Mỹ “thổi” Nhật Bản Trung Quốc xích lại gần nhau
Nếu nói cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc gây bất lợi cho nền kinh tế Trung Quốc là đúng nhưng chưa đủ, nó còn đang tạo động lực để Trung Quốc tìm kiếm cơ hội hợp tác mới cho mình, Nhật Bản là một ví dụ.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước 6 năm trước, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe chưa bao giờ nghĩ sẽ được Trung Quốc chào đón, bởi Nhật Bản và Trung Quốc dù là 2 nước châu Á nhưng có mối quan hệ không hữu hảo bởi những vấn đề lịch sử để lại, như Nhật Bản từng xâm chiếm Trung Quốc trong Chiến tranh thế giới II. Và đến nay, dù quan hệ đã được cải thiện nhưng Nhật Bản và Trung Quốc vẫn còn nhiều “khúc mắc” chưa được hóa giải như tranh chấp lãnh thổ trên khu vực biển Hoa Đông.
Trong thời gian vừa qua, cả Thủ tướng S.Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình chưa từng có một chuyến thăm chính thức nào, cũng chưa từng có một cuộc gặp thượng đỉnh song phương chính thức. Có chăng chỉ là các cuộc gặp song phương chớp nhoáng bên lề các hội nghị quốc tế. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản trong suốt 7 năm qua.
Nhật Bản sẽ là nước “mở khóa” mối quan hệ đôi bên bằng chuyến thăm của người đứng đầu đất nước từ ngày 25- 27/10. Chuyến thăm đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Nhật Bản và Trung Quốc ký Hiệp ước Hòa bình hữu nghị. Đặc biệt cùng đi với Thủ tướng S.Abe còn có 500 doanh nghiệp Nhật Bản.
“Con bài” thuế quan mà Mỹ đang sử dụng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nay cũng được Mỹ đem ra dùng cho Nhật Bản. Tổng thống Mỹ D.Trump từng đe dọa Nhật sẽ đánh 25% thuế ô tô Nhật nếu nước này không đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ. Trước sức ép kinh tế dồn dập từ Mỹ, các nước đang tìm kiếm cách thức mới để bắt tay hợp tác với nhau. Mỹ đã khiến mối quan hệ Nhật Trung ngày càng xích lại gần nhau, trước hết là vì lợi ích kinh tế.
Hé mở những kỳ vọng hợp tác kinh tế mới
Dù Nhật Bản và Trung Quốc vẫn còn tồn tại tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông giữa nhưng hai bên đã quyết tâm gạt bỏ bất đồng, hướng tới lợi ích chung. Mới đây, lần đầu tiên sau 3 năm, hai Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc gặp nhau và đi đến thống nhất tăng cường trao đổi quân sự , mở một đường dây nóng để tránh va chạm bất ngờ xảy ra. Tuy nhiên ngay cả cuộc họp này vẫn xuất hiện những chỉ trích khiến người ta không khỏi hoài nghi về những cải thiện thực sự trong quan hệ Nhật Bản Trung Quốc.
Dự kiến trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bán S.Abe sẽ có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Nhật Bản đã quyết định ngừng các dự án viện trợ phát triển ODA cho Trung Quốc, thay vào đó Tokyo sẽ đề xuất một sáng kiến mới là Nhật Bản và Trung Quốc sẽ hợp tác cùng nhau xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Dự kiến hai bên sẽ ký kết hợp tác kinh tế đối với tên 30 dự án cơ sở hạ tầng.
Về phần mình, Trung Quốc đang lâm vào một cuộc chiến thương mại không kém phần khốc liệt với Mỹ, Trung Quốc đã tìm cho mình một hướng đi mới, giảm thiểu những tác động lên nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc còn có ý định tăng tốc đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác khác như Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay để ngỏ khả năng có thể tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Mỹ rút lui. Từ song phương, đến đa phương, Trung Quốc đang tìm mọi cách để thoát khỏi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Từ kinh tế, dư luận lại hy vọng mở ra một thời kỳ hợp tác mới cả trong quan hệ chính trị,ngoại giao.