Song song với những cải cách nội bộ và kế hoạch tái thúc đẩy nền kinh tế, Tokyo tái triển khai chiến lược gây ảnh hưởng và xích lại gần nhiều quốc gia trong khu vực nhằm gây dựng một liên minh mạnh mẽ tại châu Á.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tóm tắt cơ sở của chủ thuyết chính trị của mình chỉ trong vài từ: “Nhật Bản đang và sẽ không bao giờ là một quốc gia hạng hai”. Từ khi quay lại nắm quyền cách đây đúng một năm, ông Abe nỗ lực thiết lập tuần tự những công cụ kinh tế và định chế nhằm củng cố vị trí cường quốc của nước mình. Đặc biệt được rảnh tay hành động vì từ nay cho đến năm 2016 không có cuộc bầu cử nào quan trọng, ông Shinzo Abe có thể thoải mái triển khai những chiến lược của mình, ít nhất là trong thời gian đầu mà không phải lo lắng đến dư luận.
Thủy phi cơ tìm kiếm cứu hộ US-2.
Trong 12 tháng đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Shinzo Abe trước hết tập trung cho dự án làm hồi sinh kinh tế trong nước, được mệnh danh là “Abenomics”. Ông tin rằng muốn duy trì vai trò hàng đầu của nước Nhật trong khu vực, trước hết cần ra khỏi tình trạng giảm phát và có được tỉ lệ tăng trưởng ổn định.
Nay ông Abe muốn bước sang giai đoạn mới, đó là chú trọng đến vấn đề an ninh mà ông muốn tiếng nói của Nhật có được sức nặng trực tiếp. Nhật Bản phải đảm bảo được vấn đề quốc phòng của mình, đồng thời có thể hỗ trợ quân sự cho các đồng minh khi cần, nhất là đồng minh Hoa Kỳ. Quan điểm mới này trước hết được tiến hành trong nội bộ. Vào giữa tháng 12, chính quyền Nhật vốn suốt một thập kỷ qua vẫn ngần ngại chi cho quốc phòng, thông báo sẽ dành 170 tỉ euro cho lĩnh vực quân sự trong 5 năm tới, tăng 2,6%. Hết sức lo ngại tại biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh luôn đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát, Tokyo chủ yếu muốn tăng cường năng lực giám sát trên không và trên biển, đồng thời cải thiện các phương tiện can thiệp tại những hòn đảo xa xôi.
Nhưng ngân sách Nhật đang phải đối phó với món nợ công tương đương 250% tổng sản phẩm nội địa. Trong khi đó, theo ước tính của phương Tây, Bắc Kinh trong 12 tháng đã chi ra số tiền mà Tokyo có thể xài trong 5 năm.
Ông Shinzo Abe hy vọng tăng cường Bộ chỉ huy Lực lượng phòng vệ Nhật Bản - tên chính thức của quân đội Nhật qua việc thành lập các đơn vị mới. Ông thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo mô hình của Mỹ. Một đạo luật mới về bảo vệ bí mật Nhà nước cũng sẽ được áp dụng, dự kiến trừng phạt nặng các viên chức tiết lộ thông tin. Biện pháp này sẽ tạo điều kiện trao đổi thông tin với tình báo Mỹ, cho đến nay vẫn nghi ngại về sự thẩm lậu tin tức từ các bộ của Nhật Bản, không muốn trao đổi những thông tin quân sự nhạy cảm. Tokyo cũng muốn xem xét lại việc cấm xuất khẩu vũ khí. Những sáng kiến này giúp cho Nhật Bản củng cố liên minh quân sự với Hoa Kỳ cũng như các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương hiện cũng đang quan ngại trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Đó là vì song song với những cải cách trong nước, Tokyo còn triển khai chiến lược gây ảnh hưởng qua việc xích lại gần nhiều nước trong khu vực, vạch nên một vòng vây chống Trung Quốc. Trước ông Shinzo Abe chưa hề có một Thủ tướng Nhật nào liên tục công du tất cả các quốc gia ASEAN và hứa hẹn sẽ đến thăm Canberra, New Delhi. Ông triển khai quan niệm “chuỗi kim cương an ninh” bao gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và bang Hawaii của Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải trên các vùng biển lân cận. Không chỉ mặt điểm danh Trung Quốc, ông lưu ý là các quốc gia tham gia “chuỗi kim cương” này cũng tôn trọng những giá trị dân chủ và nhân quyền.
Ngân sách 922 tỷ USD cho năm tài khóa mới được thông qua khi kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi và chương trình tăng thuế sẽ tạo điều kiện cho tăng chi tiêu quốc phòng, hướng đến cân bằng ngân sách. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ dành 95,88 nghìn tỷ yên (922 tỷ USD) cho năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2014, tăng so với mức 92,61 nghìn tỷ yên. Sở dĩ Chính phủ Nhật Bản tăng ngân sách cho năm tài khóa tới là nhờ kỳ vọng chương trình tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4 năm sau sẽ mang lại khoản thu lên tới 50 nghìn tỷ yên, tăng 6,9 nghìn tỷ yên so với năm nay và cao nhất 7 năm trong khi tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo đạt 1,4%. Phần lớn ngân sách bổ sung sẽ dành hỗ trợ y tế và các chương trình phúc lợi xã hội khác. Ngoài ra, ngân sách cho quốc phòng cũng được tăng năm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh Nhật Bản tăng cường bảo vệ các đảo khi căng thẳng với Trung Quốc gia tăng. Cụ thể, ngân sách dành cho quốc phòng sẽ tăng 2,8% lên 4,88 nghìn tỷ yên, chiếm 5,1% tổng ngân sách.
Hương Trà
(Theo Kyodonews, AFP)