Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 vừa kết thúc tốt đẹp với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các nước Mekong và Nhật Bản. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Thống nhất 4 trụ cột hợp tác giữa khu vực Mekong và Nhật Bản
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hợp tác Mekong-Nhật Bản đang ngày càng phát triển và trở thành một trong những cơ chế hợp tác hàng đầu ở tiểu vùng Mekong. Kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần này là việc các nhà Lãnh đạo năm nước Mekong và Nhật Bản đã thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với các định hướng rõ ràng cho hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018; với mục tiêu bao trùm là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mekong. Các hoạt động hợp tác Mekong-Nhật Bản sẽ tập trung vào bốn trụ cột hợp tác chính:
Một là phát triển hạ tầng công nghiệp (như đô thị, năng lượng, công nghiệp phụ trợ, giao thông, cấp nước…) và tăng cường kết nối “cứng” về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không giữa các nước Mekong cũng như gắn kết tiểu vùng Mekong với các khu vực xung quanh.
Hai là phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp và đẩy mạnh kết nối “mềm” về thể chế, kinh tế và giao lưu nhân dân; khuyến khích các doanh nghiệp Nhật bản mở rộng mạng lưới sản xuất tại khu vực.
Ba là phát triển bền vững hướng tới thực hiện một Mekong Xanh, với trọng tâm là tăng cường hợp tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Bốn là tăng cường sự phối hợp giữa hợp tác Mekong với các cơ chế hợp tác khác trong khu vực, các đối tác và tổ chức quốc tế liên quan để huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển của tiểu vùng Mekong.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Shinzo Abe đã thông báo quyết định của Nhật Bản dành 750 tỷ Yên ODA hỗ trợ các nước Mekong trong ba năm tới. Đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng để triển khai các nội dung hợp tác của Chiến lược Tokyo.
Nhật Bản-Việt Nam thống nhất được một số vấn đề trọng tâm về kinh tế
Trong chuyến thăm Nhật Bản, bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm, gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo, chính giới, với hơn 20 tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, tham dự Tọa đàm Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản...
Thủ tướng Abe đã đáp ứng tích cực tất cả các đề nghị hợp tác do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lên: Xem xét tích cực việc cung cấp 300 tỷ Yên (khoảng 3 tỷ USD) ODA cho năm tài khóa 2015, cao hơn hẳn so với mức các năm trước (bằng cả mức năm 2013 và 2014 gộp lại) cho 9 dự án hợp tác, bao gồm các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu. Đây là những dự án quan trọng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thủ tướng Nhật Bản cũng nhất trí cung cấp ODA cho dự án bệnh viện hữu nghị Việt-Nhật (bệnh viện Chợ Rẫy 2); đồng ý hợp tác nghiên cứu khả thi một đoạn đường sắt cao tốc trên tuyến đường sắt Bắc-Nam; tiếp tục hỗ trợ chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; sớm ký Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước...
Đặc biệt, hai Thủ tướng đã nhất trí tuyên bố về cơ bản kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ nỗ lực cùng các thành viên khác sớm kết thúc đàm phán và ký Hiệp định TPP trong thời gian tới.
Thủ tướng Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng trường Đại học Việt-Nhật, giúp nâng cấp một số trường đại học và dạy nghề ở Việt Nam. Nhật Bản cũng cam kết tăng thêm số học bổng cho lưu học sinh Việt Nam, nhận nhiều hơn các điều dưỡng viên, lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp đối thoại cởi mở, thực chất với Lãnh đạo các tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, nhằm giải đáp các mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực... Các tập đoàn lớn của Nhật Bản đều bày tỏ tin tưởng vào chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, cam kết mở rộng đầu tư làm ăn ở Việt Nam, từ thăm dò khai thác đến chế biến dầu khí, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, đặc biệt là điện năng, công nghệ thông tin...
BQT (theo Chinhphu.vn)
Hai bên cũng đã ký một loạt hiệp định hợp tác về kinh tế, trong đó có việc đã ký Công hàm trao đổi đối với 3 dự án ODA viện trợ không hoàn lại tài khóa 2015, Hiệp định vay vốn các dự án ODA thuộc tài khóa 2014 trị giá hơn 66 tỷ Yên, tương đương 660 triệu USD cho 05 dự án (Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Hạ Long (phần dịch vụ tư vấn), Xây dựng cơ sở hạ tầng nước tỉnh Đồng Nai, Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ, Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối đợt 2, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải - khoản vay lần 3).
Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.