Nước đá là thực phẩm phổ biến mà hầu như ai cũng sử dụng, nhất là các địa bàn thời tiết nóng như các tỉnh phía Nam. Ít ai biết rằng, chất lượng nước đá đang ở mức báo động, người sử dụng sẽ có thể bị tiêu chảy, viêm đại tràng, ảnh hưởng gan, thận, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Vận chuyển nước đá không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn.
Tại Hội thảo “An toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá trên địa bàn TP.HCM” diễn ra mới đây, theo số liệu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, TP.HCM là địa phương có nhiều đơn vị sản xuất nước đá nhất cả nước. Tuy nhiên, trong tổng số 193 cơ sở sản xuất nước đá trên toàn thành phố chỉ có 79 cơ sở sản xuất sử dụng nguồn nước máy, còn lại 114 cơ sở sử dụng nước giếng khoan. Cũng trong quá trình kiểm tra, đã có 22 cơ sở sản xuất đá (chiếm 56,4% trong số được kiểm tra) vi phạm bị chi cục kiểm tra và xử lý, phạt tiền gần 154 triệu đồng. Vi phạm nhiều nhất là không đảm bảo điều kiện ATVSTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh và vi phạm quy định về công bố sản phẩm.
Vấn đề đặt ra ở đây là, nước là nguyên liệu duy nhất để sản xuất nước đá nhưng nhiều cơ sở sản xuất không kiểm soát được chất lượng nguồn nước, nhiều cơ sở sử dụng nước giếng khoan, trong đó có nhiều cơ sở không thực hiện việc xét nghiệm sau xử lý nước và không xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định. Trong khi theo quy định, cơ sở phải xử lý đạt 109 chỉ tiêu (riêng chi phí thực hiện xét nghiệm này đã trên dưới 20 triệu đồng/lần) mới được đưa vào sản xuất nước đá.
Chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh tại các tiệm tạp hóa, nhà hàng, quán nhậu, nước đá đông lạnh được vận chuyển bằng những chiếc xe tải không được che chắn hoặc bằng xe gắn máy hoen gỉ. Người bốc vác thì thản nhiên dùng tay không bê đá, thậm chí dẫm đạp, hoặc hút thuốc trong lúc giao đá cho khách hàng. Nhiều trung gian (đại lý) phổ biến tình trạng tái sử dụng bao đựng khiến tình trạng vấy nhiễm càng trở nên khó kiểm soát. Nhìn những khối đá được chặt ngay tại vỉa hè, được chủ quán cho thẳng vào thùng xốp để sử dụng mà không khỏi rùng mình. Ai biết rằng, khi có khách đến uống nước họ sẽ được chủ quán dùng loại đá này cho uống. Các tiêu chí về ATVSTP gần như chỉ là con số không.
Theo Chi cục ATVSTP TP.HCM, với 22 mẫu nước đá được lấy tại cơ sở sản xuất thì có 12 mẫu bị phát hiện nhiễm vi sinh E.coli, Coliforms... đây là những vi khuẩn có thể gây viêm, nhiễm khuẩn huyết. Nếu xâm nhập phổi, thận, đường tiết niệu sẽ có thể gây tử vong. Theo các chuyên gia y tế, sử dụng nước nhiễm vi sinh (E.coli và Coliforms, Feacal streptoccoc) có thể gây bệnh về đường ruột, tiêu chảy cấp, một số có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) nếu xâm nhập phổi, thận, đường tiết niệu gây hậu quả khôn lường. Ngoài ra, với các cơ sở sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (thủy ngân, chì, asen, kẽm,...), nhiều loại có khả năng gây ung thư cho người dùng.
Theo Chi cục ATVSTP TP.HCM, những quy định về kinh doanh nước đá đã có từ năm 2010 nhưng đến nay nhiều cơ sở chưa áp dụng là quá chậm. Sắp tới đây, các lực lượng liên quan sẽ tăng cường quản lý, xử lý nghiêm về hoạt động kinh doanh nước đá, buộc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải sử dụng nước đá từ những cơ sở đạt tiêu chuẩn. Nhưng chính bản thân người tiêu dùng cũng cần thận trọng, chỉ lựa chọn các cơ sở sử dụng nước đá đã được cơ quan quản lý cấp phép để tránh nguy cơ mắc bệnh.
Theo số liệu thống kê, nhu cầu tiêu thụ nước đá của người dân, đặc biệt là thị trường TP.HCM ngày một tăng, theo thống kê gần đây nhất, mỗi ngày thành phố có khoảng 500 tấn nước đá được tiêu thụ. Trong số 193 cơ sở sản xuất nước đá có 36 cơ sở sản xuất đá cây, 89 cơ sở sản xuất đá viên, còn lại là cơ sở sản xuất cả đá cây và đá viên.
Ngọc Đô - Minh Huỳnh