Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, phim tài liệu ドクちゃん ―フジとサクラにつなぐ愛― (Đức - Fuji và Sakura - Yêu thương tiếp nối cho mai sau), do Takae Linton làm giám đốc sản xuất và Kohei Kawabata đạo diễn, sẽ được phát hành ở Nhật Bản trên phạm vi toàn quốc vào ngày 3/5. Dự kiến, phim cũng sẽ được chiếu ở Việt Nam trong thời gian tới.
Giám đốc sản xuất Yoshie Ruth Linton (thường gọi là Ruth) biết đến câu chuyện của hai anh em Nguyễn Việt - Nguyễn Đức năm cô 7 tuổi thông qua một mẩu tin cũ và nhớ mãi không quên.
Năm 2010, cô sang Việt Nam để gặp hai nhân vật trong bản tin cho bằng được nhưng khi đó người anh Nguyễn Việt đã mất. Cũng kể từ đó, cô và Nguyễn Đức trở thành hai người bạn của nhau.
Năm 2022, các chiến sự nổ ra trên thế giới, Ruth bèn nhớ tới câu chuyện của người bạn Việt Nam và muốn làm một bộ phim tài liệu về anh. Ruth cho biết, với phim này, cô mong "khán giả sẽ trở thành người kể chuyện về hòa bình và truyền tải tầm quan trọng của hòa bình đến các bạn trẻ, những người tạo dựng nên tương lai của chúng ta".
Bước tiến vượt bậc của y học Việt Nam
Ngày 4/10/1988, các ý bác sĩ tiến hành phẫu thuật tách cặp bé trai song sinh bị dính liền ở Kon Tum. Ca mổ cũng trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học Việt Nam.
Được biết, điều kỳ tích này chưa từng có trong lịch sử y khoa thế giới tính tới thời điểm đó và được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991.
Chào đời năm 1981 tại Kon Tum, bị nhiễm chất độc da cam, cặp song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức có hình hài khác thường, chung nhau phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn, chung một đôi chân.
Sau hơn một năm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), đầu tháng 12/1982, hai anh em được Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cưu mang.
Năm 1986, sau một trận sốt, cậu anh trai Nguyễn Việt bị mắc viêm não và rơi vào tình trạng không thể vận động được. Suốt 2 năm sau đó, Đức phải sống chung với cơ thể bệnh tật của anh. Không chỉ bị tác động về mặt tâm lý và tinh thần, tình trạng đó của Việt cũng khiến sức khỏe của cậu em bị ảnh hưởng rất nhiều.
Năm 1988, các bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật tách rời cơ thể 2 đứa trẻ song sinh dính liền để cứu vãn tình trạng sức khỏe của hai anh em.
Mổ tách dính hai đứa trẻ là quyết định táo bạo của các bác sĩ khi ấy, bởi họ chưa từng mổ tách dính và dính nhau phức tạp như Việt - Đức. Các phương án mổ được chuẩn bị kỹ đến từng chi tiết.
Ngày 4/10/1988, ca phẫu thuật lịch sử tách rời 2 bé trai được diễn ra dưới sự tham gia của hơn 70 y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của cả Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác tại Bệnh viện Từ Dũ. GS.TS.BS Trần Đông A làm trưởng kíp mổ.
Ca phẫu thuật kéo dài 17 tiếng đồng hồ và thành công ngoài mong đợi. Đức hồi phục ngoạn mục. Anh có thể đứng vững, đi lại với chiếc chân bên phải và nạng, thậm chí chạy được xe đạp. Việt sống cuộc đời thực vật 19 năm, phụ thuộc vào máy móc và sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ. Năm 2007, Việt qua đời do viêm phổi, xuất huyết đường tiểu và suy thận.
Suốt 36 năm kể từ ca phẫu thuật lịch sử, nhìn lại quá khứ, hiểu rõ nỗi đau mà chiến tranh để lại trên chính cơ thể mình, anh Nguyễn Đức đã vượt lên nghịch cảnh và trở thành người truyền đi thông điệp hòa bình đến với thế giới.
Bên cạnh những công việc ngoài xã hội, hiện tại anh là trụ cột của tổ ấm hạnh phúc gồm bốn người với vợ hiền là chị Thanh Tuyền và cặp sinh đôi trai gái Phú Sĩ và Anh Đào. Anh Đức quyết định đặt tên 2 con là Phú Sĩ và Anh Đào như một sự tri ân các bác sĩ Nhật Bản đã góp phần đưa cuộc sống của anh sang trang mới.