Hiện tượng cá chết hàng loạt, nổi trắng xóa tại Hồ Tây (Hà Nội) trong mấy ngày vừa qua đã khiến cho dự luận không khỏi quan tâm và lo lắng. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng trên đang là vấn đề cấp bách đối với các ban ngành chức năng.
10 đội phòng chống dịch cơ động cùng các lực lượng chức năng tập trung xử lý môi trường
Hiện tượng này bắt đầu được phát hiện từ chiều 30/9 và lên đến đỉnh điểm trong ngày 2/10. Các thiệt hại được thống kê về số lượng cá chết mỗi lúc một tăng cao, từ khoảng 1 tấn lên hơn 10 tấn ngày 1/10 và đến ngày 3/10, thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết các lực lượng đã thu gom được 76 tấn cá chết tại Hồ Tây để đưa đi xử lý.
Lấy mẫu nước, mẫu cá chết ở Hồ Tây để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Ảnh: Chí Tuệ
Hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở Hồ Tây đã khiến mùi hôi tanh nồng nặc bao trùm cả khu vực và khi chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người dân tại đây và cả các vùng lân cận cũng không tránh khỏi xót xa, lo lắng và hoang mang về vấn đề môi sinh, ăn uống và an toàn thực phẩm, thậm chí còn có ý kiến sợ hãi về số cá chết sẽ được làm thực phẩm cho người. Một người dân sống lâu năm ở đường Trích Sài, nơi cá chết nổi trắng xóa ven bờ, cho biết: Cá chết nổi trắng xóa như vậy là rất nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ ở đây, có thể là do ô nhiễm hay nhiễm độc. Nguy hiểm quá, cá này cho mèo ăn còn sinh bệnh chứ đừng nói đến người.
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp đi thị sát và đôn đốc chỉ đạo các lực lượng, ban ngành chức năng khẩn trương tiến hành công tác xử lý môi trường, tìm nguyên nhân và khắc phục các thiệt hại ban đầu.
Về phía y tế Hà Nội, ngay khi nhận chỉ đạo của Chủ tịch TP, ngày 3/10, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng Hà Nội và TTYT 4 quận nội thành cử 10 đội phòng chống dịch cơ động với đầy đủ các phương tiện, máy móc, hóa chất, nguồn nhân lực khẩn trương có mặt tại hiện trường cùng với các lực lượng của thành phố phun thuốc khử khuẩn xác cá chết, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ, phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, tiến hành điều tra dịch tễ học, lấy mẫu xét nghiệm nước Hồ Tây và các hồ, nguồn nước lân cận tìm nguyên nhân cá chết...
Tìm ra nguyên nhân là vấn đề cấp bách
Vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay là nguyên nhân nào đã dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở Hồ Tây, trong khi trên địa bàn thành phố còn rất nhiều hồ khác nhưng không xảy ra hiện tượng này, ngay cả hồ Trúc Bạch nằm ngay sát Hồ Tây. Bước đầu qua kết quả kiểm tra nhanh (test nhanh) của Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hà Nội thì: Nguyên nhân gây cá chết ban đầu được xác định do nước thiếu ôxy, cụ thể là ôxy bằng 0. Còn nguyên nhân nào gây ra mất ôxy trong nước thì toàn bộ lực lượng, đơn vị chức năng của TP từ Cảnh sát môi trường, Thanh tra môi trường, nông nghiệp, nhà khoa học… vẫn đang khẩn trương vào cuộc để làm rõ và trước mắt không loại trừ bất cứ nguyên nhân nào.
Trước sự quan tâm của dư luận, đã có một số chuyên gia đưa ra các giả thiết khi nhận định về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Hồ Tây. GS.TS. Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam cho biết, mặt Hồ Tây rất thoáng, nếu nói cá chết do thiếu oxy là vô lý. Hồ Tây có bị ô nhiễm, nhưng mức độ thấp không thể khiến cá chết hàng loạt như thế được. Bởi vậy, khi chưa có kết quả kiểm nghiệm khoa học chính thức từ cơ quan chức năng thì tất cả chỉ là phỏng đoán, tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng bị đổ trộm chất thải...
Trong khi đó, TS. Tạ Quang Tề - một trong những chuyên gia đầu ngành thủy sản lại nhận định, hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây những ngày qua là do nhiều nguyên nhân gộp lại. Nhưng nguyên nhân lớn nhất có thể là do nước trong Hồ Tây đã bị ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép. Mà nguồn ô nhiễm hữu cơ chủ yếu xuất phát từ nước thải sinh hoạt của các hộ dân, các khu đô thị lớn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí ven Hồ Tây đổ thẳng vào hồ. Cũng theo vị chuyên gia này giải thích thì: khi lượng nước thải hữu cơ đổ vào hồ quá lớn sẽ khiến hàm lượng NH3 tăng cao dẫn đến giảm hàm lượng ôxy trong nước. Việc thiếu ôxy chính là nguyên nhân khiến cá chết. Cũng có thể xét đến hiện tượng tảo nở hoa nhưng tôi cho rằng, thiếu ôxy để phân hủy các chất hữu cơ là nguyên nhân chính”.
Còn theo Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải, các nhà khoa học và cơ quan chức năng nên chú trọng xem xét, điều tra các yếu tố về môi trường, có thể loại trừ khả năng tác động của thời tiết khiến cá chết hàng loạt.
Để tăng cường công tác chỉ đạo và xử lý hiện tượng cá chết bất thường ở Hồ Tây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa kí văn bản chỉ đạo UBND TP. Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra, đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng cá chết làm thực phẩm và khẩn trương làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.