Nhật ký từ "tâm dịch" ngày 13/8: Đà Nẵng truy vết và tổ chức xét nghiệm hết người dân có liên quan đến BV Đà Nẵng

13-08-2020 18:57 | Tin nóng y tế

SKĐS - TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn, phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hoàn thành việc truy vết và tổ chức xét nghiệm hết danh sách người dân có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng (người bệnh, người nhà bệnh nhân, người thăm bệnh...).

Suckhoedoisong.vn tiếp tục cập nhật...

Đồng thời, tăng cường xử phạt hành chính theo thẩm quyền các hành vi vi phạm Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Các lực lượng của Đà Nẵng đã xử lý 121 trường hợp vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19, chủ yếu tập trung vào các hành vi như: tụ tập đông người, bán hàng rong, không đeo khẩu trang, với tổng số tiền xử phạt hơn 200 triệu đồng.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã yêu cầu Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp chủ trì phối hợp với các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố, kiểm tra chặt chẽ tình hình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người lao động, đề xuất Chủ tịch UBND thành phố quyết định theo quy định.

* Doanh nghiệp duy trì sản xuất an toàn trong dịch COVID-19

Chiều 13/8/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty Cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước và Công ty Foster Việt Nam (FVD). Cùng đi với đoàn có lãnh đạo Khu Công nghệ cao, Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng.

Báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bà Nguyễn Phi Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết, công ty hiện có 2.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi năm của công ty là 100 triệu USD, top 5 công ty lớn nhất về tôm của Việt Nam.

Công ty đã sớm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và nơi sản xuất của công ty là chế biến thực phẩm nên ban lãnh đạo công ty đã quyết tâm thực hiện sớm các biện pháp phòng chống dịch. Thực hiện khai báo y tế cho toàn bộ công nhân, đo thân nhiệt ra, vào cổng… Bữa ăn trưa của công nhân công ty được chia nhỏ, thực hiện giữ đúng khoảng cách, không tập trung đông người, trang bị khay ăn riêng…

Công ty có 90 lao động ở trong khu phố phong tỏa, bị cách ly, đã tiến hành lập danh sách, khai báo y tế, cho tạm nghỉ 14 ngày, khi có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận hoàn thành cách ly của địa phương, công nhân mới đi làm trở lại. Bà Nguyễn Phi Anh đề nghị: Y tế Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ công nhân và công ty sẵn sàng chi trả chi phí này để bảo vệ người lao động.

Đến thăm và làm việc với Công ty Foster (FVD), Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã trực tiếp kiểm tra nơi làm việc, phòng y tế, khu nhà ăn của công ty. Báo cáo với Thứ trưởng, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty cho biết, là đơn vị sản xuất tai nghe iphone cho Công ty Appele, hiện đang có 1.000 lao động làm việc. Phòng chống dịch COVID-19 chủ động giãn cách trong quá trình sản xuất, ưu tiên việc bảo vệ sức khỏe cho công nhân, không tập trung đông người tại nơi làm việc, đo thân nhiệt cho công nhân 2 lần/ngày. Nhờ các biện pháp quyết liệt và chủ động trong phòng chống dịch đến nay Công ty FVD duy trì ổn định sản xuất, vừ thực hiện chống dịch hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh.

Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, ông Nguyễn Chí Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, hiện có 490 doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp với khoảng 77.000 lao động. Số lượng lao động lớn nên Ban Quản lý đã xây dựng các kế hoạch và phối hợp tốt với ngành y tế để triển khai các biện pháp phòng chống dịch an toàn, hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu duy trì sản xuất ổn định.

Kết luận tại các buổi làm việc ở 2 Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước và Công ty Foster (FVD), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, biểu dương 2 công ty đã chủ động trong công tác phòng chống dịch, bám sát các yêu cầu của ngành y tế, thực hiện đúng giãn cách tại nơi làm việc, có đeo khẩu trang, trang bị nước rửa tay…

Thứ trưởng Nguyễn Trường đề nghị các công ty phải thực hiện đúng Bộ tiêu chí hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, thường xuyên kiểm tra, tự chấm điểm và đánh giá rồi về ngành y tế. Đồng thời, Ban Quản lý Khu công nghệ cao phải thẩm định, kiểm tra đột xuất để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm nêu có sai sót.

* Thêm 12 người khỏi bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam

Cảm xúc của BS. Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc TTYT Hòa Vang, trong ngày công bố 10 bệnh nhân khỏi bệnh.

10h sáng nay 13/8, BVĐK TW Quảng Nam công bố 2 ca khỏi bệnh là BN716 và BN719 sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 3.

Bệnh nhân 716 (nữ) , 42 tuổi, ngụ tại TT.Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vào ngày 6/8 sau khi có kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với COVID-19. Sau 1 tuần điều trị từ ngày 6/8-13/8 bệnh nhân cho kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân 719 (nam) 28 tuổi, Thăng Bình, Quảng Nam. Bệnh nhân vào viện ngày 6/8 cùng ngày với bệnh nhân 716. Sau 1 tuần điều trị từ ngày 6/8-13/8 bệnh nhân cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 4 đảm bảo đủ các điều kiện công bố khỏi bệnh theo quy định.

2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại BVĐK TW Quảng Nam.

Cũng tại thời điểm này, TTYT Hòa Vang, Đà Nẵng công bố 10 ca khỏi bệnh gồm: BN466, 469, 495, 555, 581, 638, 682, 685, 665, 730. Như vậy, đến hôm nay (tính từ 25/7) đã có 15 bệnh nhân điều trị khỏi COVID-19.

Các bệnh nhân có độ tuổi trong khoảng từ 1 tuổi đến 66 tuổi. Trong đó, có 8 bệnh nhân người Đà Nẵng và 2 bệnh nhân người Quảng Nam. Sau khi xuất viện, các bệnh nhân được xe của bệnh viện đưa về tận địa phương để tiếp tục cách ly, theo dõi y tế thêm 14 ngày tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trao giấy xuất viện cho các bệnh nhân. Ông chia sẻ đây là dấu hiệu đáng mừng của ngành y tế và là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực trong suốt thời gian qua.

Thứ trưởng Sơn cho biết ngành y tế Đà Nẵng và Trung ương đã dồn sức ở Bệnh viện Hòa Vang để tập trung cứu chữa các bệnh nhân. Hơn 170 bệnh nhân còn lại tại đây sẽ tiếp tục được cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất, với phác đồ điều trị phù hợp để được an toàn trong điều trị tại bệnh viện cũng như sau khi xuất viện.

Lãnh đạo ngành y tế nhận định có được thành quả bước đầu này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, các bệnh lý, tim mạch, thận nhân tạo để hỗ trợ các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Bên cạnh đó, bệnh viện được chi viện hơn 100 thầy thuốc từ Phú Thọ, Bình Định, Huế để phối hợp tổ chức, điều trị, hồi sức.

“Hy vọng với sự nỗ lực tiếp sức của ngành y tế cả nước, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu mới trong thời gian tới”, Thứ trưởng chia sẻ.

* Quảng Nam có 4 cơ sở xét nghiệm COVID-19 được công nhận

Tỉnh Quảng Nam đã có 4 cơ sở xét nghiệm COVID-19, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức.

Đây là những cơ sở được phép xét nghiệm COVID-19 và có kết quả xét nghiệm được công nhận.

Toàn tỉnh Quảng Nam đã thành lập 5.484 tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng.

Mỗi tổ gồm 2 - 3 người là cán bộ tổ, thôn, khối phố, các đoàn thể, tình nguyện viên tại địa phương, phụ trách 30 - 50 hộ gia đình và có phân công cụ thể đến từng thành viên.

Các tổ có nhiệm vụ hằng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động nhân dân thực các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; khuyến cáo người dân không ra ngoài nếu không có lý do cần thiết; hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế gần nhất để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đối với những trường hợp nghi mắc COVID-19...

Cán bộ CDC Quảng Nam thực hiện các mẫu xét nghiệm.


Anh Văn (từ Đà Nẵng, Quảng Nam)
Ý kiến của bạn