Với lịch học được cả gia đình và nhà trường “giăng” ra như hiện nay, cùng với chương trình học luôn ở mức quá tải khiến các em học sinh phải chịu áp lực lớn trong tiếp thu kiến thức, kết quả học tập. Đặc biệt trước mỗi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, không ít sĩ tử phải nhập viện tâm thần để điều trị, để lại “cú sốc” lớn cho cả gia đình, sĩ tử và nỗi lo quá tải bệnh viện.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tư vấn cho một học sinh bị stress nặng sau kỳ thi.
Thẫn thờ chờ giấy báo ra viện
Theo quan sát, ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội ở một số khoa, phòng: bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở đây đa số còn rất trẻ, nhiều trường hợp đang là học sinh, sinh viên tại một số trường THPT, đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Phóng viên có thời gian trao đổi với em Trương Hoàng Yến (Thái Bình). Yến cho biết, mới được gia đình cho nhập viện từ ngày 15/3 do bị ngất tại phòng trọ, có biểu hiện hoảng loạn, mất trí nhớ. Trước đó đang ôn luyện tại trung tâm luyện thi đại học ngoại ngữ - tin học của Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1. Cũng theo Yến, sở dĩ em bị rơi vào tình trạng này do lo ôn thi, sử dụng hoàn toàn quỹ thời gian cho luyện thi đại học và hầu hết thức trắng đêm, có thể chỉ ngủ được 3 - 4 giờ/ngày. Yến lo nhất là không biết có kịp tham gia kỳ thi đại học lần này không do vẫn còn trong quá trình điều trị. Nằm ở phòng bên cạnh là Nguyễn Thị Trang (quê Hoài Đức, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tương tự như Yến. Các bác sĩ cũng kết luận Trang bị rối loạn stress do thiếu ngủ, dùng thuốc chống buồn ngủ trong thời gian dài. Trang cho biết, để chuẩn bị tham gia kỳ thi đại học, em dành phần lớn thời gian tập trung đọc sách và luyện bài, thường xuyên thức thông đêm đến gần sáng. Hầu như không ngày nào em ngủ đúng giờ, đủ giấc. Ăn uống thất thường. Để tỉnh táo vào ban đêm thì liên tục phải uống trà đặc, cà phê, kể cả thuốc chống buồn ngủ. Cũng chính từ việc liên tục thức khuya trong thời gian dài để ôn thi khiến nhiều sĩ tử rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần như hai trường hợp kể trên. Không ít trường hợp sĩ tử phải nhập viện khám và điều trị bệnh. Theo số liệu thống kê từ các bệnh viện tâm thần thì thời điểm trước mỗi mùa tuyển sinh, con số này tăng đột biến. Không ít khoa trong bệnh viện trở nên quá tải. Do điều trị chứng rối loạn tâm thần cần có thời gian nên không ít sĩ tử không kịp dự kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đăng ký trước đó.
Một bệnh nhân phải nhập viện tâm thần do bị stress.
Nguy cơ “tâm thần” cận kề
Trao đổi với BS. Dương Đình Phúc, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần kinh - Bệnh viện 354 về vấn đề này, được biết, có rất nhiều nguyên nhân gây hội chứng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, áp lực phải đỗ đại học từ phía gia đình hoặc bản thân các em lại là nguyên nhân chính gây nên rối loạn stress. Thêm vào đó là khối lượng kiến thức lớn, mật độ thi dày đặc cũng khiến các em căng thẳng, mệt mỏi. Lâu dần, nếu không được nghỉ ngơi một cách hợp lý rất có thể dẫn đến bệnh rối loạn stress hoặc nặng hơn là rối loạn tâm thần. Một nguyên nhân chủ quan liên quan đến bệnh rối loạn stress của hàng loạt học sinh, sinh viên là yếu tố cơ địa của từng em. Lượng hormon có tên khoa học serotonin trong cơ thể bị giảm, nguy cơ học sinh, sinh viên mắc rối loạn trầm cảm cao. Rối loạn trầm cảm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng rất khó điều trị, sẽ để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Theo BS. Dương Đình Phúc, để ôn thi hiệu quả, các em cần sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi phù hợp, nên dành ít nhất 6 tiếng/ngày để ngủ. Không nên dùng thuốc bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ bởi chỉ có một vài loại có tác dụng hỗ trợ học sinh trong thời gian ôn thi căng thẳng nhưng hiệu quả rất nhỏ. Theo BS. Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, tốt nhất là chúng ta phải có sự giáo dục về nhân cách, về cuộc sống, về nhận thức để các bạn trẻ tự đứng vững khi gặp những khó khăn, trở ngại và có đủ tự tin, nhận thức để có thể chống chọi với các stress trong cuộc đời.
Hỏa Long
Việc ổn định tâm lý và đảm bảo sức khỏe cho các sĩ tử bước vào mùa thi một cách an toàn là một việc làm quan trọng và cần tới sự tham vấn tâm lý tích cực, cũng như sự phối hợp thường xuyên có tính mật thiết giữa gia đình và nhà trường. Có như vậy mới kiểm soát và thay đổi được tình trạng rối loạn tâm lý do thi cử. |