Được thời
Sự phát triển của các nền tảng số cho phép đưa tác phẩm lên mạng phục vụ khán giả, nhiều năm trở lại đây, web drama đã khá phát triển ở Việt Nam. Nhiều dự án web drama còn được phát triển thành phim điện ảnh ăn khách như Bố già, Thập Tam Muội, Ai chết giơ tay, Ba ngày sinh tử… Đại dịch COVID-19 thời gian qua ở nước ta, đến nay càng khiến nhu cầu và thói quen giải trí trên mạng tăng và đây là thời cơ để web drama vươn mình.
Do dịch bệnh, tình hình sản xuất phim điện ảnh, phim truyền hình càng khó khăn hơn, thực tế nhiều dự án phim đã phải lùi thời điểm bấm máy hoặc ngưng chiếu rạp đã khiến cho các nhà làm phim điêu đứng. Nhưng với web drama có dung lượng vừa phải, dễ dàng hơn trong việc xây dựng kịch bản và sản xuất nhanh, khi chiếu trên mạng lại không bị kiểm duyệt như phim chiếu rạp hoặc truyền hình thì dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhiều. Vì thế thể loại này đã tạo ra “sân chơi mới” cho nhiều nghệ sĩ - kể cả những tên tuổi đã ăn khách.
Nhiều web drama gầy đây chiếu trên mạng nhưng không có tác phẩm để lại dấu ấn.
Gần đây, trên Youtube, khán giả đã được thưởng thức hàng loạt web drama, có thể kể đến những tác phẩm với lượng người xem từ vài trăm nghìn đến cả triệu như: Gia đình Cục Súc, Bí mật 69, Mẹ chồng nàng dâu, Cô giáo tôi là trùm cuối, Phố Hoa kiều - Chuyện xóm đào, Tương sinh tương khắc... Hầu hết các web drama đều là những tác phẩm hài, có sự tham gia sản xuất và diễn xuất của những gương mặt điện ảnh được yêu thích như Huy Khánh, Võ Tấn Phát, Minh Dự, BB Trần, Đại Nghĩa, Mạc Văn Khoa, Hoàng Mèo, Tân Trề... Nhiều web drama lọt top trending của Youtube, được nhiều khán giả chú ý. Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, sự ra đời của các web drama gần đây được đánh giá đã giải được cơn khát thưởng thức văn hóa - giải trí với một lượng người xem nhất định.
Thiếu dấu ấn
Web drama đã, đang được giới trẻ và các nghệ sĩ Việt Nam ngày càng ưa chuộng bởi họ có thể thỏa sức sáng tạo với công cụ làm phim đôi khi chỉ là một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, làm hậu kỳ đơn giản hơn so với điện ảnh truyền thống. Chi phí sản xuất rất thấp, vài chục triệu là đã có thể sản xuất phim.
Trở lại với thực tế kể trên, dù có lượt xem cao và đem đến tính giải trí cho khán giả, tuy nhiên đa số các web drama ra mắt gần đây không được đánh giá cao vì nội dung nhạt. Chẳng hạn Gia đình Cục Súc chọc cười người xem bằng những chuyện nhạy cảm như chọc đùa giới tính, giả gái, chuyện phòng the... Bí mật 69 tuy được khán giả có cảm tình vì xây dựng nội dung về tình phụ tử nhưng lại mất điểm vì các diễn viên chính nhại giọng người bị tật cà lăm, vẫn có nhân vật nam giả gái để chọc cười…người xem.
Tương tự, các web drama Mẹ chồng nàng dâu, Cô giáo tôi là trùm cuối, Phố Hoa kiều - Chuyện xóm đào, Tương sinh tương khắc không có gì nổi bật, nội dung không mới như nhận xét của một nhà biên kịch giấu tên “các phim này hầu hết có nội dung thiếu đầu tư nên xem xong trôi tuột. Phần lớn đều có cách dàn dựng còn sơ sài, diễn xuất gượng ép, vụng về, thậm chí phản cảm”.
Theo NSND Hồng Vân, khán giả hiện nay đã có sự chuyển hướng về nhu cầu thưởng thức, đó là những gì gần gũi, rất thật, đi vào giới bình dân nhất của xã hội. Yếu tố hài, tình huống đưa vào web drama phải đẩy lên nghịch lý nhưng cân đong đo đếm sao cho không bị lố. Trong khi đó, diễn viên - đạo diễn Huỳnh Lập của nhiều web drama đình đám đánh giá đây là thời điểm phim chiếu mạng trở thành một trong những món ăn tinh thần giải trí thiết thực. Tuy nhiên, quá nhiều web drama ra cùng lúc chắc chắn có sự thoái trào vì có quá nhiều sự lựa chọn. Người nghệ sĩ ngoài làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả cần phải định hướng tạo ra thị hiếu cho khán giả.