Nhật Bản: Kỷ nguyên Shinzo Abe đã kết thúc

31-08-2020 09:22 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chính trường Nhật Bản vừa trải qua một cú sốc khi Thủ tướng nước này - ông Shinzo Abe tuyên bố từ chức sau 8 năm lãnh đạo đất nước vì vấn đề sức khỏe. Kỷ nguyên Shinzo Abe đã kết thúc.

Di sản của Thủ tướng Nhật Bản

Kết thúc nhiều tuần đồn đoán về vấn đề sức khỏe của Thủ tướng Nhật Bản,  mới đây, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản Shinzo Abe bất ngờ tuyên bố từ chức, trong khi còn 1 năm nữa ông mới kết thúc nhiệm kỳ và trong bối cảnh  đất nước gặp nhiều thách thức như dịch COVID-19 vẫn hoành hành, kinh tế đi xuống, nhiều tham vọng chính trị của nhà lãnh đạo này chưa thành hiện thực. Căn bệnh viêm đại tràng cũng là căn bệnh khiến vị Thủ tướng này phải từ nhiệm  sau 1 năm làm Thủ tướng ở nhiệm kỳ đầu tiên hồi năm 2007, lúc ông mới 52 tuổi.

Tại cuộc họp thông báo việc từ chức, vị Thủ tướng 65 tuổi đã xin lỗi người dân vì không thể hoàn thành nhiệm vụ, ông  nói: “Tôi không còn đủ điều kiện để có thể đáp ứng sự ủy thác của người dân nên tôi đã quyết định rời khỏi vị trí Thủ tướng”. Ông Shinzo Abe đã trở thành người giữ kỷ lục về số ngày tại vị liên tục lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản với vai trò Thủ tướng trong 2.799 ngày kể từ khi quay lại ghế Thủ tướng vào cuối năm 2012.

Trong suốt 8 năm tại vị, Thủ tướng  S.Abe gặt hái được nhiều thành công, đem lại nhiều đổi thay cho xứ sở Mặt trời mọc, đó là sự ổn định chính trị kéo dài tại Nhật Bản, đáng kể nhất là chính sách kinh tế với tên gọi Abenomics với hàng loạt biện pháp cải cách, đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ, kinh tế tăng trưởng liên tục trong 71 tháng, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua. Kinh tế Nhật Bản bắt đầu đi xuống kể từ đầu năm nay do tác động của dịch bệnh COVID-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Trên lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Nhật Bản đã có nhiều  thành tựu như củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, đặc biệt ông có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nhà lãnh đạo thế giới khác.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, tỉ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Abe đã liên tục giảm, một phần do sự ứng phó chậm chạp và thiếu quyết liệt của Chính phủ trước sự bùng phát của dịch COVID-19. Một cuộc thăm dò ý kiến của Kyodo News vào tháng 8 cho thấy 58,4% không hài lòng với cách xử lý của chính phủ đối với đại dịch. Tỉ lệ ủng hộ cho Nội các của Thủ tướng S. Abe đạt 62% khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2 nhưng chỉ còn 36% vào tháng 8.

Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố từ chức.

Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố từ chức.

Nhật Bản chạy đua tìm người kế nhiệm

Quyết định đột ngột của Thủ tướng Abe đã khiến chính trường Nhật Bản bất ngờ. Câu hỏi đặt ra là liệu ai sẽ thay thế Thủ tướng S.Abe và khi nào điều này xảy ra? Ông Abe cho biết, sẽ tiếp tục sự nghiệp chính trị với tư cách một nhà lập pháp, đồng thời phủ nhận thông tin rằng sẽ từ giã chính trường.

Hiện Thủ tướng Abe chưa đề cập đến tên của người có khả năng kế nhiệm, nhưng tại trung tâm chính trị của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cuộc chạy đua tìm người thay thế ông S.Abe đang tăng tốc. Theo danh sách dự đoán của Bloomberg, một số gương mặt tiềm năng có thể kế nhiệm Thủ tướng Abe bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso. Trong cuộc khảo sát vào cuối tuần qua của Kyodo cho thấy, 23,3% người được hỏi cho rằng ông Ishiba nên là Thủ tướng tiếp theo, 11% muốn ông Abe ở lại cương vị Thủ tướng, 8,4% đề xuất Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi (39 tuổi, con trai của cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi), 7,9% ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono và 2,8% ủng hộ ông Kishida lãnh đạo đất nước.

LDP sẽ tổ chức bầu chọn lãnh đạo vào ngày 15/9 tới để tìm người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe. Người nắm giữ chức Chủ tịch LDP gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng. Tân Thủ tướng chắc chắn sẽ phải đối mặt bộn bề công việc như ứng phó với đại dịch COVID-19, vực dậy nền kinh tế, sửa đổi Hiến pháp và tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2021 cũng như nhiều vấn đề ngoại giao trong tình hình mới.


Trần Hải
Ý kiến của bạn