Ngày 11/10, tại Hội thảo sơ kết các hoạt động chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế tại TPHCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, một hệ thống y tế đạt được hiệu quả và chất lượng điều trị tốt cần những người nhân viên y tế khoẻ mạnh. Nhân viên y tế khoẻ mạnh là khoẻ mạnh về cả thể chất và tinh thần.
"Nhân viên y tế thường đối mặt với nhiều áp lực trong công việc nên thường gặp nhiều vấn đề căng thẳng, lo âu. Vậy nên, việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế rất quan trọng", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM - cho hay, Sở Y tế TPHCM đã tiến hành một nghiên cứu về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần của nhân viên y tế trên 382 nhân viên làm việc ở các đơn vị y tế tại TPHCM.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 18-19% nhân viên y tế trầm cảm, hơn 20% nhân viên y tế lo âu và hơn 14% nhân viên căng thẳng. Đáng chú ý, có sự khác biệt rõ rệt giữa nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện và nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế tuyến thành phố hoặc các bệnh viện tư nhân.
Theo đó, nhóm nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện có nguy cơ trầm cảm cao hơn nhóm nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế tuyến thành phố hoặc các bệnh viện tư nhân.
Đồng thời, nhân viên y tế trẻ tuổi (18-39), trình độ học vấn trung cấp, cao đẳng làm việc tại tuyến quận, huyện cũng có nguy cơ trầm cảm cao hơn các nhóm còn lại. Nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập cũng có nguy cơ trầm cảm cao hơn nhóm nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân.
Cũng dựa vào nghiên cứu, đánh giá, cho thấy, tỷ lệ nhận diện đúng về sức khoẻ tâm thần của nhân viên y tế còn thấp, tỷ lệ nhân viên y tế có các kiến thức đúng về các biểu hiện rối loạn còn thấp so với các nhóm còn lại, tỷ lệ nhân viên y tế không chắc chắn về các biểu hiện tâm lý còn cao…
Theo đó, khi gặp các vấn đề, các nhân viên y tế thường chia thành hai chiều hướng chính là tự giải quyết hoặc tìm sự hỗ trợ.
Phần lớn nhân viên y tế tự giải quyết bằng cách chăm sóc bản thân (tập thể dục, ngủ đủ giấc…), duy trì thói quen sinh hoạt hằng ngày… Chỉ có 4% nhân viên y tế tìm sự hỗ trợ khi gặp vấn đề. Các nhân viên này chủ yếu tìm sự hỗ trợ từ người thân, gia đình, bạn bè và người có chuyên môn trong trị liệu tâm lý.
Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho biết, nghiên cứu cũng chỉ ra nhóm những rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần của nhân viên y tế.
Theo đó, rào cản thứ nhất liên quan tới định kiến xã hội. Rào cản thứ hai liên quan tới nhận thức và thái độ của bản thân nhân viên y tế. Rào cản thứ ba là phương tiện tiếp cận dịch vụ.
"Trong những rào cản thì định kiến xã hội là lớn nhất. Hầu hết các nhân viên y tế không muốn những vấn đề liên quan tới sức khoẻ tâm thần bị ghi lại trong hồ sơ của họ. Họ lắng nghe những người quen biết họ có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Vậy nên, chính bản thân họ muốn tự giải quyết vấn đề của bản thân và họ nghĩ những vấn đề đó sẽ tự tốt dần lên", bác sĩ Long nhận định.
Ngoài ra, hiện nay những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế chưa phổ biến, nhân viên y tế không biết có thể nhận hỗ trợ sức khoẻ tâm thần chuyên nghiệp ở đâu, nhân viên y tế không đủ khả năng để chi trả cho những dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp về sức khoẻ tinh thần…
Để giảm căng thẳng cho nhân viên y tế, Sở Y tế TPHCM đã đề ra những chiến lược ứng phó ở cấp độ cá nhân và ở cấp độ tập thể.
Cụ thể, nhân viên y tế tìm đọc những tài liệu có nguồn tin cậy về phương pháp điều trị các rối loạn tâm thần. Sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tâm lý cung cấp ngoài giờ hành chính. Chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ khi có khó khăn.
Đối với tập thể, cần cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế. Các cơ sở y tế cần tổ chức các buổi tập huấn chia sẻ kiến thức về sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế. Xây dựng các phòng thư giãn cho nhân viên y tế tại cơ sở.
Theo khảo sát, các nhân viên y tế mong muốn rằng, nhân viên y tế biết được trình độ của người hỗ trợ cho mình. Khi áp dụng, cơ sở y tế nên có quy định rõ ràng về khung thời gian, tính bảo mật và thù lao cho cán bộ chuyên trách.
Thực tế cho thấy rằng, cần ưu tiên đào tạo nâng cao năng lực của người lãnh đạo, quản lý nhằm tạo môi trường làm việc tốt đối với sức khoẻ tâm thần của nhân viên y tế; phát triển các kế hoạch nhằm giải quyết các vấn đề sức khoẻ tâm thần phổ biến cho nhân viên y tế; cần đầu tư nguồn lực cho các đơn vị để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại đơn vị công lập và tư nhân, đặc biệt là những đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, tổ chức những chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của nhân viên y tế về các dấu hiệu phát hiện sức khoẻ tâm thần, cách tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần và hiểu về các chính sách hiện hành; các chiến lược tự chăm sóc bản thân; các nguồn thông tin và công cụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế; phát triển đội ngũ nòng cốt, các cán bộ chuyên trách về chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế đặc biệt là tại các cơ sở y tế lớn.
Ngoài ra, hình thành mạng lưới chăm sóc sức khoẻ tâm thần; xem xét điều chỉnh và giám sát các biện pháp can thiệp để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, điều chỉnh kịp thời hoạt động chưa hiệu quả; phát triển bản đồ dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội tại TPHCM…