Hà Nội

Nhân viên y tế đang bị “bạo hành” từ vụ bác sĩ Lương

21-03-2018 07:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mấy ngày nay dư luận đang dậy sóng về việc truy tố trách nhiệm hình sự đối với bác sĩ Hoàng Công Lương về một tai nạn y khoa hy hữu ở Hoà Bình khiến tám bệnh nhân bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối tử vong.

Việc truy tố ấy đang làm khủng hoảng tinh thần của nhân viên y tế mà tôi gọi là “bạo hành”.

Người ta hay nghĩ rằng “bạo hành y tế” là có ai đó đánh đập nhân viên y tế khi họ đang thực hiện việc khám chữa bệnh. Nhưng chúng ta quên rằng “bạo hành tinh thần” còn đáng sợ hơn “bạo hành thể xác”.

Thật sự, phần lớn nhân viên y tế những ngày này đang hoang mang tột độ.

Chúng tôi cô đơn trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, bảo vệ bệnh nhân.

Bạo hành trong y tế, khi truy tìm nguyên nhân sẽ khiến không ít người nghẹn đắng.

Từ phía bệnh nhân? Thật sự đã mang bệnh thì người ta rất cần đến bác sĩ.

BS. Lương vẫn đang tích cực cứu chữa cho trẻ sơ sinh non tháng bị hội chứng màng trong phải bơm sufactant, thở máy, nằm lồng ấp tại BVĐK Hòa Bình vao ngay 18/3

 

Từ phía người nhà của bệnh nhân? Có thể đúng một phần, nhưng chúng tôi thông cảm được vì họ đang lo lắng sốt ruột và họ có rất ít kiến thức về y khoa. Với lại bác sĩ làm việc với cường độ cao áp lực nhiều... nên không có đủ thời gian để giải thích tiếp xúc rõ ràng cho họ!

Thật sự có những thứ bạo hành kinh hoàng hơn cả bị đánh, bị chửi... đó là sự truy tố tù tội từ những tai nạn y khoa do cơ chế phân định trách nhiệm không rõ ràng!

Bác sĩ thì không thể nào phải chịu trách nhiệm về thuốc, hoá chất, dịch lọc... những thứ đã được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu hay sản xuất, được cấp giấy lưu hành, được bệnh viện đấu thầu, được kê đơn... Bác sĩ chỉ chịu trách nhiệm về việc kê đơn ra y lệnh có đúng chỉ định về bệnh lý hay không mà thôi.

Rồi từ đây còn ai dám đứng mũi chịu sào, ra y lệnh cứu chữa bệnh nhân... trong khi nhân lực nhân viên y tế cho những nơi dầu sôi lửa bỏng như cấp cứu, hồi sức chống độc, thận nhân tạo... đang thiếu nghiêm trọng, bởi họ phải thủ, phải tạo an toàn cho mình trước đã!

Rồi từ đây lại đùn đẩy bệnh nhân, chuyển tuyến cao hơn, từ chối hay trì hoãn những bệnh có thể có tai biến cao.... Thiệt thòi về phía người bệnh.


BS. Bảo Trung
Ý kiến của bạn