Cho đến giờ, Nghị định thư Kyoto vẫn là công cụ pháp lý duy nhất quy định các ràng buộc về con số cụ thể đối với các nước công nghiệp phát triển (ngoại trừ Hoa Kỳ là nước không ký vào nghị định thư) trên vấn đề phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vì thế mà tạo ra bước tiếp nối cho văn kiện này là mục tiêu chính của hội nghị Cancun. Các nước đang phát triển xem đây là một điều kiện chủ chốt để một ngày nào đó tiến tới hiệp ước toàn cầu về vấn đề khí hậu. Còn đối với các nước phát triển, theo như một nhà đàm phán châu Âu tại hội nghị thì Nghị định thư Kyoto liên quan đến tất cả mọi nước, ta có thể mong đợi ở Cancun những quyết định ở tầm mức cao nhất .
Các nước công nghiệp “hun” trái đất trong nhà kính. |
Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, châu Âu đơn độc đấu tranh cho việc gia hạn Nghị định thư Kyoto. Phát biểu của đại diện Nhật Bản tại hội nghị như một gáo nước lạnh dội vào quyết tâm của các nước châu Âu. Ông Minakawa lý giải: “Việc gia hạn Nghị định thư Kyoto chẳng có nghĩa gì khi mà các nước ký vào văn bản chỉ chiếm 27% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu”. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh thêm rằng các nước ký tên vào hiệp định Copenhaghen (một văn bản không có ràng buộc pháp lý nào) vẫn chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu. Vì vậy, điều mà Nhật Bản yêu cầu đó là phải mau chóng thông qua các văn bản ràng buộc pháp lý dựa trên thỏa thuận đạt được tại Copenhaghen. Theo các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường thì đề nghị này không khả thi vì phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thiện được hiệp định như vậy.
Trong mớ bòng bong đó, liệu còn có khả năng để cứu vớt Nghị định thư Kyoto nói riêng và hội nghị Cancun nói chung hay không? Một quan chức Liên hiệp quốc về khí hậu tuyên bố: “Do các lập trường về Nghị định thư Kyoto khác nhau nên tại Cancun sẽ không thể có được quyết định triệt để theo hướng này hay hướng khác, các bên sẽ phải tìm ra một thỏa hiệp chấp nhận được”. Nói tóm lại Cancun rồi cũng sẽ thất bại như các hội nghị về môi trường toàn cầu trước đây mà thôi.
Nội dung Nghị định thư Kyoto thể hiện sự thống nhất giữa các quốc gia công nghiệp trong vấn đề cắt giảm khí thải trên 5,2% so với năm 1990 (lưu ý rằng mức độ cắt giảm theo đó đến năm 2010 phải đạt được thì chỉ tiêu này là khoảng 29%). Mục tiêu hướng đến việc giảm thiểu các loại khí carbon dioxide, methane, nitơ ôxít, lưu huỳnh hexafluorua, clorofluorocarbon và perflourocarbon trong khoảng thời gian 2008-2021. Mức trần đã được qui định cho các nước tham gia cụ thể là 8% mức cắt giảm cho Liên minh châu Âu và 7% cho Hoa Kỳ, 6% với Nhật Bản, 0% với Nga trong khi mức hạn ngạch cho phép tăng của Úc là 8%, và 10% cho Ireland. |