Ngày 11/3, người dân trên khắp đất nước Nhật Bản đã tổ chức tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa động đất - sóng thần hồi tháng 3/2011.
Kể từ năm 2022, Chính phủ Nhật Bản không còn tổ chức lễ tưởng niệm quốc gia, nhưng chính quyền địa phương ở những nơi bị ảnh hưởng thảm họa này vẫn tổ chức các lễ tưởng niệm ở quy mô nhỏ.
Vào đúng 14h46 - thời điểm trận động đất có độ lớn lên tới 9 xảy ra ở khu vực Tohoku cách đây đúng 12 năm - người dân trên khắp đất nước đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa này.
Tham dự lễ tưởng niệm do chính quyền tỉnh Fukushima tổ chức, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định chính phủ sẽ “tiếp tục nỗ lực hết sức” để đảm bảo việc tái thiết tỉnh Fukushima nói riêng và vùng Tohoku nói chung.
Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) cho thấy thảm họa động đất-sóng thần năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15.900 người và khiến 2.523 người khác mất tích, chủ yếu là ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, các số liệu thống kê thiệt hại về người trong thảm họa này không tăng.
Ngoài ra, theo Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, tính tới ngày 31/3/2022, số người tử vong liên quan tới thảm họa kép này, bao gồm cả những người bị bệnh hoặc tự tử vì bị trầm cảm, là 3.789 người.
Mặt khác, thảm họa cũng phá hủy nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản, đồng thời gây ra các sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở tỉnh Fukushima, khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
12 năm sau thảm họa, Chính phủ và người dân Nhật Bản đã nỗ lực không ngừng nghỉ để tái thiết các khu vực bị thiên tai tàn phá. Tuy nhiên, tính tới tháng 11/2022, vẫn còn khoảng 31.000 người ở các khu vực này chưa thể về nhà.
Đối với Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, TEPCO đã hoàn thành việc tháo dỡ các thanh nhiên liệu hạt nhân trong bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4 vào tháng 4/2014 và tại lò phản ứng số 3 vào tháng 2/2021.
Hiện nay, công ty đang nỗ lực để hướng tới tháo dỡ các thanh nhiên liệu tại các lò phản ứng số 1 và 2, đồng thời sử dụng robot để kiểm tra bên trong các lò phản ứng để sau đó thu gom các mảnh vụn nhiên liệu.
Mặc dù vậy, TEPCO đang phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình tháo dỡ 4 lò phản ứng bị hư hại, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay là xử lý nước thải có chứa phóng xạ được tạo ra hằng ngày trong quá trình làm mát các thanh nhiên liệu, cũng như nước mưa và nước ngầm bị nhiễm phóng xạ từ nhà máy.
Thời gian qua, TEPCO đã xây dựng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để xử lý số nước thải ô nhiễm. Hệ thống này đã hoạt động ổn định từ năm 2019 và có khả năng loại bỏ 62 chất phóng xạ ra khỏi nước ô nhiễm (ngoại trừ tritium).
Bên cạnh đó, TEPCO đã lắp đặt các bể chứa để lưu trữ nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý. Tuy nhiên, TEPCO có thể sẽ không còn đủ chỗ để chứa nước thải ô nhiễm vào mùa Hè hoặc mùa Thu năm nay.
Trong bối cảnh đó, giữa tháng 1 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý này ra biển vào mùa Xuân hoặc mùa Hè năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối từ phía người dân địa phương cũng như một số nước trong khu vực.