Nhật-Mỹ đối phó với hành vi gia tăng vũ lực tại Biển Đông và Hoa Đông

24-04-2015 09:59 | Quốc tế
google news

Đây là điểm mới trong Chính sách an ninh Nhật-Mỹ mới sẽ được thống nhất trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ công du tới Mỹ từ ngày 26/6-3/5. Đây là chuyến thăm dài ngày nhất của ông Abe tới Mỹ, và dự kiến ông cũng có sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Mỹ, khẳng định vai trò đồng minh Nhật-Mỹ đối với hòa bình ổn định của khu vực và thế giới. Điều này, theo các nhà phân tích sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới từng nước liên quan và khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ công du tới Mỹ từ ngày 26/6-3/5 (ảnh: AP)

Ảnh hưởng tới nhận thức lịch sử trong quan hệ Nhật-Hàn

Theo các nhà phân tích, việc Thủ tướng Abe sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ khiến cho dư luận mong đợi rằng hai nước sẽ có những bước đi cụ thể như thế nào đối với những điểm nóng trên thế giới, trong đó có vấn đề Biển Đông và Hoa Đông.

Ông Kent Calder-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á Reischauer tại Đại học Johns Hopkins, Washington cho rằng chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Nhật Bản sẽ ảnh hướng tới nhiều vấn đề trong đó có vấn đề nhận thức lịch sử trong quan hệ Nhật-Hàn

Theo ông Kent Calder, những vấn đề còn tồn tại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc như vấn đề nô lệ tình dục không có ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ Nhật-Mỹ, tuy nhiên, phản ứng của Mỹ là phản ứng có hiệu ứng trên toàn cầu, do vậy Mỹ vẫn phải có quan điểm về những vấn đề này.

Đa số người dân Mỹ không có ý kiến về những gì liên quan tới quan hệ Nhật-Hàn, nhưng trong buổi phát biểu tại Quốc hội Mỹ, nếu như ông Abe có những phát ngôn rõ ràng về thời kỳ chiến tranh trong quá khứ thì có thế sẽ nhận được sự hoan nghênh lớn. Do vậy, mỗi thỏa thuận của hai nguyên thủ đạt được hay chưa đạt được đều có ảnh hưởng ít nhiều tới từng nước liên quan và khu vực.

Liên minh đối phó vũ lực tại Biển Đông và Hoa Đông

Để chuẩn bị cho cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm Mỹ của ông Abe lần này, chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã thống nhất về những nội dung mới trong chính sách hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ được quyết định trong cuộc gặp.

Trong bối cảnh hiện tại, nội dung mà tập trung sự chú ý của dư luận đó là việc Nhật-Mỹ sẽ tăng cường liên kết nhằm đối phó lại với những hành vi vũ lực mang tính uy hiếp và gia tăng sức mạnh quân đội của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực này, đặc biệt tại Biển Đông.

Chính sách an ninh Nhật-Mỹ mới này được thông qua thể hiện tính thống nhất giữa chính phủ của Ông Abe và các đảng đối lập trong vấn đề an ninh Biển.

Cụ thể Nhật-Mỹ sẽ cùng nhau đối phó với những tình huống khẩn cấp, đầu tiên là hành động xâm phạm đối với khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và hành động tăng cường quân sự ở khu vực các đảo Tây Nam Nhật Bản của Trung Quốc.

Quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc- Nhật Bản Sensaku/Điếu Ngư (Ảnh: AFP)

Hai nước cũng sẽ tham gia hoạt động tuần tra chung tại khu vực này. Đây là điểm mới so với chính sách an ninh trước kia chỉ đề cập tới việc hai nước sẽ điều chỉnh kế hoạch tác chiến trong trong trường hợp có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Nội dung mới trong chính sách an ninh mới Nhật-Mỹ cũng nói rõ ràng rằng hợp tác Nhật-Mỹ cũng sẽ được tăng cường ở mức cao nhất khi tình hình căng thẳng mang tính quân sự giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc ở mức báo động.

Trong trường hợp quyền lợi và sinh mệnh của người dân Nhật Bản có nguy cơ bị đe dọa, dựa trên quyền phòng vệ tập thể, quân đội Nhật Bản có thể sẽ tiến hành cùng quân đội Mỹ trong việc đối phó với nguy cơ làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân Nhật Bản.

Như vậy, việc hai nước đạt được thỏa thuận trên có thể lại gây phản ứng cho Trung Quốc, song đó cũng là điều cần thiết khi có những hành vi đơn phương, bất chấp Luật pháp quốc tế gây tổn hại tới an ninh khu vực và thế giới.

Giải quyết khúc mắc trong kinh tế

Trong chuyến thăm lần này, nguyên thủ hai nước cũng sẽ bàn về vấn đề liên quan tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang còn tồn tại một số khúc mắc. Sau nhiều cuộc tiếp xúc, gần đây nhất là cuộc gặp giữa trưởng đại diện đàm phán TPP hai nước cho thấy hy vọng cho ký kết TPP song phương ngày càng sáng sủa hơn.

Ngày 21/4, phát biểu trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh rằng khoảng cách giữa hai bên đã được rút ngắn khá nhiều. Tuy còn có vấn đề khúc mắc, song cần phải điều chỉnh dần”. Hy vọng sau cuộc gặp lần này, thương lượng tiếp theo tiến tới ký vào TPP giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama  (ảnh: CNN)

Nhật Bản cũng sẽ tham vấn Mỹ về việc Nhật Bản tham gia, hay không tham gia vào Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu á (AIIB) do Trung Quốc đề xướng. Tới thời điểm hiện tại đã có nhiều nước đã đăng ký tham với tư cách là thành viên sáng lập AIIB như Anh, Đức, Nga, Brazil, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, đến nay Mỹ và Nhật vẫn chưa quyết định tham gia hay không, và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự “tồn tại” của AIIB sau này.

Trong khi đó, Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc phải giải thích rõ tính minh bạch trong hoạt động của Ngân hàng, phương thức cho vay cụ thể đối với hoạt động cho vay.

Trong trường hợp Nhật Bản đồng ý tham gia vào Ngân hàng này sẽ phải chi khoảng 360 tỷ Yên (tương đương với 3 tỷ USD) cho quỹ ban đầu. Tuy nhiên, Nhật Bản đang lo ngại về tính minh bạch của Ngân hàng này, thêm vào đó nước đồng minh là Mỹ cũng đang nghi ngờ về khả năng của Ngân hàng này.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết nước này sẽ không tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu với tư cách thành viên sáng lập.

Đây không phải lần đầu ông Abe tới Mỹ, nhưng chuyến công du lần này không chỉ đơn thuần với mục đích tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, mà còn có mục đích tạo sự ảnh hưởng lớn hơn của từng nước đối với thế giới.

 

 

 


Ý kiến của bạn