Hà Nội

Nhật Bản ngày càng lạnh lùng với Trung Quốc

27-02-2014 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thái độ không khoan nhượng của Nhật Bản đối với Trung Quốc ngày càng được thể hiện rõ nét.

Thái độ không khoan nhượng của Nhật Bản đối với Trung Quốc ngày càng được thể hiện rõ nét. Vừa qua, có thêm hai động thái của chính quyền Tokyo cho thấy Nhật Bản đã mất kiên nhẫn đối với Trung Quốc, trong đó có ý nghĩa hơn cả là việc xóa bỏ công thức hữu hảo đối với Trung Quốc trong quyển Sách Trắng về viện trợ cho phát triển ODA vừa được công bố.

Tranh chấp biển đảo khiến quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản ngày càng căng thẳng.

Tranh chấp biển đảo khiến quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản ngày càng căng thẳng.

Theo nhật báo Asahi Shimbun  ra ngày  22/2/2014, Bộ Ngoại giao Nhật Bản  ngày 21/2/2014 đã công bố quyển Sách Trắng mới nhất của Tokyo về ODA - ấn bản 2013. Điều đáng chú ý là trong tài liệu này, cụm từ từng được dùng trước đây để mô tả tính chất quan hệ song phương Nhật Bản - Trung Quốc đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Khái niệm được ghi nhận là “mối quan hệ hai bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung” giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã hoàn toàn biến mất. Trong những tài liệu trước đây, cụm từ này thường được đưa vào để tượng trưng cho mong muốn của Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc.

Điều thể hiện rõ chuyển biến trong lập trường của Nhật Bản đối với Trung Quốc là chính dưới thời ông Shinzo Abe làm Thủ tướng Nhật Bản lần đầu vào năm 2006 mà câu nói hữu hảo này trở nên thông dụng. Khi ấy, ông Abe đã cùng với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đạt được thỏa thuận về việc hướng tới một mối quan hệ như vậy nhân một cuộc họp thượng đỉnh Nhật Bản - Trung Quốc.

Cụm từ hữu hảo này xuất hiện lần đầu tiên trong quyển Sách Trắng về ODA, ấn bản năm 2008. Trong các phiên bản sau đó, vào hai năm 2011 và 2012, nhóm từ này vẫn tồn tại và được lồng vào trong một câu nói thận trọng hơn: “Trong bối cảnh mối quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc hiện nay nhằm hoàn thành và làm sâu sắc thêm một “mối quan hệ hai bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung”, điều quan trọng là cùng nhau xây dựng một loại hình hợp tác mới. Với việc xóa hẳn cụm từ “hữu hảo” kể trên trong ấn bản mới nhất của tài liệu về ODA Nhật Bản, chính quyền Tokyo đã cho thấy thái độ cứng rắn hơn của họ đối với Bắc Kinh.

Giới quan sát cũng gắn liền thái độ cứng rắn đó với việc chính quyền Nhật Bản tỏ ra nghiêm khắc hơn đối với tàu đánh cá Trung Quốc bị tình nghi phạm pháp trong vùng biển Nhật Bản. Sự vụ mới nhất cũng vừa xảy ra khi một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc bị chặn bắt ngoài khơi thành phố Goto thuộc tỉnh Nagasaki của Nhật Bản. Chiếc tàu với thủy thủ đoàn gồm 9 người, đăng ký tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã bị buộc tội có “hải trình hoạt động không đúng sự thật” và bị đưa về tạm giữ ở Hakata thuộc tỉnh Fukuoka. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Fukuoka đã yêu cầu chính quyền Nhật Bản bảo đảm an toàn cho các thủy thủ và viên thuyền trưởng, đồng thời xử lý vụ việc một cách đúng đắn.

Vụ bắt giữ chiếc tàu cá Trung Quốc lần này khiến giới phân tích nhớ lại sự cố năm 2010, khi một tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản tại vùng Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo khi ấy đã cho bắt giữ viên thuyền trưởng Trung Quốc. Thế nhưng trước sức ép của Bắc Kinh, huy động những cuộc biểu tình bài Nhật rầm rộ, Chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ đã phải lùi bước và trả tự do vô điều kiện cho viên thuyền trưởng này.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, trong một cuộc họp báo, ông Abe đã nói rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang ở trong “tình trạng tương tự” như Anh và Đức trước năm 1914, khi mà quan hệ về kinh tế giữa hai nước này không thể ngăn chặn được xung đột. Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nếu xung đột quân sự nổ ra thật thì đó sẽ “không chỉ là tổn thất lớn đối với Nhật Bản và Trung Quốc  mà còn là đối với thế giới và chúng ta cần phải chắc chắn rằng điều đó không xảy ra”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nhận định, Nhật Bản và Trung Quốc nên tránh những sai lầm trong quá khứ của Anh và Đức khi tham chiến trong chiến tranh Thế giới thứ nhất.

  Hà Phương

 (Theo Kyodonews, AFP)

 


Ý kiến của bạn