câu nói: “Em ăn trước đi, anh dở việc chút rồi ăn sau” dường như trong thời điểm tháng 2, 3/2020 đối với vợ tôi đã trở thành “bài ca đi cùng năm tháng”.

Để hoàn thành nhiệm vụ, tôi thường xuyên trao đổi thông tin với các đồng nghiệp trong báo SK&ĐS để rà soát các số liệu, xây dựng những infographic với những thông tin chi tiết, cụ thể về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam cũng như thế giới. Một thời gian dài, việc thông tin chi tiết ca mắc mới ở Việt Nam, ca khỏi bệnh của từng quốc gia/vùng lãnh thổ theo khung thời gian được tôi cập nhật 2 tiếng/lần là một áp lực lớn đòi hỏi rất cẩn thận, tỉ mỉ và kiên trì.

Thông tin về dịch bệnh, các con số liên quan về COVID-19 tại Việt Nam được tôi cập nhật thường xuyên, liên tục từ các nguồn tin do các cơ quan chuyên môn Bộ Y tế cung cấp bất kể thời gian nào. Có lúc đi giữa đường về nhưng có ca bệnh, điện thoại rung bần bật ở túi quần, tôi tấp ngay vào lề đường để “chiến” ngay tại chỗ. Làm mãi rồi cũng quen, về sau tôi xử lý “nhanh - gọn - nhẹ” hơn song vẫn đảm bảo hướng chỉ đạo của Ban Biên tập trang tin đề ra.

Hiểu rõ vai trò là lính thông tin trên mặt trận chống “giặc COVID-19”, tôi cũng liên tục có các bài viết, tin tức, hình ảnh về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế liên quan đến dịch bệnh đăng trên trang sự kiện - chuyên đề COVID-19 của báo điện tử suckhoedoisong.vn từ đầu năm 2020. Nhiều bài viết, tin tức về các văn nghệ sĩ có tác phẩm mới về COVID-19, nghệ sĩ kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch; bài hát, tranh ảnh, sách báo thể hiện sự tri ân, biết ơn các lực lượng chống dịch như quân đội, công an, bộ đội biên phòng... đã góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn, nhấn mạnh thêm quyết tâm chiến thắng đại dịch và ý chí “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong tình hình bình thường mới hiện nay, tôi vẫn tiếp tục thực hiện các tin, bài về dịch COVID-19 trong phạm vi chuyên môn và công việc được giao, ở cả hai mặt trận là trang tin trên Bộ Y tế và báo SK&ĐS. Có những khoảng lặng nhiều lúc khiến xúc cảm vỡ òa và nó đã giúp tôi vượt lên tất cả để góp sức nhỏ bé của mình trên trận tuyến thông tin truyền thông về dịch COVID-19.


Nhóm PV SK&ĐS
Ý kiến của bạn