Hà Nội

Nhật ký trực Tết của chàng bác sĩ trẻ

31-12-2015 14:15 | Y tế
google news

SKĐS-Ca trực cuối cùng của năm nhưng lại là ngày bắt đầu cho một năm mới thực thụ. Một năm mới với đầy niềm vui, phấn khích và ước vọng vì con người. Vừa đi tôi vừa mỉm cười, chào năm mới 2013.

Ca trực cuối cùng của năm nhưng lại là ngày bắt đầu cho một năm mới thực thụ. Một năm mới với đầy niềm vui, phấn khích và ước vọng vì con người. Vừa đi tôi vừa mỉm cười, chào năm mới 2013.

Ngày 30 Tết

Xoạch. Tiếng cửa mở. Mới sáng ra, nằm ngay trên bàn tôi là một lịch trực Tết dày đặc. Đây là lịch trực Tết phân công chi tiết cho từng người, từng ngày và từng giờ. Bất cứ sự kiện nào xảy ra ở bệnh viện, kíp trực cũng phải có mặt ngay lập tức. Giám đốc đã khẳng định như thế, quyết không để một bệnh nhân nào không được cứu chữa kịp thời, dù là Tết.

Nhật ký trực Tết của chàng bác sĩ trẻ 1
Bác sĩ quân y Phú Yên khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo.

Lịch phân công luôn được thông báo từ trước đấy vài ngày. Nhưng vốn tác phong làm việc cẩn thận và tỉ mỉ, lịch trực Tết còn được gửi đến từng người và trước ngày đi trực, bao giờ cũng được gửi đến tận tay như để nhắc nhở. Hết quên!

Hôm nay là ngày cuối năm, là ngày trực Tết đầu tiên của tôi. Với khí thế hừng hực của một bác sĩ trẻ và một người lính trẻ, tôi hăm hở lên đường như thể sẵn sàng điều trị cho một “trung đội” bệnh nhân. Thực ra tôi cứ khí thế như vậy chứ ngay trước Tết, bệnh viện đã sớm giải quyết cho một số lượng lớn bệnh nhân về ăn Tết.

Chà, tôi nhìn ra đường, mọi người đang hối hả đi chuẩn bị Tết. Dòng người đông đúc, khác xa hẳn với không khí bệnh viện, vắng và ít người.

Gần trưa, chúng tôi vẫn không có bệnh nhân. Đó là một điều mừng. Vì như vậy sẽ càng có thêm nhiều người được có cơ hội đón Tết trọn vẹn. Sẽ càng có nhiều gia đình được đoàn tụ đầy đủ đúng nghĩa. Chiều qua đi, nhẹ nhàng như sáng. Ngoài kia, những khóm hồng lay nhẹ, thoang thoảng hương trên khắp khu vực sân chơi.

Nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi khi sang tối. Giao thừa. Ừ, tôi giật mình. Nhanh thật. Một loáng là sắp giao thừa rồi. Trên loa vang vang âm thanh của các bài hát mừng đất nước, mừng đảng, mừng xuân. Nhân viên “nhà đài” cũng không quên nhắc các khoa phải bật điện sáng phòng trực, tổ chức giao thừa cho bác sĩ và nhân viên ở lại, đồng thời phải mời bệnh nhân sang dự. Đó là nghĩa vụ tổ chức Tết trong bệnh viện.

Tôi đang háo hức với giai điệu bài hát Mùa xuân đầu tiên thì xuỵch, một ca cấp cứu ngay trước thềm năm mới. Nạn nhân là một thanh niên trẻ. Ngó qua thấy đã được băng bó và cố định ở chân và tay. Có lẽ là gãy xương, được chuyển lên từ tuyến dưới. Mặt có xây xước và có vài chỗ rớm máu. Nhưng đầu thì không sao vì không thấy băng bó gì. Nhìn mặt thì cậu thanh niên này trẻ lắm, lại hiền. Không nghĩ là đua xe.

Sau vài phút hỏi bệnh, thì ra cậu ấy bị mấy tay đua tông vào khi đang thong dong xe đi đón giao thừa. Khổ thân. Như vậy là có thêm một người ăn Tết trong bệnh viện rồi. Cậu được phẫu thuật kết xương cấp cứu vì gãy hai xương cẳng tay và gãy xương cẳng chân. Ca mổ thành công, cũng là hết ca trực của tôi. Đến cây đào ước một điều cho năm mới. Tôi sẽ không nói ra đâu vì như thế sẽ mất thiêng. Xong, buồn ngủ thế không biết. Tôi leo lên giường. Mơ màng, mong sao một năm mới ít tai nạn giao thông hơn. Hình như mới mong được đến chỗ “ít tai nạn” thì tôi đã ngủ rồi. Tiếng còi cứu thương hình như đang kêu inh ỏi, nhưng tôi ngủ tự lúc nào.

Mùng 1

Tôi dậy sớm. Lúc tôi dậy mới là 5 giờ. Trong năm 2012, tôi không có một hôm nào dậy trước 6 giờ cả, đừng có nói là 5 giờ nhé. Nhưng mà hôm nay thì khác. Mẹ tôi vẫn bảo nếu như cố gắng dậy sớm ngày đầu năm thì sẽ không bị muộn cả năm. Thế là tôi cố gắng dậy sớm, cho một năm sớm hơn.

Xong xuôi, đi xuống phòng khám. Chao, sao mà nhiều bệnh nhân thế. Ca đầu tiên của tôi đã được chuyển về khoa xương khớp. Thế mà ở đây lại có thêm mấy bệnh nhân khác. Người thì đau bụng cấp cứu, người thì bị sốt cao, người thì bị ngã và đang phải nằm theo dõi. Đi khám một lượt xong, không ai bị nặng thêm so với bản khám sơ bộ ban đầu. Nhìn lại. Ôi chao, có tận 15 bệnh nhân vào cấp cứu đêm qua, trong đó 5 bệnh nhân là bị tai nạn, họ đã được chuyển về các khoa chuyên ngành. Giao thông bao giờ cũng là vấn đề nóng đêm giao thừa.

Ngồi bên bàn trực, hy vọng hôm nay thật ít bệnh nhân thôi. Thật ít tai nạn thôi để có một năm mới yên bình. Vừa nói xong, tự nhiên có một bệnh nhân đến xin được chữa bệnh. Quái, cầu nguyện chả thiêng tẹo nào. Trông chị bệnh nhân đến buồn cười, vừa đi vừa há miệng rõ to. Sao không khép miệng lại cho vệ sinh, ngoài đường bụi thế cơ mà. Há ra, hở cả răng và lợi. Tôi buồn cười mà không dám cười.

Hỏi bệnh nhân thì không nói được, hỏi người nhà thì biết chị bị sái quai hàm, lý do lãng xẹt: ngáp??? Chả hiểu do mừng vui hay do thế nào mà chị lại ngáp. Có lẽ do thức khuya đêm giao thừa. Ngáp đầu năm gì mà ngáp to quá, ngáp một thể cho cả năm hay sao. Quá cỡ đến mức khớp xương hàm dưới chệch ra và cứ như thế giữ nguyên tư thế ngáp này đến bệnh viện. Gớm, chả cẩn thận gì cả. Trông vừa thương, vừa tội, vừa buồn cười.

Nắn chỉnh và điều trị trả cái hàm về vị trí, xong cũng là gần trưa, tôi đi ăn trưa, bàn giao cho bác sĩ khác. Ăn Tết ở bệnh viện cũng chu đáo và đầy đủ lắm. Trên đường đi đến nhà ăn, tôi nghĩ, ít ra lời cầu nguyện của mình cũng thiêng một chút đấy chứ. Có bệnh nhân vào bệnh viện nhưng ít ra là không phải bệnh nhân tai nạn giao thông. Một điều may cho năm mới!


Huy Hiệu
Ý kiến của bạn