Sáng ngày thứ 4 của Ngày sách Gia Lai tổ chức tại đường Anh hùng Núp, Pleiku, tôi mới có một buổi thảnh thơi ngồi ở đấy, nhâm nhi ly cà phê và... ngắm người đi xem/ mua sách.
Trước đó, vì là thành viên Ban tổ chức (BTC), tôi phải lao vào các cuộc sự vụ, nên dẫu thường xuyên có mặt nhưng ít được ngắm.
Té ra ngắm người đi xem/ mua sách nó thú vô cùng.
Tất nhiên là bởi, trước hết mình là nhà văn, viết ra sách. Và nữa, ham sách từ nhỏ, nên đã từng rất buồn là, giờ ít người mê sách như mình. Hồi nhỏ, tôi đã từng phải đọc trộm sách khi ba mẹ bắt ngủ trưa, khi ba mẹ cho là đọc nhiều sách sẽ bị loạn thần kinh, sẽ ảnh hưởng học tập... khổ thế, giờ thấy trẻ con đứa nào vừa đi vừa cắm cúi đọc sách lòng lại cứ rưng rưng. Bởi thế, ngồi ở đường sách, ngắm người đi mua/ xem sách, không sướng mới lạ. Tất nhiên, thấy họ mua sách của mình còn... sướng hơn nữa.
Quả là, tôi đã từng không tin là Gia Lai có thể tổ chức Ngày sách đến lần thứ 2. Năm ngoái tổ chức đã thành công ngoài dự kiến. Năm nay, tiếng là Ngày sách tổ chức trên cả nước đến lần thứ 4, nhưng không phải tỉnh nào cũng tổ chức. Nhiều bạn đồng nghiệp comment trên facebook của tôi than thở: “Tỉnh tôi giàu, nhưng... không làm được Ngày sách, buồn quá”. Sách mà, nói quan trọng thì nó quan trọng, mà không thì có chết ai đâu. Anh bạn hiệu phó một trường học lớn, là giáo viên văn, bảo nhiều giáo viên văn bây giờ không đọc sách đã đành, trong nhà cũng chả có tủ sách, chưa bao giờ biết báo Văn Nghệ và Văn Nghệ quân đội là gì. Nên sáng nay, anh khoe có một cô giáo dạy văn mà thích... đọc sách, thế là hai anh em mua cuốn Đêm thánh vô cùng của Sương Nguyệt Minh rồi đồng ký vào tặng cô ấy.
Cụ bà say sưa đọc sách.
Nguyên do mua sách của Sương Nguyệt Minh cũng khá... ly kỳ. Ấy là nhà văn Sương Nguyệt Minh được BTC Ngày sách mời vào giao lưu với độc giả. Anh mang theo mười cuốn sách theo đề nghị của BTC để ký tặng bạn đọc nào có câu hỏi giao lưu hay. Ký tí hết sách, bao nhiêu người ùa lên, nhất là những người viết trẻ. Anh lúng túng. Rồi khất. Một ông chủ nhà sách thấy thế bèn điện khẩn mang lên đến 3 bao sách toàn của Sương Nguyệt Minh, nhưng lên đến nơi thì anh đã về lại Hà Nội rồi, thế là nó được nằm trong đống sách... đại hạ giá. Tôi điện cho Sương Nguyệt Minh, chụp ảnh cho anh xem nữa, thế là anh nhờ mua giúp 10 cuốn gửi bưu điện ngược ra. Tiện thể mua luôn tặng cô giáo kia. Giá bìa là 55 ngàn đồng một cuốn, chúng tôi giả vờ dở máu con buôn ra kỳ kèo, cuối cùng “chốt” 100 ngàn 12 cuốn.
Và đi khắp đường sách, thấy sách hạ giá và đại hạ giá, giá đồng hạng 10 ngàn nhiều gấp nhiều lần sách đúng giá. Thậm chí có mấy quầy có sách đồng giá... 2 ngàn. Rất nhiều bạn bè nhà văn của tôi lăn lóc ở đây, những người mà nghe tên rất nhiều độc giả đã mê tít thò lò. Ngày sách thêm cái hay là giúp độc giả thấy... mặt sau của nhà văn, ấy là lúc sách họ bán hạ giá. Không phải lỗi tại nhà văn, mà điều ấy càng chứng tỏ sách của họ bán chạy. Vì bán chạy nên các NXB, các công ty nối bản hoặc tái bản. Và khi bán hạ giá, đại hạ giá thì họ đã thu đủ vốn và lãi rồi. Không thế thì làm xuất bản để chết à? Thời buổi thị trường, sách cũng phải tuân theo quy luật thị trường, nhà văn cũng phải từ kệ, tủ sáng choang trong phòng lạnh xuống... đường chứ. Và nhờ thế mà độc giả được đọc họ, có sách của họ mà đọc.
Cũng sáng hôm ấy, tôi đã rưng rưng chụp một tấm ảnh. Ấy là một bà cụ, chắc phải hơn bảy chục tuổi, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm, ngồi trong một gian sách và... đọc tại chỗ một cuốn sách. Giờ này ít khách nên cụ ngồi đọc khá thoải mái. Hội sách đông tầm chiều sang đêm kia. Sau mới biết cụ được con chở đến, để đấy rồi về làm việc, cụ cứ ngồi đọc, trưa con gái quay lại đón. Lại nhớ ngày xưa, hồi nhỏ, mỗi tuần mẹ cho mấy hào mua sách, cứ chủ nhật tôi đạp xe 10 cây số đến hiệu sách nhân dân, đứng tại chỗ đọc... 3 cuốn sách, sau đấy mới mua cuốn mình thích mang về. Và khác hẳn lúc ở hiệu sách, tôi giấu cuốn sách mua ấy rất kỹ, đợi ăn tối xong, học bài xong, tôi mới lôi cuốn sách ra đọc, xuýt xoa đọc, xuýt xoa với nhân vật của mình dưới ánh đèn dầu lom đom. Thời ấy không thể nằm đọc một cách lười biếng được, bởi phụ thuộc đèn dầu, cái đèn lom đom mà nếu nằm sẽ đọc rất khó. Tôi luôn luôn ngồi trên bàn học để đọc, thành kính và thiêng liêng, khác hẳn lúc đứng khép nép ở hiệu sách, đọc ngốn ngấu như voi đói ăn bã mía.
Té ra sách, bao giờ và ở đâu cũng thế, cũng là món ăn vừa hấp dẫn vừa bổ ích mà những người hiểu biết luôn biết cách tự trang bị cho mình để bổ sung kiến thức. Ngày thường, nhìn những dòng người hối hả lầm lụi phóng xe trên phố mưu sinh, ta đâu biết thế giới tâm hồn của họ có gì. Đến khi có hội sách, ta mới thấy một phần nội tâm của họ hé lộ. Yêu sách, bỏ tiền mua sách, tưởng hiếm, tưởng là thứ xa xỉ trong cuộc sống hiện tại, té ra lại không hiếm lắm. BTC hội sách năm ngoái ở Gia Lai thống kê có vài ngàn người đã đến hội sách, nhiều trăm triệu đồng đã được bỏ ra mua sách. Đấy là những tín hiệu hết sức đáng mừng. Và chúng ta có quyền hy vọng. Sách chính là ngôi trường khổng lồ cung cấp kiến thức cho con người. Nhưng quan trọng hơn, nó còn là khu vườn cho tâm hồn con người có sự râm mát. Tôi cho là yếu tố thứ hai quan trọng hơn yếu tố thứ nhất. Con người sẽ đẹp hơn, sang hơn, nhân hậu hơn, tử tế hơn, vị tha hơn... khi có sách là bạn đồng hành. Những con chữ, những trang sách, nó là kết tinh của tri thức, của cái đẹp, của tình yêu... giúp con người soi mình vào, mà thấy mình, thấy người, thấy những điều mà người bình thường không sách không thấy. Và họ sống yên bình hạnh phúc với sách...
Trong đêm khai mạc Hội Sách Gia Lai - 2017, các đơn vị tham gia Hội Sách đã tổ chức tặng sách, vở, học bổng, đồ dùng học tập cho thư viện các trường học và các học sinh nghèo vượt khó học giỏi với tổng giá trị quà tặng gần 300 triệu đồng. Đây cũng là con số đáng suy nghĩ. Sách đại hạ giá, đồng giá... nhưng các nhà phát hành vẫn có thể làm việc thiện. Trong nghề tôi biết, làm sách giờ khó khăn lắm. Các nhà xuất bản chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ là... cấp (bán) giấy phép, còn lại các công ty, các nhà sách tự in và phát hành. Sách vì thế không phải cuốn nào cũng tử tế. Mà quả là, sách dở tất nhiên là không bán được, nhưng sách tử tế quá có khi cũng khó bán. Và từ đó xuất hiện tình trạng ai cũng có thể trở thành nhà văn. Tôi mới tiếp một bác, bác ấy chất vấn: Tôi có 3 cuốn sách rồi, có 5 bài thơ được phổ nhạc rồi, đã đủ tiêu chuẩn là hội viên Hội Nhà văn chưa. Tôi thưa về tiêu chuẩn là đủ ạ, nhưng đấy là điều kiện cần, còn đủ nữa ạ, ấy là chất lượng. Bác sửng cồ lên: Chất lượng thì ai đánh giá được tôi. Anh có sách tôi cũng có sách, anh in ở NXB Hội Nhà văn, tôi cũng in ở đấy, khác gì nhau. Tất nhiên với lý lẽ ấy thì tôi... thua. Thảo nào giờ có mấy bác nhạc sĩ nữa, rủ mấy bác mần thơ, đưa thơ để phổ nhạc, trọn gói luôn, từ phổ xong phối khí, thuê ca sĩ hát và ghi âm, ra đĩa... Cũng y như thơ vậy, có những người bao trọn gói, mang thơ về sửa, đánh máy, xin giấy phép rồi in, rồi giao sách cho tác giả. Một bước nên nhà thơ nên nhiều người bán lợn gà thóc lúa của vợ để thành... nhà thơ.
Có mấy đêm giao lưu giữa nhà văn và độc giả. Tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh được tung tẩy một đêm. Nói thật là rất... lo, không có ai đến dự thì quê lắm, thì mình giao lưu với... ghế à. Vả, lâu nay làm trong nhà, không khí nó khác, đây làm ngay ngoài đường, ngay chỗ vừa khai mạc, người tụ lại rồi tản đi. Mà cái không khí đang đi lại rồng rắn ngắm nghía thế, trai thanh gái lịch thế, dừng lại một chỗ để ngắm và nghe (có thể chỉ lõm bõm thôi) hai gã chả lấy gì đẹp giai, hoàn toàn không có tư chất soái ca, nói liên hồi kỳ trận, không đầu không cuối (vì có ngồi từ đầu đâu)... nó chả thú vị gì? Là cứ nghĩ thế đến lúc động viên nhau, hai chục người cũng làm. Thế mà rồi cũng đông phết, hết ghế BTC chuẩn bị, không kể số đứng tít ngoài đường. Và đấy là một đêm thú vị. Hai người, một cao một lùn, cao gầy lùn béo, một người viết văn, một người làm thơ... tung hứng với nhau với độc giả vừa nghiêm túc vừa dí dỏm. Sương Nguyệt Minh là nhà văn nổi tiếng, lại là khách từ xa đến nên anh được ưu tiên giao lưu, nhất là các cô giáo cấp 3. Gần một chục cô giáo cấp 3 có mặt cũng đã làm anh bạn giáo viên văn mừng hớn hở. Chừng một phần tư là các bác về hưu. Học sinh chuyên văn là đông nhất. Và khá đông các bác đi bộ qua, giày thể thao quần sóoc thấy đông đông thì dừng lại xem chút, bác này đi thì bác kia tới, nhờ thế mà cái đêm giao lưu nhà văn độc giả ở Pleiku nó có tính... lưu thủy hành vân.
Trở lại chuyện bà cụ ngồi đọc sách tại chỗ, còn mấy chuyện khiến tôi cảm động. Một cô thạc sĩ là giáo viên trường cao đẳng nghề, gom tiền nhuận bút mấy bài báo lại, đi mua sách đại hạ giá về làm phần thưởng cho học sinh cấp 2 ở một làng dân tộc Tây Nguyên. Rõ ràng là nhờ có hội sách thì với chừng ấy tiền cô mới mua được nhiều sách đến thế. Một cô khác xây dựng một thư viện nhỏ, mua sách phù hợp lứa tuổi học sinh - những tác phẩm có giá trị văn học của Việt Nam và thế giới, không phải chỉ để cùng con cháu đọc mà còn để khuyến khích/động viên/năn nỉ học sinh (học thêm tại nhà) mượn đọc. Cháu nào đọc được một cuốn, cô hỏi vài câu để xác nhận, sau đó sẽ đánh một dấu cộng, cứ hai tháng một lần sẽ tổng kết, cháu nào được nhiều dấu cộng nhất sẽ được cô tặng một cuốn sách. Cô này đã thực hiện “sự nghiệp” từ đầu năm 2016, đến nay, có khoảng 200 lượt đọc. Cứ mỗi ngày một ít, sẽ tạo hứng thú đọc sách cho các cháu. Cô quan niệm: khích lệ một ai đó, nhất là học sinh, bạn trẻ - đọc được một cuốn sách hay là mình cũng đã làm được một việc tốt be bé. Nghe cô giáo này kể mà tôi thấy mừng và rạo rực suốt buổi. Thì đã bảo, trông cuộc sống nó cứ ngồn ngộn, tuôn chảy thế kia, chật ních thế kia, ngờm ngợp thế kia, dễ nghĩ không còn chỗ cho thư giãn, cho sách, té ra vẫn có những góc lặng lẽ đẹp đến nôn nao, ví như hình ảnh bà cụ đọc sách kia, cô giáo mua sách tặng học trò và cô lập “dự án” thư viện tại gia khuyến khích học trò đọc sách.
Giờ thì thấy, việc tổ chức ngày sách nó không phù phiếm dù ban đầu không phải không có người đã nghĩ thế. Cũng bởi, nước ta lắm ngày quá, trong đó nhiều ngày khá vô bổ, hình thức và cả tốn kém nữa...