Chuyến thăm một ngày (24/6) tới Nhật Bản của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã và đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, trong bối cảnh Philippines và Nhật Bản phải đối mặt với những căng thẳng tranh chấp lãnh hải từ Trung Quốc.
Phát biểu tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino trước khi tới Nhật Bản, Tổng thống Aquino nhấn mạnh: “Tôi gặp Thủ tướng Shinzo Abe để cùng thảo luận về những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích hai nước”. Dù không nói ra, nhưng giới phân tích cho rằng ưu tiên chính trong chuyến công du Nhật Bản lần này của ông Aquino chính là “thắt chặt sợi dây liên kết” giữa Nhật Bản và Philippines trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines gặp nhau tại Tokyo.
Ngay trong Hội nghị Thượng đỉnh với ông Shinzo Abe tại Tokyo (24/6), ông Aquino nhấn mạnh rằng, Philippines ủng hộ những nỗ lực của Nhật Bản trong việc mở rộng vai trò quân sự trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có các hành động ngang ngược làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông. “Chúng tôi tin rằng các quốc gia có thể được hưởng lợi nếu Chính phủ Nhật Bản được trao quyền để giúp đỡ người khác và trợ giúp các quốc gia khác trong vấn đề phòng vệ tập thể” - Tổng thống Aquino cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn sau đây của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh với Abe. Ông Aquino đưa ra tuyên bố này trong bối cảnh đảng cầm quyền của ông Abe đang gặp phải nhiều khó khăn nhằm nỗ lực sửa đổi hiến pháp Nhật Bản xây dựng quyền phòng vệ tập thể.
Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản và Philippines ngày 24/6, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau nhấn mạnh sự cần thiết của việc sử dụng “pháp luật” để giải quyết các tranh chấp khu vực, trước các động thái gây hấn của Trung Quốc. Ông Aquino cũng nhấn mạnh rằng, Nhật Bản là một đối tác chiến lược của Philippines và rằng điều quan trọng là hai bên cần sát cánh để “cùng nhau đối mặt với những thách thức có thể làm thay đổi cấu trúc môi trường an ninh khu vực”.
Một ưu tiên quan trọng trong chuyến thăm Nhật Bản lần này chính là lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Hiện nay, Nhật Bản đang trợ giúp Philippines nâng cao năng lực giám sát trên biển. Tháng 7 năm ngoái, khi tới Manila, Thủ tướng Abe đã cam kết Nhật Bản sẽ giúp đỡ củng cố năng lực giám sát biển cho Philippines bằng việc cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm giám sát những vùng lãnh hải tranh chấp. Đây được coi là một động thái chưa từng có cho thấy sự khởi sắc trong quan hệ hai nước trong lĩnh vực an ninh. Theo đánh giá chung, Philippines là đối tác về an ninh tốt nhất trong khu vực của Nhật Bản. Một Nhật Bản đang ngày càng muốn có vai trò lớn hơn trong khu vực và một Philippines đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước lớn trước sự o ép ngày càng tăng của Trung Quốc là một sự kết hợp khá hoàn hảo. Nhất là khi giữa hai nước hầu như không tồn tại vấn đề nào đáng kể.
Các động thái gần đây cho thấy Nhật Bản coi ASEAN là ưu tiên trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Bẳng chứng là Thủ tướng Abe đã đi thăm toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi nhậm chức. Philippines với vị trí địa lý của mình là một cầu nối quan trọng giữa Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, xét về kinh tế, Nhật Bản là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines với tổng kim ngạch đạt 13 tỷ USD trong năm 2012. Nhật Bản cũng là nhà trung gian hòa giải chủ chốt trong tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Philippines và Mặt trận giải phóng hồi giáo Moro nhằm chấm dứt 40 năm xung đột tại miền Nam Philippines.
Nhật Bản hiện là một trong hai quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với Philippines. Chính vì thế, mặc dù Tổng thống Aquino chỉ ở Nhật Bản trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ nhưng chuyến thăm này được dư luận và báo chí Nhật Bản nói riêng, báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm. Bình luận về chuyến thăm này, tờ Sankei nhận xét rằng, thông qua việc tăng cường hợp tác với Philippines, Thủ tướng Abe muốn kiềm chế chính sách tiến ra đại dương đầy hung hăng của Trung Quốc. Đài truyền hình NHK thì đánh giá Philippines coi chuyến thăm là cơ hội tốt để thúc đẩy hơn nữa sự trợ giúp của Nhật Bản trong việc đối phó với Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông.
(Theo CNN, AP)