Trận đấu thứ hai trong lượt trận thứ hai Bảng C Vòng chúng kết giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup 2014) là cuộc đối đầu giữa Nhật Bản và Hy Lạp - hai đội bóng từng để thua trong lượt trận đầu tiên. Do vậy, trận đấu này có ý nghĩa sống còn trong việc nuôi hy vọng giành một tấm vé đi tiếp của đương kim vô địch châu Á và cựu vương trời Âu.
Cách hai đội bóng khởi đầu trận đấu này thể hiện rõ sự thận trọng của HLV hai đội. Về phía đội tuyển Nhật Bản, các “Samurai Xanh” áp dụng lối chơi bóng ngắn, phối hợp nhóm, cầm bóng chắc ở phần sân nhà. Trong khi đó, đại diện đến từ châu Âu vẫn sử dụng lối đá quen thuộc là các đường lên bóng từ biên và kết thúc với một đường chuyền dài vào cho cầu thủ chơi cao nhất trong đội hình là Mitroglou.
Tiền đạo Georgios Samaras (trái) đội tuyển Hy Lạp khống chế bóng bổng trước hậu vệ Atsuto Uchida (phải) đội tuyển Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Những tình huống nguy hiểm đầu tiên của trận đấu thuộc về Nhật Bản với các pha sút xa liên tục của Osako. Tình huống thực sự uy hiếp khung thành đối phương đầu tiên cũng thuộc về Nhật Bản với pha đá phạt trực tiếp rất căng từ cự ly 24 mét của Honda, buộc thủ môn Hy Lạp phải đẩy bóng. Ở những phút sau đó, thế trận hai đội tạo ra không thực sự hấp dẫn, ý đồ chiến thuật của các HLV cũng không được thể hiện rõ ràng. Ngay cả tình huống thay người đầu tiên của trận đấu cũng là một quyết định bắt buộc vì lý do chấn thương chứ không mang ý nghĩa về sự điều chỉnh chiến thuật. Phút thứ 35, tiền đạo Mitroglou của Hy Lạp gặp phải chấn thương và phải rời sân nhường vị trí cho Gekas.
Trong thế trận không nổi bật của hai đội, Nhật Bản bất ngờ có được lợi thế hơn người khi tiền vệ Katsouranis của Hy Lạp phải nhận thẻ vàng thứ hai trong trận đấu, đồng nghĩa với một thẻ đỏ, và phải rời sân ở phút thứ 38. Tuy nhiên, thi đấu trong thế hơn người, các cầu thủ Nhật Bản cũng không tạo ra được thế trận lấn lướt hơn trong những phút còn lại của hiệp một. Không những vậy, dù mất người, các cầu thủ Hy Lạp lại có những phút vùng lên bất ngờ và tạo ra một vài tình huống sóng gió trước khung thành của thủ môn Kawashima. Sau 45 phút thi đấu đầu tiên, hai đội rời sân mà không ghi được bàn thắng nào.
Bước vào hiệp hai, nhờ lợi thế hơn người và sự điều chỉnh chiến thuật với sự có mặt của Endo (phút thứ 45) và Kagawa (phút thứ 57) từ băng ghế dự bị, thay cho vị trí của Hasebe và Osako, Nhật Bản đã giành được thế chủ động và quyền kiểm soát bóng vượt trội. Những tình huống cầm bóng và phối hợp nhuần nhuyễn của Nhật Bản đã khiến các cầu thủ Hy Lạp phải nhiều lần phạm lỗi. Tuy nhiên, khả năng tận dụng các tình huống cố định của “Samurai Xanh” là không tốt.
Trong phần lớn thời gian của hiệp hai, các cầu thủ Nhật Bản vẫn miệt mài tấn công nhưng phải chờ đến khi tiền vệ vào sân thay người Kagawa “làm quen” với trái bóng trên sân, những tình huống hãm thành của Nhật Bản mới trở nên sáng sủa và có đường nét hơn.
Trong khi đó, thầy trò HLV Santos kiên nhẫn chơi phòng ngự chặt và chờ đợi những tình huống phản công cũng như cơ hội từ những tình huống đá phạt cố định, đặc biệt là các quả phạt góc với lợi thế về chiều cao, trong tình thế Hy Lạp phải chơi thiếu người. Thế nhưng, tính sáng tạo và đột phá trong các tình huống tấn công của cả hai bên đã không đủ để có thể một lần chọc thủng lưới đối phương.
Kết thúc trận đấu, hai đội hòa nhau không bàn thắng. Với trận hòa này, cả Hy Lạp và Nhật Bản đều rơi vào tình thế khó khi sẽ buộc phải giành chiến thắng trong lượt trận đấu cuối. Trong khi Nhật Bản phải thắng Colombia (đã chính thức giành vé vào vòng trong), thì Hy Lạp phải đối đầu với Côte d’Ivoire đội bóng sẽ cạnh tranh trực tiếp tấm vé còn lại với Hy Lạp và Nhật Bản.