Hà Nội

Nhật Bản phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới

05-11-2024 12:37 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 5/11, Nhật Bản đã phóng thành công vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới, mang tên LignoSat.

Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc khám phá không gian, đồng thời mở ra cánh cửa mới cho việc sử dụng vật liệu tái tạo trong các nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa.

Nhật Bản phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới- Ảnh 1.

Takao Doi, cựu phi hành gia người Nhật và là giáo sư tại Đại học Kyoto, đang cầm mô hình kỹ thuật của LignoSat. (Nguồn: Reuters)

LignoSat được phát triển thông qua sự hợp tác giữa Đại học Kyoto và công ty xây dựng Sumitomo Forestry. Vệ tinh sẽ được SpaceX phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trước khi được triển khai vào quỹ đạo, cách Trái Đất khoảng 400 km.

Tên gọi LignoSat bắt nguồn từ "lignum" trong tiếng Latin, có nghĩa là "gỗ". Với kích thước nhỏ gọn, chỉ bằng lòng bàn tay, LignoSat có mục tiêu chứng minh khả năng sử dụng gỗ trong không gian, phục vụ cho nhu cầu sống và làm việc của con người trong tương lai.

Giáo sư Takao Doi, một cựu phi hành gia hiện đang nghiên cứu về hoạt động không gian tại Đại học Kyoto, cho biết: "Với gỗ - một vật liệu mà chúng ta có thể tự sản xuất - chúng ta có khả năng xây dựng những ngôi nhà và tạo dựng cuộc sống bền vững trong không gian".

Nhóm nghiên cứu của ông đang đặt ra kế hoạch đầy tham vọng trong 50 năm tới để trồng cây và xây dựng nhà gỗ trên Mặt Trăng và Sao Hỏa. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, họ đã phát triển vệ tinh gỗ đầu tiên được NASA chứng nhận, nhằm thử nghiệm khả năng thích nghi của gỗ trong điều kiện khắc nghiệt của không gian.

Giáo sư Koji Murata từ Đại học Kyoto chia sẻ, gỗ đã từng là vật liệu chính trong ngành hàng không đầu thế kỷ 20, ông tin rằng vệ tinh bằng gỗ hoàn toàn khả thi. Hơn nữa, trong không gian, gỗ sẽ không bị mục nát hay cháy, giúp nó bền bỉ hơn trong môi trường khắc nghiệt của vũ trụ.

Việc sử dụng gỗ cho vệ tinh cũng mang lại nhiều lợi ích về môi trường. Những vệ tinh truyền thống thường cần phải trở lại bầu khí quyển sau khi hết hoạt động để tránh trở thành rác thải vũ trụ.

Khi tái nhập khí quyển, vệ tinh kim loại có thể tạo ra các hạt nhôm oxit gây ô nhiễm, trong khi vệ tinh gỗ sẽ cháy và ít gây hại hơn cho môi trường. Giáo sư Doi nhận định, nếu LignoSat chứng minh được hiệu quả, các vệ tinh kim loại có thể sẽ bị hạn chế, nhóm của ông dự định sẽ giới thiệu LignoSat đến SpaceX của Elon Musk.

Trong vòng 10 tháng thử nghiệm trên ISS, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng honoki, một loại mộc lan đặc trưng của Nhật Bản, là loại gỗ phù hợp nhất cho vệ tinh. Honoki được biết đến với độ bền cao và khả năng chống chịu tốt, từng được sử dụng để chế tác vỏ kiếm truyền thống.

LignoSat được chế tác thủ công mà không cần sử dụng ốc vít hay keo dán, sẽ duy trì trên quỹ đạo trong vòng 6 tháng, giúp các nhà khoa học nghiên cứu khả năng chịu đựng của gỗ trước sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt trong không gian, từ -100 đến 100 độ C trong vòng 45 phút khi vệ tinh đi qua các vùng tối và sáng của quỹ đạo.

Ngoài ra, LignoSat còn có nhiệm vụ đo lường khả năng giảm tác động của bức xạ vũ trụ lên các linh kiện điện tử, từ đó mở ra tiềm năng ứng dụng gỗ trong các trung tâm dữ liệu tương lai.

Kenji Kariya, giám đốc Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Tsukuba Sumitomo, nhấn mạnh: "Dù gỗ có vẻ như là một vật liệu cổ điển, nhưng trong bối cảnh thám hiểm vũ trụ, nó thực sự là công nghệ tiên tiến".

Núi Phú Sĩ - Nhật Bản không có tuyết dài nhất trong hơn 130 nămNúi Phú Sĩ - Nhật Bản không có tuyết dài nhất trong hơn 130 năm

SKĐS - Tính đến ngày 29/10, núi Phú Sĩ, biểu tượng thiêng liêng của Nhật Bản, vẫn chưa có tuyết phủ - ghi nhận kỷ lục mới về thời gian không có tuyết dài nhất trong hơn 130 năm.


Xuân Minh
(Theo Reuters, The Straits Times)
Ý kiến của bạn