Hà Nội

Nhật Bản đầu tư mạnh cho quốc phòng

19-12-2013 01:04 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 17/12/2013, Tokyo quyết định tăng 5% chi tiêu quân sự trong vòng 5 năm tới.

Ngày  17/12/2013, Tokyo quyết định tăng 5% chi tiêu quân sự trong vòng 5 năm tới. Đây là lần thứ hai kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố Nhật Bản đầu tư mạnh cho quốc phòng. Lần này, Thủ tướng Nhật quyết định chi thêm 24.700 tỷ yên (trên 200 tỷ USD Mỹ) cho mục đích quân sự giai đoạn 2014-2019.

Với ngân sách như vậy trong vòng 5 năm tới, quân đội Nhật Bản bao gồm các lực lượng hải lục không quân sẽ được trang bị thêm nhiều loại vũ khí tối tân như chiến đấu cơ của Mỹ thế hệ mới F35 hay tàu chiến được trang bị hệ thống phòng không Aegis cũng như gia tăng số tàu ngầm thêm 5 chiếc. Nhật Bản vẫn cho rằng Trung Quốc còn tiếp tục gây hấn với mình và sớm muộn thì cũng sẽ xảy ra va chạm giữa chiến đấu cơ hay tàu chiến của hai nước. Nhật Bản đã quyết định sẽ mua thêm chiến đấu cơ F35 cùng nhiều tàu chiến trang bị hệ thống phòng không Aegis. Điều chủ yếu là Nhật Bản sẽ thay đổi chiến lược quốc phòng, theo đó, Tokyo sẽ tập trung vào khu vực phía Nam quần đảo trực diện với Trung Quốc. Cho đến giờ, quân đội Nhật vẫn dồn lực lượng về miền Bắc đối diện với các nước thuộc Liên Xô cũ.

Nhật Bản được đánh giá có lực lượng hải quân hùng hậu.

Quân đội Nhật sẽ thành lập một đơn vị đổ bộ xe lội nước được bố trí ở phía biển Hoa Đông cùng với các đội tàu ngầm và máy bay không người lái, máy bay lên thẳng. Lực lượng này nhằm bảo đảm khả năng phòng thủ cho quần đảo Senkaku. Đây cũng là khu vực nằm dưới vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc vừa được Bắc Kinh áp đặt. Được biết, Nhật Bản sẽ thành lập một lực lượng cơ động hỗn hợp đặt trong khuôn khổ chiến lược của Hoa Kỳ, đồng thời có khả năng đối phó với một cuộc xâm lược đồng bộ của hải lục không quân vào quần đảo Nhật Bản.

Nhật Bản nhận định: “Trung Quốc âm mưu làm thay đổi nguyên trạng trên biển Hoa Đông và Hoa Nam , đơn phương đưa ra những đòi hỏi (chủ quyền) không phù hợp với trật tự quốc tế. Chế độ Trung Quốc được mô tả là “có chính sách thiếu minh bạch về quốc phòng và an ninh nội bộ gây lo ngại cho chính (người dân) Trung Quốc và cộng đồng quốc tế”. Áp dụng ngạn ngữ “muốn hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh”, Nhật Bản đầu tư mạnh cho quốc phòng, mua thêm máy bay, đóng thêm tàu chiến, thành lập lực lượng đổ bộ và tái bố trí lực lượng”.

Thủ tướng Shinzo Abe còn muốn tiến xa hơn, tu chỉnh Hiến pháp chủ hòa, cho phép quân đội “tự vệ” can thiệp ở nước ngoài hoặc để trợ giúp một quốc gia đồng minh. Sự kiện ba chiến hạm cùng 1.200 quân nhân Nhật Bản sang Philippines cứu trợ nạn nhân bão Haiyan có thể xem là một động thái thăm dò trắc nghiệm. Bằng hành động cụ thể, Nhật Bản thông báo viện trợ cho 10 nước Đông Nam Á 20 tỷ USD nhân Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN hồi tuần trước. Nhật Bản cũng có kế hoạch cung cấp tàu tuần duyên cho Philippines qua ngân sách viện trợ phát triển.Trong năm nay, Trung Quốc đã nhiều lần trắc nghiệm phản ứng của Nhật Bản với việc đưa tàu tuần duyên xâm nhập lãnh hải và máy bay trinh sát tiến gần không phận Senkaku/Ðiếu Ngư. Tháng Giêng 2013, lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc chĩa rađa tác xạ tên lửa vào một tuần dương hạm của Nhật Bản. Gần đây nhất và nghiêm trọng nhất, Bắc Kinh thông báo thành lập vùng phòng không trên biển Hoa Ðông chồng chéo với không phận của Nhật Bản, Hàn Quốc và Ðài Loan. Hiện nay, quân đội Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn Nhật Bản vì các căn cứ không quân và hải quân đóng gần địa bàn xung khắc trên biển Hoa Ðông, trong khi quân đội Nhật tập trung ở phía Bắc đối diện với Nga từ thời Chiến tranh lạnh, theo kế hoạch hợp tác với Mỹ.

Song Minh

 (Theo Kyodonews, Reuters)

 


Ý kiến của bạn