Theo các bác sĩ, may mắn, các trường hợp này đều được đưa đến bệnh viện kịp thời, tuy nhiên đây cũng là thực tế cảnh tỉnh các gia đình cần đặc biệt lưu ý khi trông nom trẻ, bởi chỉ một phút lơ là của người lớn cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí còn làm nguy hiểm đến tính mạng của trẻ…
Trẻ lãnh hậu quả... vì sự lơ là của người lớn
Ngày 26/10, BVĐK trung tâm Tiền Giang cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bé Huỳnh Khải Đ. (4 tuổi) nhập viện cấp cứu vì uống nhầm nước rửa sơn móng tay. Mẹ bé cho biết do thấy chai trà xanh không độ để trên bàn, tưởng nhầm là nước uống nên bé lấy uống, sau đó bé ói, kêu khóc. Sau khi phát hiện con trai uống chai hóa chất, mẹ bé Đ. dùng tay móc họng kích thích cho bé nôn ra, rồi đưa vào BVĐK trung tâm Tiền Giang cấp cứu. Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sĩ cho biết bé Đ. bị bỏng nước vùng miệng, kêu đau họng. Bé được bác sĩ cho thuốc giảm đau và truyền nước biển. Hiện sức khỏe của bé đã ổn định.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ cho biết nước rửa sơn móng tay là hợp chất hữu cơ, không màu, dễ cháy, có mùi ngọt gắt. Hợp chất này tan trong nước và là dung môi chủ yếu dùng để làm sạch phòng thí nghiệm, đồng thời là chất dùng để tổng hợp các chất hữu cơ và còn được sử dụng trong các thành phần hoạt chất của sơn móng tay. Hợp chất này khi dính vào da gây ngứa da. Thậm chí với liều cao, còn gây ức chế thần kinh trung ương gây hôn mê, ức chế trung tâm hô hấp, gây rối loạn nhịp thở, ngừng thở.
Chiếc ấm siêu tốc là thủ phạm khiến bé H. phải nhập viện vì bỏng độ 2
Tại BVĐK Xanh pôn, cháu Quốc H. (13 tháng tuổi ở huyện Đông Anh, Hà Nội) đang điều trị bị bỏng nặng từ chiếc ấm siêu tốc. Thi thoảng cháu khóc ré lên vì đau và rát do những vết bỏng gây ra. Mẹ cháu kể, hôm đó sau khi đổ đầy nước vào chiếc ấm siêu tốc để đun, biết con hiếu động hay đùa nghịch, chị đã đặt vào góc phòng rồi mới cắm điện. Sau đó, chị ra ngoài phơi quần áo. Nhưng chưa đầy 5 phút sau, nghe tiếng con khóc ré lên, chị vội chạy vào xem thì đã nhìn thấy con đang ôm cả chiếc ấm siêu tốc vào người. Ngay lập tức, bé được đưa đến viện cấp cứu và nhập viện điều trị với chẩn đoán bỏng độ 2.
Nằm cách bé Q.H. một giường, bé H. (9 tháng tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) bị bỏng ở vùng chân do với tay vào phích nước sôi mẹ để ngay chiếc bàn thấp cạnh đó. Diện tích bỏng 15% cơ thể khiến vết bỏng đau rát nên bé H. liên tục khóc.
Nguy hiểm luôn rình rập trẻ nhỏ
Theo các bác sĩ hầu hết các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra đều do sự bất cẩn của người lớn khi trông nom, chăm sóc các cháu nhỏ, ngoài các trường hợp kể trên, thời gian qua tại một số cơ sở điều trị chuyên khoa Nhi cũng đã tiếp nhận các trường hợp trẻ nuốt phải dị vật như tăm, tụ điện trong điều khiển ti vi; thò tay vào quạt đang chạy, bị đũa, thì chọc vào mồm, bị bỏng nước canh, cháo... Theo BS Lê Tuấn Anh, Khoa Chỉnh hình Nhi, BV Nhi TW, trường hợp trẻ nhập viện vì những nguyên nhân trên không phải là hiếm gặp và phần lớn đều bắt nguồn từ sự lơ là của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ. Trong khi trẻ ở tuổi lên 3 thường hiếu động, thích khám phá và chứ có ý thức về hiểm họa rình rập với chính mình…
Cha mẹ khi trông nom trẻ cần tránh lơ là, tránh để tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ (Ảnh minh họa)
“Các bậc phụ huynh không nên để con đùa nghịch, chay chơi khi đang cầm đũa hoặc các vật dụng sắc nhọn trên tay. Đối với các chai, lọ hóa chất cần để trên cao tránh tầm với của trẻ hoặc cất ở những nơi trẻ khó tìm thấy, để tránh tình trạng trẻ uống nhầm. Các gia đình cần đặc biệt lưu ý khi trông nom trẻ, cần chú ý đến các bé, tuyệt đối không được lơ là để tai nạn đáng tiếc xảy ra có thể gây dị tật suốt đời thậm chí tử vong cho trẻ”- BS Tuấn Anh lưu ý.
BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (BVĐK Xanh Pôn) cho biết thêm, đa phần các trường hợp tai nạn bỏng nhập viện trong thời gian qua đều bắt nguồn từ sự lơ là, bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ.