Người bệnh đái tháo đường nên tự theo dõi đường huyết
Người bệnh đái tháo đường hoặc người nhà nên theo dõi đường huyết cho người bệnh bằng máy tại nhà, ghi lại và đánh gíá các trị số đường huyết đo được. Tốt nhất là nên có thói quen ghi nhật ký chỉ số đường huyết, các thức ăn trong ngày vào một quyển sổ để tiện theo dõi. Biết được mức đường huyết của mình sẽ giúp người bệnh đạt được mục tiêu điều trị và không bị rơi vào vùng đường huyết nguy hiểm.
Số lần cần thử đường huyết trong ngày còn tùy thuộc vào mục tiêu đường huyết cần đạt, cách thức điều trị và tình trạng bệnh nhân. Người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, mức đường huyết an toàn đối với người bệnh là: Trước bữa ăn: 90-130mg/dl (5,0-7,2mmol/l). Sau bữa ăn 1-2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dl (10mmol/l). Tuy nhiên, tùy theo lứa tuổi, giai đoạn bệnh, mức độ biến chứng… mà mức đường huyết an toàn của mỗi người bệnh có thể khác nhau nhưng không nhiều. Nếu đường huyết còn dao động nhiều, tăng cao hay quá thấp, người bệnh cần khám lại ngay để được bác sĩ tư vấn và điều chỉnh biện pháp điều trị.
Cách ăn uống để duy trì đường huyết an toàn
Chọn thực phẩm có lượng đường thấp
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, đường huyết thường tăng cao sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì vậy, người bệnh phải hạn chế chất bột đường.
Người bệnh đái tháo đường nên dựa vào chỉ số đường huyết của thực phẩm (Gl) để lựa chọn thực phẩm phù hợp. Có thể tham khảo bảng chỉ số đường huyết (GI) của một số thực phẩm thông dụng dưới đây:
Người bệnh nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI<55) như: Ngũ cốc nguyên hạt; các loại khoai củ: khoai lang, sắn, củ từ…; Các loại rau không chứa tinh bột, cà chua, cà rốt…; Các loại trái cây như: táo, chuối, bưởi, mận, lê, kiwi, ổi…
Cần hạn chế tối đa các loại thức ăn có hàm lượng đường cao như: bánh, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...) vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết.
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ
Những thực phẩm giàu chất xơ rất thích hợp cho bệnh nhân đái tháo đường, do những thực phẩm này ít làm tăng đường huyết sau khi ăn. Các loại rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt giàu chất xơ. Ngoài công dụng hỗ trợ tiêu hóa, chất xơ còn có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu, từ đó giúp kiểm soát tốt đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Các thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh đái tháo đường là các loại rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Mỗi ngày người bệnh nên ăn ít nhất 400g rau xanh và trái cây tươi để cung cấp chất xơ và vitamin cho cơ thể. Nên ăn trái cây cả miếng, cả múi để có chất xơ. Không nên ép lấy nước uống vì chất xơ ở rau quả là thành phần quan trọng làm chậm hấp thu đường và đỡ tăng đường sau khi ăn.
Giờ giấc ăn uống điều độ
Để tránh không làm tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết lúc xa bữa ăn, người bệnh đái tháo đường cần ăn uống điều độ, đúng giờ.
Nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Nên ăn rau trước khi ăn cơm và các thức ăn khác để giảm tốc độ hấp thụ đường.
Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý
Không được bỏ bữa vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác. Ăn thêm đồ ăn nhẹ nếu tăng hoạt động thể chất. Đặc biệt, tránh ăn kiêng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết, rất nguy hiểm. Nếu có biểu hiện của hạ đường huyết như: Mệt, chân tay bủn rủn, da nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh, cảm giác cồn cào trong ruột, tim đập nhanh, run cơ, chóng mặt… cần phải uống ngay một cốc nước đường, sữa, ăn bánh kẹo, hoa quả ngọt để nhanh chóng nâng đường huyết lên và đến cơ sở y tế để kiểm tra lại ngay.
Xem thêm video đang được quan tâm
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-