Rùa tai đỏ đã xuất hiện ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, lan ra tới miền Trung (Thừa Thiên Huế), bày bán công khai trên các đường phố hoặc trong các cửa hàng cá cảnh. Những ngày gần đây, rùa tai đỏ được mua nhiều hơn với lý do cho trẻ con chơi hoặc để phóng sinh trong mùa Vu Lan báo hiếu. Điều đáng lo ngại là loại rùa này được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.
Xuất xứ từ Bắc Mỹ, rùa tai đỏ có thể sống từ 50 đến 70 năm. Khi thoát ra tự nhiên, rùa tai đỏ sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, phá vỡ cân bằng sinh thái. Ông Dương Văn Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT cho biết, hiện chưa có tài liệu khoa học chính thống nào nói rùa tai đỏ phá hoại mùa màng hay truyền dịch bệnh, là sát thủ thầm lặng, là đại họa cho nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu trong môi trường bẩn có chứa vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn thì rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella, loại vi khuẩn gây bệnh thương hàn đối với người. Thế nhưng, loài rùa nguy hiểm này được một công ty ở phía Nam nhập đến 40 tấn với số lượng hàng chục ngàn con từ Mỹ về, nuôi giữ tại tỉnh Vĩnh Long. Để xử lý, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản yêu cầu công ty đã nhập rùa tai đỏ phải lưu giữ, không cho thoát ra ngoài sông rạch, rùa đẻ trứng phải thu gom hủy hết. Đến hết tháng 9/2010, công ty này phải tìm cách tiêu thụ hết số rùa, nếu không phải xuất khẩu qua nước thứ ba hoặc trả về nơi đã nhập là Mỹ.
Nói là vậy song những biện pháp xử lý nói trên đã không được thực hiện đúng khi rùa tai đỏ nhanh chóng lan ra môi trường tự nhiên, báo hiệu nguy cơ gây hại môi trường và sức khỏe người dân. Từ đây, rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Vì sao doanh nghiệp nhập khẩu nhập lô hàng này, có phải vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả cho cộng đồng?
Hình thức nào để xử lý khi doanh nghiệp hai lần sai phạm: nhập hàng độc hại, để lọt ra môi trường tự nhiên? Các ẩn họa môi trường do các loài động, thực vật ngoại lai đem đến không phải là chuyện mới và chúng ta đã từng cảnh báo, từng có những bài học về ốc bươu vàng, hải ly, bèo tây, cá piranha...
Xem thường các cảnh báo bao giờ cũng phải trả giá đắt cho nền kinh tế đất nước, cuộc sống của nhân dân và môi trường sinh thái. Thiếu hiểu biết đã gây ra mầm mống, nếu thiếu trách nhiệm thì mầm mống sinh sôi nảy nở thành cây con và chậm chạp xử lý thì hậu quả càng nghiêm trọng.
Thiên Di